Sau khi tiếp nhận, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đã đưa cá thể khỉ mặt đỏ về đơn vị chăm sóc và liên hệ với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên để thực hiện các biện pháp chăm sóc, phục hồi tập tính tự nhiên và sau đó tái thả về môi trường tự nhiên. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Khỉ mặt đỏ có tên khoa học Macaca arctoides, thuộc họ khỉ Cercopithecidae. Chúng sống ở các khu rừng thấp khu vực Nam Á và Đông Nam Á, tại Việt Nam được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh miền Trung.
Khỉ mặt đỏ có bộ lông màu nâu sẫm, nhưng cũng có đôi khi biến đổi từ đen sang đỏ. Mặt phần lớn có màu đỏ với lông trên đỉnh đầu thường tỏa ra các phía xung quanh còn lông ở hai bên má tỏa ra phía sau.
Ngoài khuôn mặt và bụng dưới có màu đỏ, loài khỉ quý hiếm này có đặc điểm nổi bật là chai mông to, không có lông. Các bàn chân và đuôi có màu giống thân.
Thức ăn của khỉ mặt đỏ chủ yếu là quả, hạt, lá non, nõn và các loại côn trùng, chim và trứng. Chúng hoạt động vào ban ngày, thường xuyên leo trèo và lang thang trong rừng, dọc theo các bờ sông, con suối.
Trong một đàn khỉ mặt đỏ thường có con đực dẫn đàn, mỗi ngày có thể di chuyển 400- 3.000m. Đặc tính khi kiếm ăn của loài khỉ này là phát ra tiếng kêu để gọi nhau hoặc khi nhận thấy nguy hiểm.
Trước năm 1975, loài này còn rất phổ biến ở các khu rừng từ các tỉnh phía Bắc tới các tỉnh phía Nam trên tổng diện tích ước tính khoảng 30.000km2. Từ năm 1975 trở lại đây thay đổi rõ rệt, số lượng quần thể giảm mạnh.
Nguyên nhân của việc này là do nơi cư trú của khỉ mặt đỏ bị xâm hại, rừng bị chặt phá, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Nguy hiểm hơn, loài khỉ này là mục tiêu cho các đối tượng xấu săn bắt để lấy thịt, nấu cao, buôn bán và xuất khẩu.
Hiện khỉ mặt đỏ Macaca arctoides được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IIB, được quy định trong Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Mời quý độc giả xem thêm video: Khỉ hoang thản nhiên cầm chai rượu uống cạn rồi cười khúc khích.
Thiên Trang (TH)