Khi nào Covid-19 sẽ chấm dứt trên thế giới và trở thành bệnh đặc hữu?
Các chuyên gia y tế cho biết đại dịch Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong tương lai gần, khi nhiều nước đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng rộng rãi.
Các chuyên gia y tế dự đoán thế giới sẽ tìm ra cách đối phó với Covid-19 trong tương lai gần. Nhưng điều đó không có nghĩa đại dịch sẽ kết thúc hoàn toàn. Thay vào đó, căn bệnh này có thể trở thành bệnh đặc hữu, có nghĩa Covid-19 sẽ tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng nhưng theo một cách dễ đoán hơn và ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các nhà virus học và dịch tễ học cho biết vào giai đoạn cuối cùng, Covid-19 có thể giống những căn bệnh thông thường, ít gây chết người hơn, như cúm hoặc cảm lạnh. Sự tồn tại của virus trong xã hội sẽ phụ thuộc vào các yếu tố, bao gồm mức độ bao phủ vaccine và cách nó tiếp tục tiến hóa ra biến chủng mới, theo Wall Street Journal.
Tương lai của Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, một căn bệnh được xem là đặc hữu khi nó thường xuyên xuất hiện trong cộng đồng. Khác với đại dịch thường có số ca bệnh gia tăng đột ngột, các bệnh đặc hữu tuân theo mô hình có thể dự đoán được và xảy ra ở mức độ dự kiến cơ bản.
Chẳng hạn, sốt rét là bệnh đặc hữu xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, ước tính có khoảng 229 triệu trường hợp mắc vào năm 2019, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trước khi được dự đoán trở thành bệnh đặc hữu, một số chuyên gia y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm từng nhận định đại dịch Covid-19 có thể kết thúc khi Mỹ và nhiều nước khác đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng mục tiêu này đang ngày càng trở nên khó thành.
Các biến chủng mới dễ lây lan hơn như Delta đã khiến số lượng người cần được bảo vệ gia tăng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Hiệu quả miễn dịch suy giảm sau khi mắc bệnh hoặc tiêm chủng, cùng với việc virus đôi khi có khả năng lây lan ở người đã tiêm vaccine, dẫn đến ca “nhiễm trùng đột phá", cũng khiến giấc mơ miễn dịch cộng đồng trở thành thách thức.
Joshua Schiffer, phó giáo sư thuộc bộ phận bệnh truyền nhiễm và vaccine tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết sự bảo vệ có được từ việc tăng khả năng miễn dịch trong cộng đồng giống như một thiết bị điện hơn là công tắc. Nói cách khác, dù không thể “đóng” Covid-19, nhiều người có khả năng miễn dịch vẫn sẽ giúp hạn chế sự lây lan của virus và có lợi cho cộng đồng.
Không thể xóa sổ
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết việc loại bỏ Covid-19, tức là đảm bảo vĩnh viễn không còn ca mắc nào trên toàn thế giới - là không có khả năng, ít nhất là trong tương lai gần.
Cho tới nay, đậu mùa là bệnh dịch duy nhất ở người bị xóa sổ thông qua một chiến dịch tiêm chủng và giám sát toàn diện. Ngoại trừ đậu mùa, các đại dịch cuối cùng trở thành một căn bệnh đặc hữu mà con người phải chung sống.
Trên thực tế, các cơ quan y tế đã và đang cố gắng để tiêu diệt bệnh bại liệt trong nhiều thập kỷ, nhưng họ vẫn chưa thành công, mặc dù đã đầu tư hàng tỷ USD và có một loại vaccine hiệu quả.
“Việc xóa sổ hoàn toàn đòi hỏi những nỗ lực rất lớn”, tiến sĩ Heidi Brown, phó giáo sư tại Khoa Dịch tễ học và Thống kê Sinh học Đại học Arizona, nhấn mạnh.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, khả năng lây nhiễm cao cùng khả năng lây truyền giữa người và các loài động vật khác khiến việc tiêu diệt tận gốc Covid-19 trở nên rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể.
Một số quốc gia từng áp dụng chiến lược “Zero Covid-19” với mục tiêu xóa sổ virus trong nước đã thất bại. Các bệnh tưởng như đã được loại bỏ vẫn có thể quay trở lại nếu chúng không bị xóa sổ trên toàn cầu.
Bệnh sởi từng được cho là đã biến mất ở Mỹ từ năm 2000 dù vẫn còn phổ biến ở một số nơi khác trên thế giới. Nhưng đến năm 2019, căn bệnh này đã quay trở lại sau khi dịch bùng phát chủ yếu ở New York.
Nước có tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ thoát khỏi Covid-19 trước tiên
Hầu hết nhà dịch tễ học đều tin rằng Covid-19 có trở thành bệnh đặc hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới, mặc dù nó có thể xảy ra vào những thời điểm khác nhau ở những nơi khác nhau.
Các chuyên gia kỳ vọng rằng những quốc gia đầu tiên thoát khỏi đại dịch sẽ là những nơi có giữa tỷ lệ tiêm chủng cao như Đan Mạch và Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, một số người cảnh báo rằng SARS-CoV-2 vẫn là một loại virus khó lường và còn quá sớm để dự đoán sự hiện diện của Covid-19 trong tương lai.
“Cho đến khi các nhà dịch tễ học có thể cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai mà không còn những cảnh báo về sự không chắc chắn, thì chúng ta vẫn đang ở trong tình huống dịch bệnh”, tiến sĩ Brown nói.
Các quốc gia nghèo với tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, đặc biệt là ở châu Phi, có thể bị rơi vào khủng hoảng một thời gian. Trừ khi họ sớm nhận được thêm vaccine, nếu không sẽ mất nhiều năm để đủ số người trưởng thành đạt miễn dịch và ngăn các bệnh viện quá tải.
Quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, vẫn đang cố gắng loại bỏ Covid-19 tại đất nước của mình. Một số quốc gia khác ở châu Á cũng từng theo đuổi chiến lược này với các biện pháp hạn chế đi lại, kiểm dịch nghiêm ngặt và phong tỏa nhanh chóng để dập tắt đợt bùng phát địa phương.
Nhưng biến chủng Delta dễ lây lan hơn nhiều khiến con người dần nhận thức được rằng vaccine không hoàn toàn ngăn chặn sự lây nhiễm và cái giá về mặt kinh tế - xã hội đã khiến hầu hết quốc gia từ bỏ chiến lược “Zero Covid-19”.
Dù vậy, nhiều chuyên gia y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm cho biết vaccine vẫn là chìa khóa để đạt được viễn cảnh tốt nhất hiện nay.
“Tôi nghĩ điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng là sẽ tiếp tục có các đợt dịch trong những năm tiếp theo nhưng nhờ tiêm chủng và tiếp xúc nhiều lần với virus, tỷ lệ các ca bệnh nặng giảm”, tiến sĩ Schiffer nói.