Khi nam giới làm cộng tác viên dân số

Bên cạnh 'phái yếu', thời gian qua, 'cánh mày râu' không ngại khó khăn, tích cực tham gia công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Mặc dù không lương, chế độ phụ cấp thấp nhưng những cộng tác viên (CTV) DS vẫn nhiệt tình 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' để tuyên truyền, vận động.

Hơn 30 năm miệt mài cống hiến

Ở tuổi xế chiều, ông Huỳnh Công Phi (SN 1956, ngụ ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn miệt mài lao động, sản xuất. Công việc hàng ngày của ông là chăm sóc rau màu, cây ăn trái, đưa rước cháu đi học, phụ vợ việc nhà,... Mặc dù bận rộn với công việc nhưng ông vẫn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.

Ở tuổi xế chiều, ông Huỳnh Công Phi vẫn miệt mài với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Ở tuổi xế chiều, ông Huỳnh Công Phi vẫn miệt mài với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Trong căn nhà cấp 4, ông dành một góc nhỏ đặt bộ ghế đá, đây là địa điểm quen thuộc để ông làm việc. Đặt tập tài liệu lên bàn, ông tỉ mỉ xem lại danh sách các gia đình được phân công phụ trách. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ được ông lưu giữ cẩn thận.

Ông Công Phi cho biết: “Những ngày đầu nhận nhiệm vụ CTV DS, tôi bỡ ngỡ nhiều điều, nhất là kiến thức liên quan đến các biện pháp tránh thai an toàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tôi tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về công tác DS-KHHGĐ, từ đó tuyên truyền hiệu quả cho người dân. Mỗi khi có cuộc họp, tôi dậy thật sớm để chăm sóc vườn, đưa cháu đi học rồi tham gia”.

Từng đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, Trưởng ấp 4 nên ông rất am hiểu địa bàn quản lý. Hiện ông phụ trách gần 80 hộ. Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, ông Công Phi cho hay, trước đây, nhiều người quan niệm sinh con là chuyện riêng của gia đình và sinh bao nhiêu con là quyền của họ. Trong những tình huống đó, ông bình tĩnh, khéo léo tuyên truyền để mọi người hiểu lợi ích của thực hiện KHHGĐ nhằm bảo vệ sức khỏe phụ nữ, sinh ít giúp nuôi dạy con tốt hơn.

Trạc tuổi ông Công Phi, nhiều CTV DS đã xin nghỉ nhưng ông vẫn quyết “bám” địa bàn, ngày nào còn sức khỏe là còn làm. Hơn 30 năm gắn bó với công việc CTV DS, không lương, chế độ phụ cấp thấp nhưng ông luôn nhiệt tình "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động. Với những đóng góp đó, ông nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen từ tỉnh đến xã vì có thành tích tốt trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

Tâm huyết với công tác dân số

“Nhiều người làm CTV DS tại các ấp, khu phố chủ yếu vì cái tâm và tình cảm với địa phương. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn. Làm công việc này mà nghĩ đến thu nhập thì không thể gắn bó lâu dài được” - ông Đoàn Minh Hùng (SN 1962, ngụ khu phố (KP) Nhơn Hậu, phường Tân Khánh, TP.Tân An) tâm sự.

Được biết, ông Minh Hùng làm CTV DS từ khi xã Khánh Hậu, thị xã Tân An chưa điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay, đã hơn 20 năm. Năm 2006, xã Khánh Hậu được điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường Tân Khánh và phường Khánh Hậu thuộc thị xã Tân An (nay là TP.Tân An). Sau khi chia tách, ông gắn bó với công tác DS-KHHGĐ tại phường Tân Khánh. Ông phụ trách địa bàn số 7 với 113 hộ, trước đây, địa bàn dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn. Từ năm 2006-2019, ông đảm nhận vai trò Trưởng KP Nhơn Hậu 1 (nay KP Nhơn Hậu 1 và KP Nhơn Hậu 2 sáp nhập thành KP Nhơn Hậu) nên ông nắm rất rõ địa bàn.

Ông Đoàn Minh Hùng có hơn 20 năm kinh nghiệm làm cộng tác viên dân số

Ông Đoàn Minh Hùng có hơn 20 năm kinh nghiệm làm cộng tác viên dân số

Rót ly nước mời khách, ông kể vanh vách về các công việc thường làm của một CTV DS: Vận động, hướng dẫn khám sức khỏe tiền hôn nhân; tuyên truyền không chọn lựa giới tính khi sinh; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ; tuyên truyền, vận động phụ nữ khám phụ khoa định kỳ 2 lần/năm;...Song song với tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ, ông lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để làm tốt nhiệm vụ, ngoài cái tâm, mỗi CTV DS còn trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, nhất là kỹ năng giao tiếp. Ông Minh Hùng cho biết: “CTV DS phải thật khéo léo, tế nhị khi tiếp cận các gia đình. Tuyên truyền thực hiện KHHGĐ được xem là một trong các nhiệm vụ khó. Là nam giới nên trước tiên, tôi tiếp cận, trò chuyện cùng người chồng, từ những câu chuyện phiếm xung quanh cuộc sống, dần dần đi vào vấn đề chính”.

Nhận nhiệm vụ CTV DS khi ngoài 30 tuổi, bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông phải học hỏi, nỗ lực rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của công việc. Tương tự nhiều công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khác, làm CTV DS cũng lắm buồn, vui.

Theo ông Minh Hùng, không phải tất cả các cuộc tuyên truyền đều diễn ra suôn sẻ và đạt kết quả, bởi cũng có gia đình phản ứng khá gay gắt khi được tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, “mưa dầm thấm lâu”, nhờ kiên trì, mềm mỏng nên mọi người dần hiểu và đồng lòng thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Từ năm 2008 đến nay, địa bàn do ông phụ trách không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Bản thân ông nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen từ tỉnh đến cơ sở vì có thành tích tốt trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

Thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, những người làm CTV DS như ông Huỳnh Công Phi và ông Đoàn Minh Hùng đã góp phần thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, giảm bớt sức ép về gia tăng DS, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn./.

Nguyễn Dung

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-nam-gioi-lam-cong-tac-vien-dan-so-a146959.html