Khi Hojlund bị cô lập, đội tuyển Đức không có gì phải e ngại

Đan Mạch tiến vào vòng loại trực tiếp nhờ trận hòa 0-0 trước Serbia, ở Munich. Thứ Bảy này, họ sẽ đối đầu đội tuyển Đức ở vòng 1/8 Euro 2024.

Họ đứng thứ hai sau đội tuyển Anh, đội đã hòa 0-0 với Slovenia trong trận đấu còn lại ở bảng C. Đan Mạch và Slovenia có thành tích hoàn toàn giống nhau ở 3 trận vòng bảng (trong đó có cùng số thẻ vàng nhận được), nhưng Đan Mạch xếp nhì bảng do có vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng ở vòng loại Euro 2024.

Đội bóng của Kasper Hjulmand đã chơi 3 trận và hòa cả 3 ở vòng bảng Euro 2024. Họ tiếp tục không tận dụng được, không khai thác được một số tài năng trong đội hình đó, đặc biệt là tiền đạo Rasmus Hojlund của Manchester United, người đã bị thay ra giữa hiệp hai.

Đan Mạch sẽ gặp đội tuyển Đức ở vòng 1/8 tại Dortmund vào tối thứ Bảy. Trong khi đó, đội tuyển Anh sẽ gặp một trong các đội xếp thứ ba ở bảng D, E hoặc F vào tối Chủ nhật. Slovenia đi tiếp vào vòng loại trực tiếp với tư cách là một trong 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất.

Người hâm mộ tự tin đội tuyển Đức sẽ tiến sâu ở Euro 2024.

Người hâm mộ tự tin đội tuyển Đức sẽ tiến sâu ở Euro 2024.

Cổ động viên đội tuyển Đức đã sẵn sàng cho trận đấu Đức-Đan Mạch ở vòng 1/8 Euro 2024.

Cổ động viên đội tuyển Đức đã sẵn sàng cho trận đấu Đức-Đan Mạch ở vòng 1/8 Euro 2024.

Người Đức khá lo khi họ vắng cặp trung vệ chủ chốt ở trận gặp Đan Mạch nhưng giới chuyên môn nhận định: Chừng nào các chú lính chì còn để phí tài năng của Hojlund, thì chừng đó chủ nhà Euro 2024 không phải quá bận tâm.

Vậy thì, Đan Mạch nên chơi theo thế mạnh của Hojlund thay vì bắt tiền đạo này phải phục vụ lối chơi tập thể của đội nhà.

Trong đội hình Đan Mạch, không nghi ngờ gì khi Hojlund vừa là tài năng tấn công sáng giá nhất vừa là triển vọng hấp dẫn nhất của Đan Mạch.

Tuy nhiên, thực tế 3 trận vòng bảng cho thấy anh ấy chưa sẵn sàng đảm nhận khối lượng trách nhiệm được giao ở đầu sân-phía khung thành đối phương. Trong trận đấu với Serbia, Kasper Hjulmand chơi cùng Hojlund, Jonas Wind trên hàng công nhưng một phần kế hoạch đã thất bại khi Jonas Wind bị phạt thẻ trong hiệp 1 và phải rút lui sau giờ nghỉ.

Kể từ đó trở đi, Hojlund bị cô lập khủng khiếp. Đan Mạch thiếu những đường chuyền vào khoảng trống hoặc vượt ra ngoài hàng phòng ngự mà lẽ ra khả năng tăng tốc của anh ấy trở thành một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, hàng tiền vệ Đan Mạch chưa cầm bóng đủ tốt để thực hiện các pha di chuyển xung quanh anh ấy. Không hiếm thời điểm đội tuyển Đan Mạch giành được quyền kiểm soát bóng trên phần sân của mình, nhưng Hojlund lại cách đồng đội gần nhất của anh tới 30m, đôi khi thậm chí tới 40m.

Khi Hojlund được thay ra ở phút thứ 58, đó hoàn toàn là một quyết định đúng đắn, tuy nhiên đó có vẻ như là kết quả của việc các vệ tinh chơi xung quanh anh không tạo được điều kiện thích hợp để anh phát huy thế mạnh, hơn là bất kỳ sai sót kỹ thuật hoặc chiến thuật nào từ phía Hojlund. Dựa vào cách Đan Mạch chơi bóng và việc họ không muốn chơi nhanh hoặc với số lượng dồn về phía trước, Hojlund hiển nhiên bị hạn chế về sức mạnh.

Ở tuổi 21, Hojlund vẫn đang học hỏi và lối chơi của anh ấy sẽ phải được mở rộng theo thời gian lẫn không gian. Đáng tiếc là, đội tuyển Đan Mạch dù sở hữu một cầu thủ tấn công năng động nhưng họ dường như không muốn sử dụng Hojlund theo đúng cách mà anh ấy muốn-đó là ghi bàn cho đội nhà.

Bài, ảnh: NGUYỄN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/euro-2024/khi-hojlund-bi-co-lap-doi-tuyen-duc-khong-co-gi-phai-e-ngai-782697