Khi nghĩa, tình đều cạn!

Bước chân khựng lại giữa sân tòa, nặng nề như bị dính chì, hốc mắt bà đỏ lên cay xè, chiếc khẩu trang màu xanh nhạt phập phồng lên xuống. Nếu cuộc hôn nhân không trọn vẹn khiến bà buồn một thì sự'đối đãi'của nhà chồng hôm nay khiến bà buồn mười…

Trong thâm tâm bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1969, Thừa Thiên Huế) vốn nghĩ, cái thời khó khăn nhất của đời người đã vượt qua được thì cớ gì đến lúc cuộc sống đi vào quỹ đạo sung túc lại buông xuôi. Cho nên, mỗi ngày thêm mỗi ngày bà đều cố gắng vì các con mà nín nhịn, cũng là trông chờ một sự thay đổi tốt đẹp hơn từ cha của con mình.

Năm 1992 bà và ông Nguyễn Duy (SN 1965, hiện cư trú tại Đức) kết hôn. Cuộc hôn nhân càng viên mãn khi bà sinh hạ hai đứa con trai. Bà Tuyết cho hay, thời điểm ông bà nên duyên điều kiện kinh tế còn khó khăn nên sống chung cùng bố mẹ chồng. Một thời gian sau đó, ông Duy sang lao động bên Đức. Bà nhớ lại, ngày quyết định để chồng qua Đức không hề dễ dàng chút nào, sự cách biệt xa xôi về địa lý khiến bà không đủ tự tin nghĩ đến những điều tốt đẹp. “Anh chỉ yêu mình em và các con thôi!”, vừa nhắc lại câu nói này bà Tuyết không kìm được mà bật ra tiếng cười chua chát. “Vậy đấy, đàn ông người ta có thể thốt ra những lời đường mật ngay cả khi người ta đã có con với người đàn bà khác…”, bà Tuyết thở dài.

Bà kể, sau khi ông Duy qua Đức, thời gian đầu cũng thư từ điện thoại về cho mẹ con bà liên tục và tất nhiên kèm với đó là những lời nhớ nhung, yêu thương sâu sắc. Người ta vốn nói “xa mặt cách lòng”, quả chẳng sai. Sự liên lạc về nhà bắt đầu giãn cách, ngắt quảng và rồi “năm thì mười họa” mới có. Linh cảm của người phụ nữ chưa bao giờ sai, bà Tuyết khẳng định chắc nịch về sự phản bội của chồng mình. Hóa ra, ngay đến cả con, ông Duy cũng đã có với người đàn bà khác ở Đức, vậy mà ông vẫn thản nhiên như không, vẫn không hề ngượng miệng mỗi khi nói ra câu “Anh chỉ yêu mình em và các con thôi!”.

Khi đã xác định được sự thật người chồng mình yêu thương phản bội, những lần trò chuyện sau đó với bà thường là lời ít ý nhiều. Bà không muốn lãng phí một phần nhỏ nào trong cuộc sống của mình vào việc lắng nghe những câu thoại giả dối ấy nữa. Ly hôn!

Cho dù đã quen với cuộc sống “xa chồng” từ lâu nhưng khi cầm quyết định ly hôn trên tay trái tim bà cũng nhói lên đau đớn, sự hy sinh của bà cuối cùng cũng dừng lại, đơn độc. Bà Tuyết bộc bạch “Cuộc hôn nhân của tôi tan vỡ tôi buồn một nhưng sự quay lưng của “nhà nội” đối với mẹ con tôi mới khiến tôi buồn mười”.

