Khi hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu kịch

Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về 'Hình tượng người chiến sĩ CAND' lần thứ V do Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, được nâng tầm chuyên nghiệp và mở rộng quy mô. Đây là hoạt động chào mừng 80 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).

Liên hoan có sự tham gia của 21 nhà hát đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc, 25 vở diễn với hơn 600 nghệ sĩ diễn viên đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam.

Một cảnh trong vở “Ngược chiều bình an”.

Một cảnh trong vở “Ngược chiều bình an”.

Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc “Về Hình tượng người chiến sĩ CAND” bắt đầu từ năm 2005 đến nay đã trải qua 4 kì hội diễn. Chặng đường 20 năm với hàng trăm tác phẩm sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND. Đề tài Công an nhân dân có giá trị tư tưởng nghệ thuật, nội dung phản ánh sâu sắc thực tế công tác, chiến đấu, cũng như cuộc sống thường ngày của chiến sĩ Công an gắn với tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đồng đội, tình quân dân son sắt… được tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến công chúng.

Tham dự Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc lần này có nhiều loại hình nghệ thuật, gồm: 15 vở kịch nói, 4 vở chèo, 4 vở ca kịch, và 2 vở cải lương. Trong đó, khu vực phía Bắc và miền Trung có các đoàn: Nhà hát Kịch Công an nhân dân, Nhà hát Kịch Quân đội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế…

Điều đặc biệt là góp mặt vào liên hoan lần này có 4 nhà hát trong khu vực phía Nam tham dự. Đây là những nhà hát nghệ thuật sân khấu kịch xã hội hóa, gồm: Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Quốc Thảo, Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh, Công ty Truyền thông và Giải trí HN Media.

Thực tế cuộc sống, công việc của người chiến sĩ Công an luôn là đề tài hấp dẫn của văn học, nghệ thuật. Công an không chỉ có bắt tội phạm, đánh án mà đằng sau những công việc chuyên môn rất khô khan ấy, họ cũng là những con người với đủ nỗi lo toan cuộc sống thường ngày, với những cám dỗ vật chất mà nếu không có bản lĩnh thì sẽ rất khó vượt qua... Tuy nhiên, viết thế nào để hấp dẫn người xem, người nghe lại không dễ, đòi hỏi các tác giả phải hiểu sâu những đặc thù nghề nghiệp của lực lượng CAND. Với loại hình sân khấu vốn mang tính ước lệ thì lại càng khó bởi kịch bản hay nhưng đạo diễn “non tay”, diễn viên diễn không tới thì sẽ thành hô hào khẩu hiệu và sẽ khó hấp dẫn khán giả vốn ngày càng khó tính.

Nhìn vào những vở diễn tham gia liên hoan lần này, có thể thấy các đoàn đã đầu tư công phu từ kịch bản, đạo diễn tới diễn viên để cho ra những tác phẩm chất lượng.

Một cảnh trong vở “Người thứ ba” của Nhà hát kịch CAND.

Một cảnh trong vở “Người thứ ba” của Nhà hát kịch CAND.

Vở kịch “Người thứ 3” của Nhà hát kịch CAND ca ngợi sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ khoác cho mình vỏ bọc nghệ sĩ để dễ dàng luồn sâu trong lòng địch khi hai miền Nam - Bắc còn bị chia cắt. Những con người với lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã trở thành những chiến sĩ tình báo an ninh, dấn thân vào mặt trận thầm lặng đầy nguy hiểm. Tình yêu của đôi trẻ đã gác lại, để cho nhiệm vụ mới được thực thi. Và, họ, hai con người khao khát yêu đương và say đắm ấy đã chấp nhận “chôn vùi” tình riêng của mình để phục vụ lý tưởng lớn của dân tộc. Tác phẩm do Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền – Giám đốc Nhà hát kịch CAND chỉ đạo nghệ thuật; đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng theo kịch bản của tác giả Minh Anh, tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch CAND biểu diễn.

Mang đến liên hoan lần này, Nhà hát Kịch nói Quân đội “trình làng” vở kịch “Nhân tình” của tác giả Chu Thơm, một cây viết lão luyện trong làng sân khấu, NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn là một trong những tác phẩm chạm đến những vấn đề của người trẻ. Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh, mạng xã hội hỗn loạn thông tin, người chiến sĩ Công an không chỉ đối mặt với tội phạm mà còn phải vượt qua những áp lực vô hình từ dư luận, định kiến xã hội, những rào cản để đối diện với vấn đề cần được giải quyết. Họ không chỉ giỏi trong chuyên môn nghiệp vụ mà còn thấu tình đạt lý, rất đời, rất người, giàu tính nhân văn.

