Khi ngư dân 'xuất ngoại' trở về

Những ngư dân xuất ngoại đánh bắt hải sản trên ngư trường quốc tế, khi trở về quê hương, nhờ có nguồn vốn làm ăn, ổn định sinh kế đã trở lại phát triển nghề cha ông.

Tàu cá ở Thuận An (Q. Thuận Hóa)

Tàu cá ở Thuận An (Q. Thuận Hóa)

Với ngư dân xuất ngoại trở về, vùng biển quê nhà luôn chứa chan, cưu mang phận đời ngư phủ qua bao thế hệ.

Về làng biển Phương Diên (Phú Diên, Phú Vang), chúng tôi may mắn gặp ngư dân Nguyễn Văn Lưỡng (54 tuổi). Sau khi từ đảo Hawaii (Hoa Kỳ) làm nghề đánh bắt cá trở về, khi thì ông cùng bạn thuyền đánh bắt xa bờ, khi thì cùng chiếc gọ bãi ngang theo đuôi con cá. Với ông, đi biển không chỉ là sinh kế cho 5 đứa con mà còn là để khỏi… nhớ nghề!

Ông Lưỡng kể, năm 2013 thông qua một chủ tàu cá người Vinh An (Phú Vang) ở đảo Hawaii, có nhu cầu tuyển dụng lao động làm ngư nghiệp, ông muốn một lần “ra biển lớn” đánh cá tìm vận may. Với tố chất một ngư dân thực thụ cùng với kinh nghiệm nghề biển nhiều năm, ông Lưỡng nhanh chóng được tuyển dụng.

“Sang Hawaii mới biết, con tàu, ngư lưới cụ mình quá “cỏn con” so với tàu bạn. Tàu họ có đầy đủ thiết bị từ máy dò cá, dò dòng hải lưu, máy sơ chế, làm đá, làm nước ngọt cùng bộ dây câu cá ngừ đại dương dài mấy chục hải lý. Làm việc trên tàu mỗi ngày mười mấy tiếng, nếu không có sức khỏe chưa chắc đảm đương được. Nhiều lúc giấc ngủ cứ chập chờn, sóng vỗ mạn tàu cứ ngỡ sóng ở quê nhà”, ông Lưỡng trải lòng.

Làm cùng tàu ông Lưỡng còn có em trai là ông Nguyễn Văn Dũng và nhiều ngư dân Việt Nam. Mỗi tháng, chủ tàu trả công từ 600-700 USD, đôi khi còn được thưởng thêm nhờ làm việc hiệu quả. Mỗi chuyến đi của tàu ra ngư trường quốc tế, đánh bắt dài ngày mới trở về, mọi sinh hoạt gần như ở trên tàu. Nhờ số tiền tích lũy sau bao năm theo nghề biển ở nước ngoài, ông Lưỡng gửi về quê xây nhà cửa, nuôi năm đứa con ăn học thành tài.

Năm 2017, ông Lưỡng trở về Phú Diên với hành trang không chỉ có kinh nghiệm đánh bắt trên ngư trường quốc tế mà còn là giấc mơ về cải hoán những con tàu quê nhà cùng ngư lưới cụ hiện đại để ngang dọc trên vùng biển. Phú Diên là “đất” của những chiếc ghe gọ bãi ngang, con cá, con tôm vùng biển gần bờ đã nuôi bao thế hệ ngư dân vùng này. Nghĩ vậy, ông mua sắm thêm ngư lưới cụ, nâng cấp con thuyền bãi ngang của mình vươn khơi trở lại.

“Giờ đây với tàu lớn hơn, ngư lưới cụ hiện đại hơn, làm nghề bãi ngang khi chính vụ kiếm được 500 - 1 triệu đồng/ngày là chuyện bình thường. Tuổi cũng đã lớn, không còn đủ sức đi theo bạn thuyền đánh bắt xa bờ nữa. Đánh bắt cá bãi ngang đủ sinh kế cho gia đình, không phải bỏ nghề của cha ông. Một niềm vui nữa là năm đứa con của mình, ba đứa con đại học đã ra trường, có việc làm, đỡ đần cha mẹ, nuôi em út. Nói nghề biển không phụ ngư dân bao giờ cũng có cái lý của nó”, ông Lưỡng nói.

