Khi hào quang tắt trước vành móng ngựa
Vụ án Xuyên Việt Oil đã phơi bày một sự thật không thể chối cãi, đó là hào quang quá khứ không thể che lấp tội lỗi
Trong buổi xét xử cuối của phiên phúc thẩm vụ án Xuyên Việt Oil vào sáng 8-5, 7 bị cáo - từng là những nhà hoạch định chính sách chỉ có vài phút để tự bào chữa hoặc cầu xin sự xem xét từ HĐXX, thay vì những màn tranh tụng, biện luận thường thấy.
Khi công trạng không cứu được tội danh
Bị cáo Nguyễn Lộc An - cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - có 3 luật sư bào chữa nhưng không ai có mặt. Bị cáo trở thành người duy nhất tự đứng ra bào chữa.
Sau khi chỉnh lại trang phục, hít một hơi sâu, bị cáo An bắt đầu trình bày trước HĐXX. Bị cáo thừa nhận sai phạm và xin tòa ghi nhận những đóng góp trong quá trình công tác: trên 20 bằng, giấy khen; là người khởi xướng đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; và có các sáng kiến thúc đẩy thị trường trong nước. Những lời kể ấy được đọc ra chậm rãi, như thể chính bị cáo đang cố cứu lấy một phần bản ngã từng rất đáng tự hào. Nhưng chính lúc bị cáo đang bấu víu vào quá khứ, chủ tọa nhẹ nhàng ngắt lời: "Bị cáo đừng kể nữa…".
Bị cáo An là 1 trong 7 bị cáo được tòa sơ thẩm ghi nhận là "có thành tích xuất sắc trong công tác", bên cạnh những cái tên như Lê Đức Thọ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, hay Đỗ Thắng Hải - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương. Dẫu vậy, phần nội dung chứng minh thành tích chỉ ngắn ngủi, lạnh lùng: "Được Bộ Công Thương tặng nhiều bằng khen, giấy khen".
Cay đắng hơn, "thành tích xuất sắc" giờ đây lại nằm cạnh "nhận hối lộ" trong 1 bản án. Theo đó, từ tháng 3-2016 đến 7-2017, bị cáo An đã 4 lần nhận hối lộ, bao gồm cả 1 chiếc đồng hồ Patek Philippe, tổng trị giá hơn 521 triệu đồng.
Có người nói rằng những tấm huân chương không bao giờ mất giá trị, chỉ là người mang nó có thể không còn xứng đáng. Nhưng khi những tấm huân chương, bằng khen được nhắc đến trong một phiên tòa hình sự thì ánh hào quang đó dường như đã không còn thuần khiết.
Phía bên phải bục khai báo, chỗ của luật sư, giờ chỉ là một tờ giấy bào chữa đã được gửi đến tòa từ trước. Chủ tọa phiên tòa lật ra, đọc chậm rãi từng dòng, như đang đọc một bản khai sinh cho sự thất thế: "Bị cáo có nhân thân tốt… có thành tích trong công tác… phạm tội lần đầu…". Không có gì sai. Nhưng cũng không có gì khiến người ta tin rằng bản án nên được giảm nhẹ, ngoài những lời quen thuộc đã được nhắc ở phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại tòa
Từ quyền uy đến thấp thỏm chờ phán quyết
Giống như Nguyễn Lộc An, các bị cáo khác cũng nói. Có người nhắc đến tuổi già, có người nhắc đến con nhỏ, có người xin được về chăm mẹ già, hoặc đơn giản chỉ nói: "Tôi sai rồi, mong HĐXX ghi nhận".
Mỗi người một cách trình bày nhưng tất cả, từng người, đều từng có một quá khứ được nhắc bằng những danh xưng đáng kính. Và sáng hôm ấy, họ giống nhau ở chỗ, tất cả đều đứng trước tòa như những người mong được hiểu, nếu không thể tha. Cả đời đi qua bằng thành tích nhưng đến cuối cùng thành tích không cứu được họ khỏi bản án pháp luật.
Cũng trong phiên tòa, có một nỗ lực âm thầm nhưng rõ ràng từ phía bị cáo Lê Duy Minh, cựu Cục trưởng Cục Thuế TP HCM và các luật sư bào chữa, mà người ta nhìn thấy được, đó là cố giữ lại phần nào danh dự đã sứt mẻ.
Trong từng lời bào chữa, từng tài liệu được viện dẫn, là nỗ lực chứng minh rằng, dù cầm tiền hối lộ nhưng bị cáo Minh không đổi trắng thay đen, không bao che sai phạm, càng không làm tổn hại lợi ích nhà nước. Luật sư của bị cáo Minh nhấn mạnh: "Thân chủ tôi nhận hối lộ, nhưng không gây thiệt hại trong vụ án này".
Sự phân định này tưởng chừng mâu thuẫn, nhưng lại là điều cốt lõi mà phía luật sư của bị cáo muốn tòa ghi nhận. Hơn hết, theo lời luật sư, điều này nhằm để báo chí không quy kết oan uổng và công luận không xóa bỏ cả một chặng đường công tác của bị cáo.
Bị cáo Minh từng là một người cẩn trọng trong công việc, được đồng nghiệp và cấp dưới vẫn thường khen ngợi vì sự nghiêm túc và tính kỷ luật cao. Còn theo bản án, trong những lần đầu tiếp nhận quà cáp từ các doanh nghiệp, bị cáo từng từ chối nhận 100.000 USD từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil, vì đã ra văn bản buộc doanh nghiệp này nộp thuế.
Nhưng bị cáo Hạnh vẫn để lại quà và ra về. Bị cáo Minh không nhận nhưng cũng không hoàn trả. Chính vì việc không hoàn trả đó đã làm lung lay sự kiên định của một người từng đứng đắn.
"Không ai gợi ý, không ai vòi vĩnh" - bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, người đưa hối lộ, khẳng định như vậy trong suốt các phiên điều tra. Những món quà, lễ, Tết, sinh nhật, đều là "tự nguyện" như một thói quen. Nó không ồn ào, không có sự ép buộc nhưng lại đủ sức phá vỡ mọi chuẩn mực, biến hành vi sai trái thành một phần không thể thiếu trong "giao dịch" hằng ngày.
Nhưng những lời bào chữa ấy, dù khéo léo đến mấy, cũng chỉ là sự cố gắng tuyệt vọng để níu giữ lại một phần thể diện đã rơi rớt. "Lê Duy Minh đã 2 lần nhận tiền, tổng cộng hơn 4,8 tỉ đồng, để tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil được ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng" - bản án sơ thẩm kết luận.
Phiên phúc thẩm dự kiến kéo dài 1 tuần nhưng rồi chỉ gói gọn trong 3 buổi. Hai ngày xét hỏi, 1 bản luận tội, 1 buổi sáng để phản bác và 3 ngày để chờ đợi phán quyết cuối cùng. Mọi thứ trôi qua như thể đã được chấp nhận, hoặc chí ít là không thể chối cãi.
HĐXX cho biết phiên tòa sẽ tuyên án vào ngày 12-5. Các bị cáo còn vài ngày nữa để chờ đợi đoạn kết của chương cuối trong hành trình đi từ quyền lực đến bục xét hỏi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khi-hao-quang-tat-truoc-vanh-mong-ngua-196250509205104634.htm