Khi kỷ vật hiến tặng bị hóa giá

Hiện vật chiến tranh được hiến tặng cho bảo tàng, nhưng một cán bộ lại kê khống - biến việc hiến tặng trở thành mua bán.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Chuyện đau lòng này xảy ra tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, năm 2021 nhiều cựu chiến binh ở tỉnh Khánh Hòa đã hiến tặng kỷ vật cho bảo tàng để phục vụ trưng bày.

Tuy nhiên, ông Mai Ngọc Đa - Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm kiêm Phó Bí thư chi bộ Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã làm tờ trình mua hiện vật, nhằm lấy tiền thanh toán từ ngân sách Nhà nước. 41 hiện vật hiến tặng đều được ghi có “định giá ban đầu” là 650 nghìn đồng/kỷ vật. Kết quả trả giá cuối cùng (lần thứ 3), tất cả hiện vật đều có chung một giá bán là 500 nghìn đồng.

Sự việc sau đó bị phát giác, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa có quyết định đình chỉ tạm thời chức vụ đối với ông Đa. Sau khi lập tổ xác minh, Giám đốc Bảo tàng có báo cáo kết quả và kết luận: Việc ông Đa “tham mưu đề xuất thanh toán hiện vật được hiến tặng là không đúng quy định tài chính”.

Tuy nhiên, theo Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa thì “những sai sót trong tham mưu đề xuất được hội đồng khoa học đơn vị chỉ rõ và quyết định không thực hiện, chưa có thiệt hại về kinh tế” nên chỉ kiến nghị kiểm điểm nghiêm khắc rút kinh nghiệm đối với ông Đa.

Tháng 1/2022, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định khôi phục vị trí chức vụ Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh đối với ông Mai Ngọc Đa.

Tháng 2/2022, hai cán bộ đã trao tặng kỷ vật kháng chiến đã gửi đơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Bảo tàng tỉnh “trả lại đầy đủ hiện vật đã trao tặng”.

Người trao tặng kỷ vật cho rằng, kê khống - biến việc hiến tặng trở thành mua bán, kê khai số tiền lên tới mấy chục triệu đồng là hành vi gian dối. Đem xương máu, tuổi trẻ, sự hi sinh quy đổi thành tiền… là điều xúc phạm rất nghiêm trọng.

Dư luận cũng như những người hiến tặng kỷ vật chiến tranh ở Khánh Hòa đang chờ một kết luận xác đáng từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có thể thấy đây là câu chuyện rất đau lòng, nhưng lại không là hiếm.

Ở một số bảo tàng, việc kê khống mua bán hiện vật hiến tặng dù không xảy ra. Nhưng cách đối xử với kỷ vật lại là một câu chuyện đáng bàn. Hiện vật thay vì phải được trân trọng qua cách trưng bày cũng như ghi chú thuyết minh, thì lại… xếp kho, hoặc “đổ thành đống”.

Hiến tặng kỷ vật chiến tranh là hiến tặng cả những xương máu thiêng liêng – đó là nét văn hóa tiêu biểu của bộ đội Cụ Hồ. Thế nhưng, cách đối xử của một số cán bộ bảo tàng – những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã và đang dập tắt nét đẹp mang tính thời đại ấy.

Xây dựng văn hóa không chỉ rập khuôn trong một vài bộ tiêu chí mới ban hành, mà phải luôn luôn bắt đầu từ cách đối nhân xử thế. Làm sao có thể chấn hưng văn hóa khi biến những người hiến tặng trở thành kẻ mua bán? Làm sao thu hút được hiện vật từ những người đã hi sinh xương máu, khi cán bộ chỉ nhăm nhe bòn rút tiền ngân sách?.

Coi thường lịch sử dân tộc, xem nhẹ văn hóa ứng xử - thì những chuyện đau lòng như ở Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.

Hòa Trần

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khi-ky-vat-hien-tang-bi-hoa-gia-2dBxyarnR.html