Khi ngành thời trang bị 'soi' về vấn đề khí thải

Khi thế giới đang quay cuồng với việc chống biến đổi khí hậu, ngành thời trang cũng đang tìm cách cắt giảm lượng khí thải mà nền công nghiệp trị giá 2 nghìn tỉ USD tạo ra.

Thời trang ảnh hưởng đến môi trường thế giới ra sao?

Các thương hiệu lớn đã hứa cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon của họ - nhưng chính hoạt động sản xuất mới là nguyên nhân gây ra phần lớn thiệt hại về môi trường và vấn để ai là người chịu trách nhiệm cho sự thay đổi căn bản này.

Nhà sản xuất Epic có trụ sở tại Hồng Kông – sản xuất quần áo ở Bangladesh, Jordan và Ethiopia – đã đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu nhằm làm sạch tác động môi trường của ngành thời trang.

Vidhura Ralapanawe, Phó chủ tịch điều hành của công ty thời trang Epic Group cho biết: “Quy mô của thách thức khử cacbon hiện giờ đã vượt xa nguồn lực sẵn có. Chúng tôi đang làm việc với các tổ chức địa phương và toàn cầu để thúc đẩy toàn bộ ngành phát triển, đồng thời cố gắng kêu gọi hưởng ứng từ các thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất, nhà máy và nhà cung cấp dịch vụ".

Thời trang là một trong những ngành gây thiệt hại nặng nề nhất với khí quyển trên Trái đất. Nó chiếm từ 2 - 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính, tiêu thụ nhiều lượng nước đang ngày càng khan hiếm, tạo ra lượng khí gây ô nhiễm và chất thải khổng lồ.

Năm 2018, ngành này đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, tiến độ đến nay vẫn còn chậm.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành thời trang nhanh đang kéo theo nhiều tác động xấu cho môi trường

Sự phát triển nhanh chóng của ngành thời trang nhanh đang kéo theo nhiều tác động xấu cho môi trường

Theo Tổ chức từ thiện Oxfam, chỉ riêng thói quen thời trang hằng tháng của người Anh đã tạo ra lượng khí thải carbon tương đương với 900 chuyến bay vòng quanh thế giới. Oxfam cho biết thêm, việc làm ra một chiếc áo sơ mi bằng vải cotton sẽ gây ra thiệt hại về môi trường tương tự như một chiếc ô tô chạy quãng đường dài 50 cây số.

Các số liệu thống kê ngày càng tồi tệ hơn khi nhu cầu về thời trang nhanh trên toàn cầu ngày càng tăng, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng theo đuổi các xu hướng mới nhất, từ sàn catwalk đến mạng xã hội.

Kể từ năm 2024, việc kinh doanh thời trang phải tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu buộc các công ty phải báo cáo và giải quyết lượng khí thải trong chuỗi cung ứng của họ. Đáng chú ý, khâu sản xuất chịu trách nhiệm cho khoảng 80% tổng lượng khí thải của ngành may mặc.

Nhưng khi các thương hiệu thời trang toàn cầu cam kết cắt giảm lượng khí thải và tiết kiệm năng lượng hướng tới mục tiêu không có khí thải vào năm 2050, họ phải đối mặt với các nhà sản xuất. Để đáp ứng công nghệ và quy trình ít carbon, các công ty dệt may đang đòi hỏi các thương hiệu phải chia sẻ gánh nặng tài chính để đầu tư vào công nghệ.

Tháng trước, Transformers Foundation – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York chuyên đại diện cho các nhà sản xuất và thương hiệu denim – đã công bố một báo cáo kêu gọi hành động tập thể để đạt được mục tiêu chống đổi khí hậu.

Kim van der Weerd, Giám đốc khảo sát thị trường của Transformers Foundation, cho biết trong lĩnh vực may mặc, hiếm khi người ta hỏi "ai trả tiền" cho quá trình chuyển đổi lớn. Các thương hiệu mặc nhiên cho rằng chính phía nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thanh toán cho những điều chỉnh công nghệ.

