Khi hiện đại trở nên 'hại điện': Đồ công nghệ giá rẻ 'vun đắp' thành núi rác
Tai nghe 25 ngàn đồng, dây sạc 18 ngàn đồng, quạt mini 35 ngàn đồng... Những món phụ kiện công nghệ có giá chỉ bằng một ly trà sữa đang được giới trẻ mua sắm liên tục. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng đằng sau sự tiện lợi và giá rẻ đó là một 'núi' rác điện tử đang ngày một lớn lên.
Theo thống kê của đài truyền hình VTV, đến cuối năm 2024, Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác điện tử mỗi năm. Một phần không nhỏ trong đó đến từ chính những món đồ “nho nhỏ xinh xinh” như tai nghe, dây sạc, chuột máy tính, quạt mini… - những thiết bị thường xuyên bị thay mới do tuổi thọ ngắn và khó sửa chữa.

Những phụ kiện giá rẻ đang âm thầm làm "tổn thương" môi trường (Ảnh: Internet)
Phụ kiện công nghệ giá rẻ tràn lan, teen “chốt đơn” thành thói quen
Chỉ cần vài cú click trên các sàn thương mại điện tử, teen đã có thể dễ dàng mua được một chiếc tai nghe, dây sạc, đèn để bàn hay quạt cầm tay với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Các món phụ kiện công nghệ giá rẻ ngày càng phủ sóng khắp không gian sống của Gen Z - những người luôn kết nối 24/7 với thiết bị điện tử.
Là một sinh viên ngành Truyền thông, bạn Hoàn Nhân (sinh năm 2003, TP.HCM) cho biết: “Do tính chất ngành học cần nhiều ‘trợ thủ’ công nghệ, nên có lúc gấp mà chưa kịp xoay kinh phí là mình ‘quẹo lựa’ mấy món đồ công nghệ giá rẻ cho kịp deadline. Nhưng xài vài bữa lại hư, nên cuối cùng vẫn phải mua đồ xịn. Thành ra... tốn gấp đôi!”

Hoàn Nhân không ít lần bị "fomo" bởi đồ công nghệ giá rẻ (Ảnh: NVCC)
Tình trạng này không phải hiếm. Nhiều teen chọn mua thiết bị giá rẻ vì chi phí thấp và dễ tiếp cận, nhưng không mấy ai nghĩ đến vòng đời ngắn của chúng. Bạn Bảo Khánh (sinh năm 2003, TP.HCM) thẳng thắn nói: “Những món đồ giá rẻ tưởng chừng tiết kiệm, nhưng lại nhanh hỏng. Vừa mất thêm tiền, vừa tạo thêm đống rác điện tử chẳng ai muốn nhận.”

Bảo Khánh thuộc team "teen tỉnh táo" khi mua đồ công nghệ. Ảnh: NVCC
Rác điện tử: Kích thước nhỏ, hệ lụy to
Nhiều bạn trẻ cho rằng những món đồ công nghệ nhỏ như dây sạc hay tai nghe không đáng ngại nếu bị hỏng. Tuy nhiên, theo chị Hải Yến (sinh năm 1994, TP.HCM), nhân viên Công ty NTT - IT Helpdesk & Support, đây chính là loại rác thải điện tử khó xử lý và gây hại nhất.
“Những món đồ nhỏ như vậy chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium... Nếu không xử lý đúng, các chất độc sẽ ngấm vào đất, nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường.” - chị Yến cho biết.

Nhiều năm lăn lộn trong ngành công nghệ, chị Yến cũng chào thua rác điện tử. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, chị Yến cũng chia sẻ thêm trong môi trường văn phòng, các thiết bị như chuột, tai nghe, dây sạc là những món bị thay thế thường xuyên, dù nhiều trường hợp chỉ cần vệ sinh hoặc thay linh kiện nhỏ là có thể dùng tiếp. “Tâm lý ‘cũ là thay’ vẫn còn phổ biến, góp phần làm gia tăng lượng rác công nghệ không cần thiết,” chị nói.
Đại diện cho hội teen mê công nghệ - cô bạn Liễu Quân (sinh năm 2002, TP.HCM) cũng đồng tình: “Hồi trước mình không quan tâm lắm, cứ hỏng là vứt. Nhưng sau khi biết mấy món này chứa nhựa không phân hủy và kim loại độc, mình thấy áy náy với mẹ thiên nhiên cực kỳ luôn!”

Fan công nghệ Liễu Quân "hoàn lương" khi biết tác hại của rác điện tử. Ảnh: NVCC
Gen Z hiện đại, không “hại điện”
Không thể phủ nhận rằng Gen Z là thế hệ sử dụng thiết bị công nghệ nhiều nhất. Nhưng đồng thời, cũng là thế hệ có khả năng tiếp cận thông tin nhanh, dễ thay đổi thói quen và lan tỏa nhận thức đến cộng đồng.
Bảo Khánh bày tỏ: “Với khả năng cập nhật thông tin nhanh và tư duy đổi mới, Gen Z tụi mình hoàn toàn có thể lan tỏa thói quen tiêu dùng bền vững. Chỉ cần mình ý thức một chút thôi, ảnh hưởng sẽ lan rộng lắm đó.”
Hoàn Nhân đề xuất giải pháp từ những việc đơn giản: “Nên ưu tiên mua những món đồ bền, dễ sửa chữa, có bảo hành và đến từ thương hiệu uy tín. Và đặc biệt, chỉ mua khi thật sự cần. Chứ thấy đồ rẻ mà ‘quẹo vô’ hoài thì... ví cũng không vui đâu!”

Gen Z cần nâng cao ý thức dùng đồ điện tử, tránh "tổn thương" mẹ thiên nhiên. Ảnh: Internet
Tại các công ty công nghệ như nơi làm việc của chị Hải Yến, thường có hẳn một khu vực tái chế riêng cho các thiết bị điện tử hỏng. “Mỗi bộ phận đều có khu tái chế nhỏ, mọi người được nhắc không vứt thiết bị vào thùng rác thông thường. Rác công nghệ được gom lại định kỳ và gửi đến đơn vị tái chế chuyên nghiệp,” chị Yến cho biết thêm.
Đây là mô hình mà teen hoàn toàn có thể “học lỏm” để áp dụng tại nhà, ký túc xá hoặc trường học. Việc phân loại rác đúng cách, sử dụng thiết bị bền hơn và hạn chế “sắm linh tinh” chính là những bước đầu tiên để Gen Z sống công nghệ nhưng vẫn giữ môi trường xanh - sạch - bền vững.
Theo các chuyên gia, việc tiêu dùng công nghệ thông minh không chỉ dừng lại ở lựa chọn sản phẩm chất lượng, mà còn bao gồm cả thói quen sử dụng bền vững và xử lý thiết bị cũ đúng cách.
Trong bối cảnh rác thải điện tử đang gia tăng nhanh chóng, mỗi hành động nhỏ như kéo dài tuổi thọ thiết bị, hạn chế mua sắm tùy hứng hay phân loại rác đúng cách đều có thể góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai số bền vững hơn.