Điểm nhấn Liên hoan lần này có duy nhất một vở nhạc kịch do Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội dàn dựng. Vở nhạc kịch mang tên “Trời xanh nơi đáy vực” kể về những chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - những người hùng thầm lặng giữa đời thường. Hình thức thể hiện mới mẻ, cách tiếp cận nhẹ nhàng, cuốn hút qua ngôn ngữ kể chuyện đặc sắc. Sự tương tác, đồng điệu giữa vở diễn và khán giả mang đến không khí tràn ngập cảm xúc.

Cũng về đề tài về người chiến sĩ Cảnh sát PCCC, vở kịch nói “Ngược chiều bình an” của Nhà hát kịch Việt Nam đã tái hiện chân thực công việc của những chiến sĩ Cảnh sát PCCC, các anh dám đi ngược chiều của sự bình an, không ngại gian khổ, nguy hiểm, thậm chí đánh đổi cả sinh mạng của mình để dành sự sống bình an cho nhân dân. Họ không phải là những siêu nhân. Họ chỉ là những con người không phải không có đôi lúc mềm lòng trước sự cám dỗ của vật chất khi đồng lương khiêm tốn, không phải lúc nào cũng thật can đảm khi lao vào đám cháy đang cuồn cuộn lửa, không phải lúc nào cũng thật hạnh phúc sau khuôn mặt lấm lem, bụi khói. Đó là những cảm xúc thật nhất, con người nhất. Đằng sau những chiến công, đằng sau sự hy sinh, đằng sau những nụ cười hạnh phúc của người dân được cứu khỏi đám cháy là những giọt nước mắt...

25 vở diễn tham dự liên hoan lần này là 25 cách tiếp cận khác nhau. Dù thể hiện bằng loại hình chèo, kịch nói, cải lương, nhạc kịch, các vở diễn đã xây dựng hình ảnh chiến sĩ Công an với những gì chân thực và đời thường nhất và chính điều đó có sức lay động mạnh mẽ nhất với khán giả và được những người trong nghề đánh giá cao.

NSND Trịnh Thúy Mùi (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao về sự nhìn nhận, cũng như sự quan tâm của Bộ Công an với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung, với sân khấu nói riêng. Thông qua các vở diễn mà các đoàn mang đến liên hoan lần này có thể thấy việc đưa hình tượng những chiến sĩ Công an lên sân khấu sẽ giúp hình ảnh của các chiến sĩ gần gũi hơn với nhân dân, giúp nhân dân hiểu và chia sẻ những vất vả mà các CBCS đang hàng ngày phải đối mặt để bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Tôi hy vọng rằng, thông qua đợt liên hoan này, các đơn vị nghệ thuật sẽ có nhiều tác phẩm phong phú hơn về đề tài CAND”.

NSND Tự Long (Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội) cho biết, là người đầu tiên được tham gia tôn vinh Công an chính quy về xã năm 2021-2022, anh thấy ở đó có rất nhiều tấm gương, hình ảnh đẹp. “Tôi nhận một kịch bản chứa đựng những điều đã ấp ủ từ lâu nên tôi mong muốn được dàn dựng vở diễn để đem đến hội diễn lần này của Bộ Công an, cũng như để cho khán giả toàn quân, toàn quốc. Tôi hy vọng thông qua nghệ thuật chèo, khán giả sẽ hiểu rõ về hình tượng người chiến sĩ CAND ở thời bình”.

Còn NSƯT Thanh Châu (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Bình Định) thổ lộ: “Đến với Liên hoan này, Nhà hát chọn vở “Trò chơi của quỷ” được xem là đề tài hiện đại nói lên sự đóng góp của Lực lượng CAND trong việc triệt phá băng nhóm tội phạm về buôn bán nội tạng, đây là một đề tài mới. Chúng tôi chọn đề tài này như một thông điệp nhắc nhở người dân về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo nhưng cũng có sự lựa chọn sáng suốt tránh để bị đối tượng xấu lợi dụng. Các anh chị em nghệ sĩ trong Nhà hát cũng đã tập luyện hết sức mình mong rằng đến với liên hoan truyền đạt được thông điệp cho tất cả mọi người”.

Liên hoan sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày, nhưng với các nghệ sĩ, ai cũng mong muốn sau liên hoan, các vở diễn sẽ tiếp tục được mang đến phục vụ khán giả ở mọi miền đất nước, để tiếp tục lan tỏa những thông điệp tích cực về những điều tốt đẹp của cuộc sống, đó mới là sức sống của tác phẩm. Hy vọng rằng, từ những tác phẩm sân khấu này, người dân sẽ ngày càng thêm tin, thêm yêu người Chiến sĩ Công an, những người đang thầm lặng làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân với tinh thần ở đâu dân cần, ở đó có Công an.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/khi-hinh-tuong-nguoi-chien-si-cong-an-len-san-khau-kich-i774282/