Khi nghề tay trái trở thành gánh nặng

Công việc phụ sẽ trở thành gánh nặng nếu bạn theo đuổi nó chỉ vì mong muốn nhất thời hoặc áp lực đồng trang lứa.

Bên cạnh nghề nghiệp chính thức, nhiều người tìm đến “side hustle” (công việc phụ, nghề tay trái) nhằm có thêm thu nhập hoặc theo đuổi đam mê. Thậm chí, vài người cố gắng làm thêm công việc thứ 2, thứ 3 vì thấy bạn bè, đồng nghiệp đang làm điều tương tự.

Họ có thể sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, bán hàng online hoặc giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ.

Tuy nhiên, sau một thời gian duy trì cùng lúc nhiều công việc, một số bắt đầu cảm thấy “side hustle” trở thành gánh nặng.

Bạn sẽ làm gì nếu rơi vào tình huống như vậy? Dưới đây là một số điều bạn nên cân nhắc để có được hướng giải quyết hiệu quả, theo Vox.

Nếu bạn có lý do chính đáng khi bắt đầu công việc

Theo Bill Burnett, đồng tác giả cuốn sách Designing Your Life (tựa tiếng Việt: Thiết kế một cuộc đời đáng sống), nếu động lực làm nghề tay trái thực sự có ý nghĩa với bạn, bạn nên đánh giá những thách thức hiện tại thông qua nhận thức về “vấn đề mỏ neo” (anchor problem) và “vấn đề trọng lực” (gravity problem).

 Bằng cách nhìn lại mục tiêu ban đầu, bạn sẽ thấy được điều gì đang thực sự diễn ra để bắt đầu tìm giải pháp. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Bằng cách nhìn lại mục tiêu ban đầu, bạn sẽ thấy được điều gì đang thực sự diễn ra để bắt đầu tìm giải pháp. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Giả sử, công việc phụ của bạn là sáng tạo nội dung, chia sẻ về những nhà hàng mới nhất trong thành phố và phải đăng tải video hàng tuần.

“Vấn đề mỏ neo” ở đây chính là việc bạn phải thực hiện video hàng tuần, thay vì là bất kỳ hình thức và thời gian nào khác.

Theo Burnett, bạn nên buông bỏ những “mỏ neo” này và suy nghĩ sáng tạo hơn. Thay vì là chu kỳ theo tuần, bạn có thể đăng video mỗi 2 tuần hoặc chuyển sang định dạng hình ảnh.

Trong khi đó, những “vấn đề trọng lực” thì hầu như không thể thay đổi được (giống như trọng lực của Trái Đất), và bạn cũng không thực sự sẵn lòng để giải quyết.

Ví dụ, bạn không muốn hi sinh toàn bộ thời gian rảnh vào cuối tuần cho việc làm video. Vì vậy, khi tìm kiếm giải pháp, hãy nhớ lấy giới hạn đó và không nên ép bản thân vượt qua.

Nếu bạn làm thêm việc chỉ để giống người khác

Sự mệt mỏi, chán nản có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng lại.

“Bạn phải thành thật với chính mình”, Burnett nói. Chạy theo số đông không phải là thước đo thành công cho bạn.

Cùng quan điểm, nhà cố vấn Sara Noble cho rằng nếu các dự án không còn phù hợp với bản chất và định hướng của bản thân, bạn nên học cách từ bỏ.

Cô thường gợi ý cho những người có nghề tay trái đặt ra “các điều kiện để có được sự hài lòng”, trong đó bao gồm các quy tắc cơ bản về thời điểm nên từ bỏ công việc đó.

Không phán xét bản thân

Khi suy nghĩ về giải pháp cho tình trạng áp lực bởi công việc tay trái này, sẽ có lúc bạn tự hỏi tại sao mình không tiếp tục cố gắng như những gì đã định ra lúc đầu.

Thậm chí, bạn bắt đầu phán xét năng lực của bản thân vì không thể duy trì kế hoạch làm việc. Bạn nhìn vào sự thành công và nổi tiếng của người khác và buộc mình phải tiếp tục nỗ lực để đạt được điều đó.

