Sản vật 'trời ban' có từ Nam ra Bắc, nấu canh ăn vừa mát vừa ngọt thơm
Với vị ngọt, cay và dậy mùi thơm đặc trưng, loại rau mọc dại có từ Nam ra Bắc này được người dân xem như sản vật 'trời ban', có thể thu hái thường xuyên, đem nấu canh hay xào, luộc đều hấp dẫn.
Cây bầu đất (có nơi còn gọi là rau lủi, kim thất, rau lúi, dây chua lè, khảm khom…) thuộc họ cúc, mọc dại hoặc được trồng nhiều ở ven rừng, ven đồi, nơi ẩm hay vách đá, bãi hoang ven suối, trên nương rẫy…
Loại cây này sinh trưởng tự nhiên, có thể trồng quanh năm, không cần chăm bón thường xuyên vẫn có thể cho thu hái liên tục, nhất là vào mùa xuân.

Rau bầu đất nay được nhân giống và trồng khắp từ Nam ra Bắc. Ảnh: Vườn SG
Vài năm trở lại đây, cây bầu đất được người dân ở nhiều địa phương ưa chuộng sử dụng làm thức ăn, chế biến thành nhiều món ngon lạ miệng, hấp dẫn.
Chị Thanh Nhàn (ở xã Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cho biết, cây bầu đất có 2 loại chính, phân biệt dựa trên màu sắc của lá, gồm xanh và tím. Cả hai loại đều ăn được và có giá trị dinh dưỡng tương tự nhau nhưng có chút khác biệt.
“Bầu đất lá xanh khá phổ biến ở miền Bắc, thường dùng làm rau ăn. Còn bầu đất tím được trồng nhiều ở miền Trung và miền Nam, vừa có thể chế biến món ăn, vừa dùng trong y học dân gian để chữa bệnh”, chị Nhàn kể.

Rau bầu đất tím. Ảnh: NaLa's Food
Theo chị Nhàn, ngoài thu hái từ tự nhiên, người dân hiện nay còn trồng bầu đất để lấy rau ăn thường xuyên vì loại rau này dễ trồng và dễ sống, không cần chăm bón nhiều.
Khi trồng, người ta cắm phần thân già của cây xuống đất, lựa chọn những khu vực gần nguồn nước, có độ ẩm cao là cây sẽ sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao.
“Rau bầu đất được trồng quanh năm, sau 2 tháng đã có thể thu hoạch. Một tuần sau thu hái, loại rau này lại mọc tua tủa ngọn và lá non. Với những nơi trồng bầu đất trên diện tích rộng, bà con có thể thu hái vài năm mới phải phát gốc đi, trồng mới”.


Canh rau bầu đất thanh mát, giải nhiệt tốt nên thường được ưa chuộng vào mùa hè. Ảnh: Chung Phạm
Để làm thức ăn, người ta sẽ hái phần ngọn và lá bầu đất non, đoạn dài khoảng 15 – 20cm, sau đó đem về rửa sạch, chế biến. Loại rau này có thể luộc, xào tỏi hoặc nấu canh. Mỗi món lại có một hương vị thơm ngon riêng, kích thích vị giác.
Chị Nhàn cho biết, món đơn giản nhất là rau bầu đất luộc, ăn giống như các loại rau quen thuộc khác như rau muống, rau cải, rau dền, rau mùng tơi… Rau luộc xong, chấm cùng nước mắm cốt hoặc mắm tép, mắm cáy là hợp nhất.

Món canh rau bầu đất với cá khoai. Ảnh: Hòa Cá
Cầu kỳ hơn, người ta đem rau bầu đất xào cùng tỏi và mỡ lợn, ăn ngậy thơm. Nhưng phổ biến và được ưa chuộng hơn vẫn là món canh bầu đất thanh mát nấu cùng ngao, tôm hoặc trai, hến… cho ngọt nước.
“Rau bầu đất có vị ngọt, cay, xen lẫn chút đắng. Ngoài ra, loại rau này còn có mùi thơm đặc trưng, khiến nhiều người chỉ thoáng ngửi qua cũng thấy kích thích vị giác”, chị Nhàn bày tỏ.
Rau bầu đất vừa là nguyên liệu chế biến thức ăn, vừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh: Ẩm thực tại gia
Không chỉ là nguyên liệu chế biến món ăn, rau bầu đất còn được xem như “liều thuốc tự nhiên” mang lại một số lợi ích cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Quách Tuấn Vinh (Chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm, Hà Nội), bầu đất là loại dược liệu quý, được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Loại cây này có vị ngọt nhạt, tính mát, quy vào kinh can và thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi niệu và hỗ trợ điều trị các chứng viêm họng, cảm sốt, mụn nhọt, giảm đau khớp, phong thấp.