Bà Van der Weerd cho rằng: “Điều đó vừa không thực tế vừa không công bằng”, vì các nhà sản xuất có ít tiền hơn nhiều so với các thương hiệu lớn. Vị chuyên gia này cho biết việc làm rõ điểm mấu chốt: “ai phải hành động và ai phải trả tiền” có thể giúp phá vỡ sự bế tắc hiện nay. Khi đó, tình thế đặt nhà sản xuất chịu trách nhiệm về những thay đổi về công nghệ đồng thời được đảm bảo rằng các thương hiệu sẽ bỏ tiền đầu tư hợp lý vào cuộc đại tu đó.

Muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 sẽ cần rất nhiều tiền

Các nhà sản xuất dệt may muốn có nhiều gói tài trợ từ các thương hiệu mà họ cung cấp để đầu tư cho dây chuyền sản xuất mới, thân thiện môi trường hơn. Mohiuddin Rubel, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), cho biết các thương hiệu thời trang có thể hỗ trợ các nhà cung cấp bằng cách trao các khoản tài trợ, cho vay lãi suất thấp và thậm chí là đầu tư trực tiếp.

Theo Rubel, điều đó sẽ giúp các nhà sản xuất chuyển sang sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn và công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời có tiền để giữ chân người lao động. Các nhà sản xuất thời trang cho biết việc họ được cung cấp nguồn tài chính dễ tiếp cận và lãi suất ưu đãi cho công nghệ xanh là điều cần thiết cho một tương lai ít carbon trong thời trang.

Viện Tác động Trang phục (AII), một tổ chức tư vấn và thúc đẩy đầu tư bền vững của Mỹ, đã thành lập Quỹ Khí hậu Thời trang vào năm ngoái để huy động 250 triệu USD với mục đích cắt giảm 150 triệu tấn carbon từ thời trang trong ba thập niên tới. Nhưng số tiền cần rót vào công nghệ thời trang lại lớn hơn rất nhiều con số đó. Một báo cáo của AII cho biết, nếu ngành này muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sẽ cần đầu tư hơn 1 nghìn tỉ USD.

Bên cạnh sự thiếu hụt về kinh phí, ngành này còn phải đối mặt với một trở ngại lớn khác đối với quá trình khử cacbon nhanh chóng. Đó là trở ngại kỹ thuật khi triển khai ở thực địa - vấn đề mà vô số nhà sản xuất phải đối mặt.

Mới đây nhất, các thương hiệu thời trang từ quần áo đến giày dép đã lần lượt dán nhãn chỉ số tiêu thụ carbon lên sản phẩm.

Mới đây nhất, các thương hiệu thời trang từ quần áo đến giày dép đã lần lượt dán nhãn chỉ số tiêu thụ carbon lên sản phẩm.

Tại Hội nghị khí hậu tổ chức ở Dhaka vào tháng 10 vừa qua, các nhà sản xuất vải đã than thở việc họ gặp khó khăn trong việc có đủ năng lượng mặt trời trên mái nhà ở Bangladesh. Tại quốc gia Nam Á đang nổi lên là trung tâm gia công thời trang, do đất chật người đông nên hầu hết các tòa nhà xưởng đều mở rộng theo số tầng thay, Hệ quả là rất hạn chế không gian trên mái nhà để cung cấp điện cho các tầng phía dưới.

Báo cáo của Transformers Foundation cho biết, ở Pakistan, các nhà máy phát điện không thể cắt giảm thỏa thuận với các bên thứ ba để cung cấp đủ năng lượng tái tạo cho các cơ sở sản xuất may mặc. Đủ năng lượng và hạn chế phát khí thải giống như 2 vấn đề đối chọi nhau khiến các nhà máy đau đầu mà ngành sản xuất thời trang cũng không ngoại lệ.

Với những nước có thừa năng lượng tái tạo và giá nhân công rẻ, đây là cơ hội tuyệt vời để thực hiện các hợp đồng may mặc với thị trường châu Âu. Vấn đề là phải biết chớp cơ hội.

Đoàn Gia

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khi-nganh-thoi-trang-bi-soi-ve-van-de-khi-thai-212577.html