Khi nghĩa tình đã cạn, còn người thường đối xử tệ bạc với nhau

Khi nghĩa tình đã cạn, còn người thường đối xử tệ bạc với nhau

Bà Tuyết kể, khi vợ chồng bà chưa ly hôn, vào ngày 27/3/2001 vợ chồng bà được bố chồng là ông B. (nay đã mất) chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa đất số T1466 (198m2) tại số 23 (số cũ 10A) Lê Huân, thành phố Huế. Hợp đồng được UBND phường Thuận Hòa chứng thực ngày 27/3/2001; UBND thành phố Huế xác nhận ngày 03/4/2001; Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT) chỉnh lý biến động trong sổ đỏ ngày 18/4/2001 sang tên vợ chồng ông bà. Năm 2001, vợ chồng bà xây nhà để ở, thời gian này ông Duy làm việc ở Đức. Sau khi xây xong, 3 mẹ con bà sống ổn định ở căn nhà này.

“Năm 2018, vợ chồng tôi thỏa thuận ly hôn. Tuy nhiên, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cho tạm đình chỉ vụ ly hôn do phát sinh (có đơn kiện) về tranh chấp căn nhà (là tài sản chung của vợ chồng tôi). Theo đó, ngày 10/9/2018, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý vụ án “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” liên quan đến nhà đất tại số 23 Lê Huân (thành phố Huế), nguyên đơn là bà Tạ Thị X. (SN 1943, ngụ thị xã Hương Trà, mẹ ông Duy), ủy quyền cho con gái Nguyễn Thị V. (SN 1978); bị đơn là vợ chồng bà Tuyết và ông Duy.

Đưa ra nhiều lý do, bà X. đề nghị Tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất ngày 27/3/2001 là vô hiệu, tuyên bố văn bản công chứng hợp đồng này là vô hiệu và hủy bỏ phần đăng ký biến động trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp cho ông B. được sang tên cho ông Duy - bà Tuyết ngày 18/4/2001.

Bà Tuyết trình bày, về bản chất của sự việc là bố mẹ chồng đã đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Huân cho vợ chồng bà để làm nhà sinh sống. Ông Duy đã đưa đủ tiền cho bố chồng để nộp cho Nhà nước bởi tiêu chuẩn của ông B. là được cấp đất nhưng phải nộp tiền. Hợp đồng chuyển nhượng đã được UBND phường Thuận Hòa xác nhận, được UBND thành phố Huế và Sở TN-MT thẩm tra và sang tên cho vợ chồng bà theo quy định pháp luật và gia đình bà đã xây nhà ở cho đến nay. Vì vậy nhà đất này là thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà, cho nên bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà X.

Vụ án được TAND tỉnh TT- Huế đưa ra xét sơ thẩm và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà X.; tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất tại số 23 Lê Huân vô hiệu toàn bộ; hủy đăng ký biến động trong sổ đỏ; bà X. phải trả 1 tỷ đồng (giá trị căn nhà và vật kiến trúc) cho vợ chồng ông Duy; bà Tuyết - ông Duy phải giao lại toàn bộ nhà và vật kiến trúc trên đất tại số 23 Lê Huân cho bà X. và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông B.; mẹ con bà Tuyết phải ra khỏi nhà trong vòng 6 tháng.

“20 năm mẹ con con tôi sinh sống ổn định tại đây, giờ Tòa tuyên yêu cầu gia đình tôi phải ra khỏi nhà, mẹ con tôi biết đi đâu để ở, sinh sống thế nào? Tôi không ngờ cuốc sống của mình lại thành ra như vậy. Sự quay lưng của gia đình chồng là điều khiến tôi đau đớn nhất lúc này. Đối với gia đình họ, quả thực khi tình hết thì nghĩa cũng cạn. Tôi hy vọng vào kết quả cấp xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng sắp tới sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mẹ con tôi hơn”, bà Tuyết ngậm ngùi.

Khi mà nghĩa - tình đều cạn thì chẳng khác nào tia nắng chiều cuối cùng trong ngày bị bóng tối phủ lên, cũng giống như tấm rèm nhung ở sân khấu kịch, từ từ hạ xuống. Bây giờ thì bà Tuyết không còn có ý nghĩ mong chờ vào sự “ấm áp” từ nhà chồng dành cho mẹ con mình nữa mà chỉ hy vọng nhận được sự “thấu tình đạt lý” ở chốn pháp đình.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/khi-nghia-tinh-deu-can-112579.html