Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp FDI: Tìm giải pháp tạo động lực cho tăng trưởng bền vững
Chính quyền các tỉnh thành mong muốn doanh nghiệp FDI có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững
Ngày 18/9, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra chương trình đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”. Sự kiện do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại chương trình, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với những diễn biến địa chính trị, cạnh tranh thương mại đang diễn ra, bức tranh kinh tế thế giới chưa thật sự có nhiều điểm sáng, trong khi nguồn cung và giá năng lượng, hàng hóa thiết yếu biến động mạnh.
Thực tế cho thấy, bức tranh kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi. Trong đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Hành vi, thói quen tiêu dùng cũng chuyển sang thương mại điện tử, du lịch xanh, gắn với điểm đến an toàn, thân thiện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Tại nhiều quốc gia, tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, việc hình thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo giữa các thành phố lớn ngày càng gia tăng đáng kể. Đáng chú ý, chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hóa thạch, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này sang các nguồn năng lượng sạch ngày càng phổ biến và sâu rộng.
Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia. Đây cũng là cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng chính nó cũng đặt ra những thách thức trong giải quyết vấn đề việc làm, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo.
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy doanh nghiệp tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là trách nhiệm của chính quyền thành phố. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030.
Hiện TP. Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng các định hướng và chính sách nhằm tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng, trong đó, tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ tài chính xanh, và công nghiệp xanh. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất tiên tiến, sạch và bền vững.
“TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách. Đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp FDI về môi trường đầu tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại thành phố, vùng Đông Nam bộvà Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
Thúc đẩy sự phát triển của công nghệ cao - tương lai kinh tế của Việt Nam
Tại chương trình đối thoại các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp FDI, trao đổi thông tin về các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng, đồng thời định hướng và xác định kế hoạch đầu tư, hợp tác trong thời gian tới.
Các diễn giả, tổ chức quốc tế tập trung đi sâu thảo luận vào một số thách thức làm nhất mà hệ sinh thái kinh tế của Việt Nam đang đối mặt. Từ việc tối ưu hóa logistics và chuỗi cung ứng cho đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thị thực và giấy phép lao động.
Ngoài ra, vấn đề cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và đầu tư cũng được thảo luận chi tiết, nhằm đơn giản hóa quy trình và làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, tại phiên thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy tương lai bền vững: Năng lượng thay thế vào công nghệ thông minh” các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế đi sâu thảo luận cũng như trình bày các kiến nghị, đề xuất thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và công nghệ thông minh… Từ đó không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước mà còn định vị Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về tăng trưởng xanh.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết: Bình Phước có dự địa rất tốt trong thu hút đầu tư trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Bình Phước có 13 khu công nghiệp với diện tích trên 4.600 ha và tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang rất cao trên 70%.
Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2030, Bình Phước có 15 khu công nghiệp với diện tích 18.000 ha. Và một trong ưu thế của Bình Phước là nền đất tốt, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp rất thuận lợi.
“Chúng tôi mong đợi các nhà đầu tư tiếp tục về Bình Phước để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa bàn của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi và tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp khi đến Bình Phước đầu tư”, bà Trần Tuyết Minh nhấn mạnh.
Ông John Rockhold - Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng của Liên minh VBF - cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một thời điểm quan trọng trên hành trình nỗ lực nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, một khu vực không chỉ sôi động mà còn có vị trí chiến lược để dẫn đầu trong quá trình này.
Cho tới thời điểm này của năm 2024, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về chính sách, ban hành các quy định quan trọng góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi xanh, cũng như đưa ra những định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước. Những bước tiến này sẽ góp phần củng cố an ninh năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và đặt nền tảng cho sự phát triển của công nghệ cao trong nước.
Tái cơ cấu ngành công nghiệp để ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, thực tiễn xanh, hay việc sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu là một xu hướng không thể tránh khỏi. Các lĩnh vực chính bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, nơi mà việc phát triển phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin và sản xuất thiết bị điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, đầu tư vào điện tử và vi mạch, bao gồm cả khâu sản xuất và thiết kế, sẽ củng cố vai trò trung tâm công nghệ khu vực của TP. Hồ Chí Minh và miền Nam.
Các ngành công nghiệp hỗ trợ, như gia công cơ khí chính xác CNC và sản xuất linh kiện, cùng với sự phát triển của lĩnh vực dược phẩm và sinh học, cũng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và đổi mới công nghệ... TP. Hồ Chí Minh cùng với khu vực phía Nam là một khu vực có nhiều tiềm năng to lớn.
Tóm lại, đảm bảo an ninh năng lượng là điều cần thiết để duy trì cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ cao, và là yếu tố quan trọng đối với tương lai kinh tế của Việt Nam. Các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn điện năng đáng tin cậy, bền vững với giá cả phải chăng. Do đó, mục tiêu của chúng ta không chỉ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại và tương lai, mà còn nỗ lực để quá trình này không ảnh hưởng đến môi trường.
"Bằng cách kết hợp nguồn cung năng lượng sạch với các chiến lược kinh tế hiệu quả để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững và tập trung tối đa cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam có vị trí thuận lợi để dẫn đầu hành trình chuyển đổi này, đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tất cả", ông John Rockhold kỳ vọng.