Khi người dân đồng lòng, quyết không vi phạm IUU

Tháng 10/2024, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với hoạt động nghề cá của nước ta. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và lực lượng BĐBP trong công tác quản lý đội tàu đánh cá.

Đại úy Trần Tấn Tú trao đổi thông tin đánh bắt với thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ. Ảnh: Lệ Giang

Đại úy Trần Tấn Tú trao đổi thông tin đánh bắt với thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ. Ảnh: Lệ Giang

Vợ “chỉ huy” chồng lái tàu ngoài khơi xa

“Cá đánh bắt ở biển xuất khẩu khó khăn, giá cá sọc dưa (có nơi gọi là ngừ nhỏ) xuống thấp, trị giá 1kg cá không bằng 1 lít dầu. Mỗi lần cho tàu ra khơi phải mất chi phí từ 150-250 triệu đồng, làm cho thiệt nặng mới kéo được tiền tổn, coi như mừng run rồi” - thuyền trưởng Lê Văn Lại, phường Mỹ Đông, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận mở đầu câu chuyện không mấy vui vẻ.

Dựa vào công nghệ để quản lý hiệu quả

Ngày 16/7/2024, đến làm việc với Đồn Biên phòng Phước Diêm, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP chỉ đạo: “Tôi yêu cầu đơn vị tăng cường quản lý, kiểm soát chặt tàu cá trong tỉnh và số tàu từ tỉnh khác đến hoạt động trên địa bàn Ninh Thuận. Thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm IUU. Muốn vậy, phải phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, dựa vào công nghệ để quản lý một cách hiệu quả nhất".

Tàu ông Lại làm nghề lưới cản (rê), thường đánh bắt ở ngư trường quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và kéo xuống phía ngoài đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. “Dân làm biển đã “thấm đòn” chuyện “thẻ vàng” đối với nghề khai thác thủy sản rồi, giá cá bán thấp đánh thẳng trực diện vào kinh tế của gia đình mình. Lời nhắn nhủ chân tình đến ngư dân với nhau, hãy tuân thủ tốt các quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài để sớm được gỡ “thẻ vàng”, họa may giá cá sẽ lên cao hơn, ngư dân làm có lợi nhuận khá” - ông Lại tâm sự.

Hiện nay, tàu đánh cá xa bờ của tỉnh Ninh Thuận vẫn còn áp dụng xác nhận vùng ngư trường đánh bắt bằng giấy (một số tỉnh sử dụng máy nhắn tin theo hệ thống điện tử giữa tàu đánh cá với Chi cục Thủy sản tỉnh) để hỗ trợ tiền dầu. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Thuận, phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm kể tường tận: “Nếu tàu đánh cá xa bờ hoạt động ở quần đảo Trường Sa, thì ghé vào các đảo xin dấu xác nhận. Tàu đánh cá ở vùng xã đảo ghé vào các nhà giàn Hải quân cũng có thể xác nhận cho ngư dân. Trong trường hợp giấy tờ bị sai sót hoặc thiếu, mấy anh ở đảo và nhà giàn gọi điện vào Bộ Chỉ huy BĐBP Ninh Thuận xác minh đâu vào đó, gọi là chuẩn chỉ mọi thứ, khi đó họ mới ký xác nhận. Trên nhà giàn có ống nhòm nhìn được tàu đánh cá từ xa, ông nào có ý đồ “đen tối” là biết ngay”.

Đại úy Trần Tấn Tú, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Đông Hải, Đồn Biên phòng Đông Hải, BĐBP Ninh Thuận cho biết, mỗi khi tàu ra khơi, chúng tôi phải kiểm tra thiết bị giám sát hành trình hoạt động bình thường, đầy đủ các loại giấy tờ mới cho đi. Kiên quyết không cho tàu cá rời cảng khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Thông thường, tàu đánh cá xa bờ ra khơi đánh bắt, chủ tàu ở bờ có ứng dụng trên điện thoại có kết nối với thiết bị giám sát hành trình gắn trên tàu cá, hằng ngày, chủ tàu mở máy điện thoại ra biết được tàu đang đánh bắt ở vùng biển nào.