Tuy nhiên, phán xét bản thân sẽ cản trở việc tìm ra giải pháp. Thay vì chỉ tập trung vào hào quang của nghề tay trái, bạn nên chấp nhận sự thật rằng: bạn đã thử, nhưng có vẻ công việc không suôn sẻ cho lắm.

Đổi lại, giờ bạn có thêm những hiểu biết quý giá về bản thân nhằm giúp ích cho những định hướng trong tương lai.

Không nghe theo mọi lời khuyên

Bạn nên cân nhắc khi nghe quá nhiều lời khuyên bạn nên làm gì từ những người xung quanh, hay thậm chí từ bản thân bạn, theo Astrid Baumgardner, cố vấn nghề nghiệp và tác giả cuốn sách Creative Success Now: How Creatives can thrive in the 21st century (tạm dịch: Cách các nhà sáng tạo phát triển trong thế kỷ 21).

Giả sử, một người khuyên rằng bạn nên bắt đầu kiếm tiền từ sở thích may vá. Hãy nghiêm túc cân nhắc xem đó có thực sự là điều mình mong muốn không.

Sự khuyến khích từ bên ngoài đôi khi thúc đẩy bạn bắt tay vào dự án, nhưng nó sẽ không duy trì động lực lâu dài.

“Nếu đó không phải là mục tiêu của bạn, đừng làm”, Baumgardner nói.

Không tiếp tục chỉ để làm hài lòng người khác

Một trong những tác nhân bên ngoài khác khiến bạn cảm thấy bế tắc trong công việc phụ của mình, chính là nỗi sợ làm cho khách hàng hoặc người theo dõi của bạn thất vọng.

Xét cho cùng, họ chính là những người đã dành thời gian, sự quan tâm, và cả tiền bạc cho bạn.

Tuy nhiên bạn phải học cách từ bỏ nỗi lo đó. Hơn hết, họ không phải là người có quyền quyết định cuộc đời bạn.

“Nếu họ thực sự yêu thích con người bạn và những gì bạn làm, thì dù cho bất kỳ định hướng của bạn là gì, họ vẫn sẽ luôn ủng hộ”, Baumgardner nói.

Xem nghề tay trái như một thử nghiệm

Sau khi xác nhận được động lực làm việc và nhận thấy những thách thức mình đang phải trải qua, giờ là lúc để bạn đặt mình vào trạng thái thử nghiệm. Hãy giữ một tinh thần cởi mở và thay đổi cách bạn làm công việc này từ trước tới nay.

 Nhìn vào thành công của người khác rồi phán xét bản thân chỉ làm cản trở việc tìm ra giải pháp cho áp lực hiện tại. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Nhìn vào thành công của người khác rồi phán xét bản thân chỉ làm cản trở việc tìm ra giải pháp cho áp lực hiện tại. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

“Trong quá trình đó, hãy liên tục hỏi bản thân: Làm thế nào để tôi có cảm hứng làm việc? Tôi đang tận dụng thế mạnh của mình như thế nào?, Việc này khó như thế nào, hay khiến tôi vui vẻ ra sao? Tôi học được gì từ công việc?”, Baumgardner nhấn mạnh.

Tùy thuộc vào tính chất công việc, bạn có thể cân nhắc thay đổi nhịp độ, độ dài, chủ đề hoặc hình thức sản phẩm. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện một công đoạn nào đó, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người có chuyên môn.

Bạn cũng có thể cân nhắc điều chỉnh lối sống của mình để thích ứng với công việc, đặc biệt nếu nghề tay trái này là một ưu tiên lớn của bạn.

Không có khoảng thời gian lý tưởng nào cho việc thử nghiệm những thay đổi này. Nó có thể diễn ra từ vài tuần cho đến vài tháng để bạn thực sự chắc chắn và hài lòng với những trải nghiệm đó.

Tuy nhiên, theo Baumgardner, khoảng thời gian này không nên nhiều hơn một năm.

“Khi bạn đang trong tâm thế thử nghiệm, bạn sẽ không còn cảm giác tội lỗi hay so sánh mình với người khác. Bởi vì sự tò mò và cảm giác khám phá ra cách thức làm việc phù hợp với bạn cảm thấy thú vị và mạnh mẽ”, Burnett nói.

Phương Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-nghe-tay-trai-tro-thanh-ganh-nang-post1353129.html