Khi lãnh đạo VFF và VPF phụ trách chuyên môn lại điều hành như người không có chuyên môn

Đó là Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

Một Thế Giới đã có rất nhiều bài phản ánh, phân tích nhận định về cách điều hành đi ngược với xu hướng phát triển chung của thế giới bóng đá khiến cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở thành hệ thống “quái gở”: “đầu to, đít teo” – số lượng đội trình độ cao nhiều hơn (14 đội V-League) so với số lượng đội có trình độ thấp (10 đội Hạng nhất).

Ngày 4.3, Một Thế Giới đã có bài viết: “Đòi bốc thăm lại Cúp quốc gia: Không đâu như ở Việt Nam”, và đúng như chúng tôi dự báo, VPF đã gửi thông báo đến 24 đội V-League và Hạng nhất về chương trình Hội nghị và Lễ bốc thăm, xếp lịch thi đấu (lần 2) Giải bóng đá Hạng nhất quốc gia 2023 và Cúp quốc gia 2023 vào lúc 14 giờ 30 ngày 7.3 qua hình thức trực tuyến.

VPF: Sai từ gốc!

Câu lạc bộ Sài Gòn (SGFC) thực chất chỉ còn là tên gọi vì tất cả cách thành viên của đội đã bị thanh lý hợp đồng trước, trong và sau khi SGFC bị rớt xuống Hạng nhất cuối mùa 2022. Cũng vì chờ một SGFC “vườn không nhà trống” mà VPF quyết định lùi Giải bóng đá Hạng nhất 2 tháng, dự kiến khai mạc cùng thời gian với V-League vào đầu tháng 2 thì nay là đến tháng 4.

Cũng vì SGFC “vườn không nhà trống” muốn bán suất cho Lâm Đồng, trong khi 2 bên giao dịch chưa xong, tính pháp lý chưa có, chỉ cần một thông báo của SGFC “vườn không nhà trống” xin tham dự Giải bóng đá Hạng nhất và Cúp quốc gia, VPF vội vã chấp nhận rồi tiến hành Hội nghị và Lễ bốc thăm, xếp lịch thi đấu (lần 1) Giải bóng đá Hạng nhất quốc gia 2023 và Cúp quốc gia 2023 vào ngày 22.2.

Và như chúng ta đã biết, khi cuộc “mua bán suất Hạng nhất” giữa SGFC “vườn không nhà trống” với Lâm Đồng không thể thành hiện thực, người hâm mộ gọi vui “LÂM – SÀI” đã trở thành “SAI – LẦM” của... VPF!

Và, như chúng ta cũng đã biết, chỉ cần một thông báo của SGFC “vườn không nhà trống” gửi đến VPF xin rút lui khỏi Giải bóng đá Hạng nhất cùng Cúp quốc gia vào chiều 3.3 do không đủ điều kiện thi đấu và chuyển giao cho Lâm Đồng, VPF lại hối hả, vật vã tiến hành tổ chức bốc thăm lại như chúng tôi đề cập ở trên.

Lược sơ diễn tiến để chúng ta thấy VPF như con rối, hoàn toàn bị động trước cuộc chơi cút bắt giữa SGFC “vườn không nhà trống” với Lâm Đồng. Đó là chưa kể VPF đã hụt hơi khi cố chờ Cần Thơ FC đủ điều kiện tham dự Giải bóng đá Hạng nhất. Hơn ai hết, là nơi chịu trách nhiệm cao nhất điều hành hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, VPF thừa hiểu, hậu quả xảy ra nhiều chuyện tiêu cực làm ảnh hưởng đến phần còn lại của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua là do cách điều hành nghiệp dư, không có chuyên môn của chính mình!

VPF vượt quyền VFF

Thực chất VPF chỉ là Công ty tổ chức sự kiện. Nhiệm vụ và trách nhiệm của VPF là soạn dự thảo quy chế, điều lệ các giải của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, và sau khi những cổ đông VPF là các Câu lạc bộ tham dự giải thông qua, thì VPF chuyển đến VFF. Từ đây, VFF sẽ ký quyết định ban hành Quy chế Điều lệ giải.

Thế nhưng, VPF vẫn tổ chức lễ bốc thăm Cúp quốc gia cũng như Giải bóng đá Hạng nhất quốc gia 2023 dù mới chỉ có Dự thảo điều lệ. Nói chính xác hơn, VPF đã “vượt mặt, vượt quyền” VFF!

Từ cái sai từ gốc này mà VPF hoàn toàn bị động trước sự tùy tiên rút ra, rút vào của SGFC.

Nhưng VPF đâu chỉ “qua mặt” VFF ở Giải bóng đá Hạng nhất, Cúp quốc gia 2023, mà VPF còn “lơ” VFF ở V-League 2023 khi VPF tiến hành lễ bốc thăm vào ngày 26.12.2022 mà mãi đến ngày 17.1.2023, VPF mới Ban hành Điều lệ Giải bóng đá Vô địch quốc gia 2023 sau khi được VFF phê duyệt vào ngày 13.1.2023.

***

Mặc dù gần như tất cả các công văn điều hành các giải do Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc ký, nhưng người chịu trách nhiệm cao nhất vẫn là Chủ tịch HĐQT VPF kiêm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Trần Anh Tú và cũng là 1 trong 4 người đại diện vốn có của VFF trong VPF.

Nói ngắn gọn, Trần Anh Tú hiện nay là người phụ trách chuyên môn cao nhất của bóng đá Việt Nam từ bóng đá nam đến bóng đá nữ chuyên nghiệp, từ bóng đá ngoài trời (football) cho đến bóng đá trong nhà (futsal) chuyên nghiệp và các giải đấu hạng nhì cùng hệ thống trẻ các U cả nam lẫn nữ.

VPF đưa ra quy định đi ngược với bóng đá hiện đại: “tài trợ độc quyền” khiến cho Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn kiện lên tòa án ngày 7.2.2023; VPF cũng nhào nặn ra hình hài “quái gở” của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam; VPF cũng “dừng vô tội vạ” V-League để tập trung thời gian cho các đội U trong quãng thời gian FIFA Day; trong tháng 3 này, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam cũng không thi đấu trong những thời gian FIFA Day; còn đội tuyển bóng đá nữ kể từ khi đoạt vé tham dự Vòng chung kết World Cup 2023 cũng chưa có trận đấu hay tham gia giải đấu giao hữu nào trong thời gian FIFA Day...

Còn rất nhiều trái khoáy của BĐVN qua cách điều hành không khoa học, thiếu chuyên môn của người phụ trách chuyên môn Trần Anh Tú.

Thế nhưng trên Trần Anh Tú còn có Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhiều năm là Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF. Đáng nói hơn, đầu tháng 3 này, ông Tuấn vừa mới được AFC tái bổ nhiệm vào vị trí Trưởng ban thi đấu AFC.

Với vị thế của mình, chẳng lẽ ông Tuấn không biết cách điều hành yếu kém của ông Tú? Sự im lặng của ông Tuấn, phải chăng là đồng tình?

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khi-lanh-dao-vff-va-vpf-phu-trach-chuyen-mon-lai-dieu-hanh-nhu-nguoi-khong-co-chuyen-mon-193897.html