Khi giáo viên vùng cao làm dân vận

Ở trường học vùng cao Tây Bắc, các thầy cô giáo thường có những chuyến 'ngược sơn' đến các bản làng xa xôi để thăm học trò nghèo, học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những chuyến đi trèo đèo, lội suối, với biết bao vất vả, cực nhọc, nhưng khi đến nơi, các thầy cô mới thêm hiểu hoàn cảnh và tinh thần hiếu học không gì sánh được của học trò…

 Học trò vùng cao Tây Bắc trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Học trò vùng cao Tây Bắc trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Băng rừng đến với học trò nghèo

Xuất phát từ hoàn cảnh sống và điều kiện học tập của học sinh ở vùng cao Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn, trong những năm gần đây, nhiều nhà trường đã thể hiện sự quan tâm đến các em học sinh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như tổ chức mô hình bán trú giúp các em có điều kiện, yên tâm ở lại trường để học tập, hay thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để các em thêm gắn bó, yêu mến trường hơn. Bên cạnh đó, một hoạt động thường xuyên được các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc tiến hành là lên kế hoạch để các thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn thanh niên đến thăm để nắm bắt hoàn cảnh, tình hình học trò tại các bản xa.

Hoạt động thăm hỏi gia đình học trò ở các cấp học của các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc được đông đảo các thầy, cô giáo nhiệt tình ủng hộ. Với tình cảm yêu thương và trách nhiệm đối với học trò, hầu hết các thầy cô giáo đều tự nguyện, không quản ngại khó khăn, vất vả, lặn lội đến những bản xa thăm hỏi, động viên gia đình học sinh. "Hoạt động thăm hỏi gia đình học sinh thường hướng vào những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh cá biệt để nắm bắt kịp thời lý do vì sao các em không đến trường" - Thầy giáo Đồng Xuân Lợi, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu) cho biết.

Hầu hết các thầy, cô giáo chủ nhiệm ở các trường học vùng cao khi mới nhận lớp đều cố gắng bằng mọi hình thức để nắm bắt hoàn cảnh của các em học sinh. Từ đó, tìm ra những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp giúp đỡ. "Kết hợp với việc tìm hiểu hoàn cảnh học sinh trong giấy tờ, hồ sơ, việc trực tiếp đến tận gia đình các em sẽ giúp chúng tôi thấu hiểu sâu sắc thêm về điều kiện sống và học tập của các học trò của mình" - Một thầy giáo ở vùng cao Lào Cai chia sẻ.

Đối với các em học sinh vùng cao, việc không có điều kiện để đến trường, hoặc gia đình gặp khó khăn về kinh tế, tâm lý muốn nghỉ học sớm để đi làm nương rẫy là không hiếm. Vì thế, trong thời gian qua, các thầy cô vùng cao Tây Bắc đã có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, trong đó có việc tổ chức đi thăm gia đình các em đã đem lại hiệu quả tích cực. Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (Tân Tiến, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: "Mặc dù các em, học sinh ở bán trú, điều kiện học tập đã được cải thiện, song gia đình các em, nơi bản xa còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các thầy, cô giáo luôn đến tận bản để vừa động viên, vừa khích lệ các em vượt khó để học tập".

Thầy giáo trường Trung học phổ thông số 3 Bảo Yên (Lào Cai) thăm, tặng quà gia đình học sinh tại bản Mông. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Thầy giáo trường Trung học phổ thông số 3 Bảo Yên (Lào Cai) thăm, tặng quà gia đình học sinh tại bản Mông. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Động lực để các em vươn tới

Mỗi chuyến đến thăm gia đình học trò là cả một chặng đường dài đầy gian nan của các thầy, cô giáo vùng cao. Học trò, nhiều em ở sâu trong các bản trên núi cao, đường vào bản phải vượt qua nhiều con suối, đèo dốc, xe máy khó lòng có thể "thong dong" được. Vì thế, "cuốc bộ" là cách lựa chọn duy nhất để thầy, cô đến với học trò. Nhưng có một điều mà các thầy, cô sau khi kết thúc chuyến thăm gia đình học trò đều có chung một cảm nhận là, khi đến nơi, tất cả mệt nhọc tự nhiên tiêu tan hết, bởi lẽ, họ nhận ra rằng, bằng chặng đường vất vả ấy, ngày ngày các em vẫn lặn lội đến trường học chữ.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Đạo, giáo viên trường Trung học cơ sở số 2 Xuân Hòa (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: "Vào đầu mỗi năm học, các thầy, cô giáo đều đến các bản xa để động viên học trò. Đến nơi, nhìn các em ăn cơm với muối dằm ớt mà thấy thương và ngậm ngùi biết mấy, chỉ mong các em khắc phục hoàn cảnh gia đình để đến trường học chữ".

Mỗi lần đi thăm học trò, các thầy, cô giáo đều cảm nhận được những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần của các em. Nhưng có một vốn quý không thiếu trong mỗi em học sinh người Mông, Dao, Tày… là tinh thần hiếu học. Mặc dù khó khăn, nhưng các em vẫn quyết tâm xuống núi, đến trường học chữ. Đó là điều đáng cảm phục đối với những mầm non của núi rừng.

Các thầy, cô giáo trường Trung học phổ thông số 3 Bảo Yên (Lào Cai) thường tổ chức đến thăm, tặng quà Tết cho học trò vào dịp đầu năm, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm quan trọng để thầy cô thấu hiểu học trò hơn. Thầy giáo Nguyễn Sỹ Tuấn chia sẻ: "Đến bản Mông ở Lùng Ác với đoạn đường gần 20 cây số ngược dốc núi rồi lại xuôi phía dốc núi bên kia chừng 10 cây số nữa mới đến được nhà học sinh. Đến đây, mới thực sự cảm thông với các em và nhận thấy ý chí học tập của các em đáng quý biết mấy".

Mỗi khi có thầy, cô giáo đến thăm, tặng quà, các em học sinh trong các bản xa cùng gia đình như được tạo thêm động lực để nêu cao tinh thần quyết tâm học tập thật tốt. Các em coi thầy, cô như điểm tựa tinh thần để rèn ý chí học tập. Dù đường có xa, núi có cao, suối có sâu và nhiều vực thẳm nhưng không thể đo hết được tấm lòng yêu trò của các thầy, cô giáo và ý chí học tập của các em học sinh vùng cao trong hành trình tìm chữ vì một ngày mai tươi sáng.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khi-giao-vien-vung-cao-lam-dan-van/