Trung tá Hà Tiến Sáng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Diêm, BĐBP Ninh Thuận kể câu chuyện: “Ở địa bàn có chồng đi biển với vai trò thuyền trưởng, bà vợ ở nhà cầm điện thoại theo dõi tàu đánh cá, thấy tàu đã đến gần ranh giới với vùng biển nước ngoài. Bà lập tức bấm điện thoại (đăng ký gọi qua vệ tinh) gọi trực tiếp cho chồng: “Anh cho tàu quay mũi vào ngay, tàu đang tiến gần biên rồi”. Do thuyền trưởng mải mê đánh cá, tàu còn cách biên khoảng 5 hải lý, được bà vợ “chỉ huy” chồng lái tàu ngoài khơi xa. Người dân đã có y thức cao, cả gia đình đều nhập cuộc. Chính vì vậy, địa bàn đồn phụ trách quản lý 391 tàu đánh cá xa bờ, không có tàu nào vi phạm các quy định trong đánh bắt hải sản”.

Nhiều lớp giám sát tàu đánh cá

Toàn tỉnh Ninh Thuận có 862 tàu đánh cá xa bờ, đại bộ phận đã lắp thiết bị giám sát hành trình, tập trung làm nghề lưới vây khơi, lưới cản, pha xúc... UBND tỉnh Ninh Thuận ráo riết chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tàu đánh cá xa bờ của ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Lệ Giang

Tàu đánh cá xa bờ của ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Lệ Giang

Mỗi chiếc tàu cá ra khơi phải chịu nhiều lớp giám sát, Chi cục Thủy sản tỉnh thông qua hệ thống quản lý tàu đánh cá, các đồn, trạm Biên phòng được cấp mã số để truy cập vào hệ thống quản lý tàu đánh cá. Trung tá Hà Tiến Sáng nêu vấn đề thực tiễn: “Trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối, anh em ở đồn Biên phòng sẽ biết tàu đó của ai, lập tức đến tận nhà chủ tàu báo cho họ biết. Sau đó, chủ tàu bằng mọi cách phải gọi điện cho thuyền trưởng để nắm thông tin và hướng dẫn tàu thực hiện đúng các quy định. Có trường hợp đã mất kết nối nhiều ngày do lỗi kỹ thuật, mà chưa cho tàu về bờ kịp, tôi hướng dẫn thuyền trưởng cho tàu ghé vào đảo Phú Quý (Bình Thuận); nếu ở ngoài khu vực Trường Sa, phải vào đảo xác nhận tàu bị sự cố ngoài mong muốn, để tránh bị xử phạt hành chính rất nặng”.

Thời gian vừa qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã trang bị máy tính và thực hiện đề án xuất, nhập tàu cá ra vào bến bằng hệ thống điện tử, đã mang lại nhiều tiện ích trong quản lý thuyền viên, tàu đánh cá. “Việc các đồn Biên phòng được truy cập vào hệ thống quản lý tàu đánh cá quốc gia, dễ dàng phát hiện tàu đánh cá của tỉnh khác đến Ninh Thuận khai thác vi phạm các quy định. Đến mùa mưa bão, trạm kiểm soát Biên phòng nhanh chóng kiểm đếm tàu đánh cá của địa phương đang hoạt động ở vùng ngoài biển khơi nào, dự báo bão có ảnh hưởng như thế nào đến ngư trường tàu đang hoạt động. Từ đó, anh em Biên phòng có thể thông báo trực tiếp với thuyền trưởng hoặc chủ tàu biết thông tin kịp thời” - Trung tá Sáng nói lên tiện ích.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các đơn vị chức năng trong tỉnh phải tổ chức trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ tàu cá tham gia khai thác thủy sản trên biển, kịp thời phát hiện tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá nào vượt ranh giới cho phép trên biển, phải kịp thời cảnh báo và thông báo đến cơ quan các cấp xử lý.

“UBND các xã, phường, thị trấn ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản, nắm chắc địa bàn. Làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình tại địa phương, ngăn chặn từ trong suy nghĩ đối với các chủ tàu có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài” - ông Nam chỉ đạo gắt gao.

Lệ Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khi-nguoi-dan-dong-long-quyet-khong-vi-pham-iuu-post479175.html