Từng là ngư phủ cự phách ở làng chài Tân Cảng (Thuận An, Q. Thuận Hóa), ông Nguyễn Vang (55 tuổi) giờ đây không còn đi biển nữa, nhưng như lời ông nói, “bám biển quê nhà” không nhất thiết phải cưỡi thuyền đạp sóng ra khơi, mà tham gia vào dịch vụ hậu cần nghề cá cũng là cách làm giàu, hỗ trợ ngư dân trên vùng biển quê mình.

Năm 2009, thông qua một công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội, sau khi phỏng vấn, khám sức khỏe, ông Vang làm hộ chiếu xuất cảnh và ký hợp đồng lao động với một chủ tàu cá người Việt ở Hoa Kỳ. Có chút ngoại ngữ, nắm vững kỹ thuật dò tìm luồng cá, ông Vang được phân công lái tàu và bủa câu với mức lương khởi điểm 1.200 USD/tháng.

Tàu lớn với đầy đủ thiết bị đánh bắt xa bờ, hầu như mọi hoạt động của các thuyền viên đều diễn ra cả tháng trên tàu. Vừa phụ trách lái tàu, tìm luồng cá, 3 năm sau, mức lương ông Vang tăng lên 2.500 USD/tháng. Ông Vang cho biết, thời điểm đó, ở đảo Hawaii có khoảng 10 tàu lớn có chủ là người Việt Nam, sử dụng 200 lao động ở các vùng miền của Việt Nam. Hiện, có người tiếp tục ký hợp đồng lao động tiếp với chủ tàu ở lại làm việc hoặc sau khi trở về quê nhà, đa số quay về nghề biển. Nhờ nguồn tiền từ lao động biển, ông Vang xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Năm 2015 ông Vang trở về Tân Cảng. Tuổi đã lớn không còn đủ sức bám biển như thời trai trẻ, ông quyết định chuyển qua nghề ủ mắm nêm, sản xuất nước mắm cá, xuất hàng đi ngoại tỉnh, thậm chí đi nước ngoài. Cơ sở làm mắm nêm, nước mắm cá của ông ngay cạnh mảnh đất khoảng 200m2 của gia đình. Tâm sự về nghề, câu chuyện giữa chúng tôi thi thoảng bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại và xe đến nhập hàng, chở mắm ra Quảng Trị. Nghề làm mắm của gia đình bắt đầu từ năm 2012. Sau khi từ đảo Hawaii trở về, có nguồn vốn trong tay, ông xây thêm bể chứa, phi làm mắm. Mở rộng cơ sở làm mắm vừa đảm bảo cuộc sống, vừa góp phần tiêu thụ cá của bà con ngư dân.

“Làm mắm phải “có tay” chứ không phải ai cũng theo nghề được. Có người ủ mắm thối, hỏng, có người ủ ra mẻ mắm thơm ngon. Nghĩ nghề đã cho mình cái duyên với biển, sau bao năm ngang dọc trên biển, giờ về tham gia vào khâu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng là cách mình tri ân biển và bà con làm ngư nghiệp”, ông Vang tự hào.

Mang câu chuyện ngư dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở những làng chài ven biển đến trao đổi với chính quyền địa phương mới hay, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai các mô hình hỗ trợ ngư dân hiệu quả, trong đó có hỗ trợ ngư, lưới cụ khai thác thủy sản, nâng cấp tàu cá, phát triển làng nghề gắn với biển.

Ông Trần Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên, Phú Vang cho biết, từ 2021-2023, xã đã triển khai các mô hình hỗ trợ người dân sắm ngư lưới cụ khai thác thủy sản, các mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi trồng trọt… với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Toàn xã có 250 ghe gọ vùng bãi ngang. Xã khuyến khích, vận động ngư dân bám biển khai thác theo mùa vụ, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 3.500 tấn, đa số đạt hơn 100% kế hoạch đề ra. Ngoài khai thác đánh bắt, xã vận động Nhân dân cải tạo ao hồ nuôi thủy sản đạt kết quả rất khả quan.

“Chúng tôi còn đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng; phát triển mặt hàng chế biến thủy sản, nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Vận động ngư dân tu sửa, cải hoán tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ, phát triển nghề mới, cải thiện các nghề truyền thống để khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, Phú Diên là một trong 3 xã bãi ngang của Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên thông tin.

Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/khi-ngu-dan-xuat-ngoai-tro-ve-150353.html