Khi gen Z Hà Tĩnh 'bỏ phố về quê'
Không chọn ở thành phố sau khi tốt nghiệp, nhiều gen Z Hà Tĩnh 'bỏ phố về quê' không vì thất bại mà vì thấy cơ hội đổi mới nông thôn bằng tư duy sáng tạo và kỹ năng số.

Lê Sỹ Lưu chọn về quê khởi nghiệp từ nghề nông thay vì ở lại Hà Nội.
“Năm 2024, khi vừa tốt nghiệp đại học, bạn bè lo tìm việc ở Hà Nội thì tôi lại chọn về quê làm nông nghiệp, trồng các loại cây dược liệu, nông sản và bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Thời điểm đó, nhiều người đã hỏi tôi rằng: học đại học để rồi quay về làm nông sao? Nhưng tôi nghĩ khác, làm nông nghiệp không phải lùi bước mà là nền tảng để phát triển lâu dài nếu làm đúng cách.” - Lê Sỹ Lưu (SN 2002, quê xã Tùng Lộc) bắt đầu câu chuyện “bỏ phố về quê” của mình như vậy.
Được biết, Sỹ Lưu tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) với tấm bằng loại ưu. Thay vì theo đuổi sự nghiệp nơi đô thị, Lưu quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp với các sản phẩm trà, bột rau.
“Tôi lớn lên giữa ruộng đồng quê nhà, quen với những luống rau xanh mướt, những luống ngô trổ cờ trên bãi bồi… Khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng, những nông sản tưởng chừng đơn sơ ấy lại có tiềm năng lớn nếu được làm đúng cách. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ, truyền thông, marketing… nhằm tạo diện mạo mới cho nông sản quê hương để tiếp cận được thị trường hiện đại” -Lưu chia sẻ.

Thế mạnh của những bạn trẻ thuộc lứa tuổi gen Z là khả năng làm truyền thông tốt trên các nền tảng mạng xã hội.
Với suy nghĩ đó, Lưu quyết định tìm hiểu rồi bắt tay sản xuất các dòng trà râu ngô, rau má… từ nguyên liệu ở địa phương, đồng thời nghiên cứu mẫu mã, bao bì và kênh phân phối. Không dừng lại ở sản xuất, Lưu còn tự học quay video, dựng clip, viết nội dung để quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội TikTok và đưa lên sàn thương mại điện tử.
Từ cách tiếp cận bài bản, tư duy cởi mở, Lưu nhanh chóng được Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hatisa (phường Thành Sen) mời hợp tác và giao giữ vai trò giám đốc kinh doanh. Tại đây, Lưu không chỉ làm sản phẩm mà còn là gương mặt truyền thông chủ lực. Những video do anh sản xuất về thu hoạch nông sản, quy trình làm bột rau… đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem trên TikTok, góp phần giúp nông sản Hà Tĩnh từng bước hiện diện chuyên nghiệp hơn trên thị trường số.


Võ Nhật Quang chọn trở về quê bắt đầu hành trình với nông nghiệp.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Võ Nhật Quang (SN 2002, quê xã Cẩm Lạc) cũng chọn trở về quê bắt đầu hành trình với nông nghiệp. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), Quang đi ngược xu hướng của nhiều bạn bè khi quyết định về Hà Tĩnh làm việc. Với Quang, trở về quê hương không phải vì thiếu cơ hội ở đô thị mà bạn trẻ này nhận thấy bản thân phù hợp hơn với nhịp sống và môi trường quê nhà.
Sau khi trở về quê, Nhật Quang làm việc tại Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hatisa - nơi quy tụ nhiều người trẻ chung chí hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Với nền tảng kinh tế và kỹ năng số, Quang phụ trách mảng truyền thông, xây dựng thương hiệu và nội dung trên các nền tảng mạng xã hội nhằm quảng bá nông sản Hà Tĩnh đến đông đảo người tiêu dùng.
“Tôi thấy nhiều người vẫn nghĩ nông nghiệp là công việc tay chân, đơn điệu. Nhưng với kỹ năng truyền thông, thiết kế, marketing… tôi có thể làm điều mới mẻ cho nông sản quê mình. Mỗi sản phẩm không chỉ để bán, mà còn mang trong đó câu chuyện, văn hóa địa phương. Khi kể lại câu chuyện ấy một cách hấp dẫn và gần gũi, khách hàng sẽ dễ dàng đón nhận. Tôi tin rằng, kết hợp giữa giá trị truyền thống và tư duy hiện đại chính là cách để người trẻ tạo dấu ấn trong lĩnh vực này.” - Võ Nhật Quang cho hay.

Lê Sỹ Lưu và Võ Nhật Quang có chung lựa chọn trở về quê hương để làm nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Dù không quen biết nhau từ trước, Lê Sỹ Lưu và Võ Nhật Quang lại có chung lựa chọn trở về quê hương để làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng tri thức và công nghệ. Những bạn trẻ Gen Z như họ đang góp phần mang luồng sinh khí mới vào nông nghiệp Hà Tĩnh.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Huế, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (SN 2002, quê ở xã Cẩm Lạc) từng có ý định lập nghiệp xa quê. Cô đã vào tận Phú Quốc cũ (nay là An Giang) để thực tập gần hai tháng với mong muốn tìm kiếm cơ hội tại một môi trường năng động, phát triển.
Tuy nhiên, sau thời gian thực tập, Quỳnh Anh quyết định trở về quê hương Hà Tĩnh để làm việc và gắn bó lâu dài. Quyết định ấy không đến từ thất bại hay thiếu cơ hội, mà xuất phát từ những trăn trở cá nhân sau trải nghiệm xa nhà.

Sau thời gian thực tập, Quỳnh Anh quyết định trở về quê hương Hà Tĩnh để làm việc.
"Những buổi tối quây quần bên gia đình sau một ngày làm việc đã giúp em hiểu rằng về quê là lựa chọn đúng. Ở quê, mọi thứ gần gũi, bình yên và chỉ cần được sống gần bố mẹ, em đã có đủ động lực để cố gắng mỗi ngày,” Quỳnh Anh chia sẻ.
Với cô gái trẻ này, gia đình chính là nguồn động lực để tiếp tục cố gắng trong công việc. Ngoài ra, môi trường sống thân thuộc, gần gũi ở quê cũng là yếu tố quan trọng. Quỳnh Anh cho rằng, tuy làm việc ở thành phố lớn có mức lương cao hơn nhưng chi phí sinh hoạt cũng rất cao khiến áp lực nhiều hơn.
Hiện tại, Quỳnh Anh đang làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Cẩm Lạc với công việc hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả cho người dân. Dù lựa chọn con đường khác với nhiều bạn cùng trang lứa, cô tin rằng mình đang đi đúng hướng: phát triển bản thân ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hatisa, nhận xét: “Các bạn gen Z giỏi công nghệ, biết tạo nội dung truyền thông, nắm bắt nhanh xu hướng thị trường và không bị bó buộc bởi những lối mòn cũ. “Bỏ phố về quê” vì thế không còn là “lựa chọn lùi” nếu người trẻ có đủ kiến thức và tư duy đổi mới. Tất nhiên, không phải ai về quê cũng thành công, nhưng các bạn trẻ đã cho thấy rằng, nếu nghiêm túc và đi đúng hướng thì quê hương luôn có “đất” để phát triển, thậm chí là bứt phá.”
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/khi-gen-z-ha-tinh-bo-pho-ve-que-post291808.html