Khi người già vẫn phải 'ở cữ'
Ở cữ là khoảng thời gian người mẹ sau sinh cần để phục hồi sức khỏe, lấy lại thể lực và học cách chăm sóc đứa con bé bỏng. Vậy nhưng trong nhiều gia đình, người thực sự 'ở cữ' không phải người mẹ mà lại là ông bà.

Ảnh minh họa: Getty Images
Gác lại những ngày thảnh thơi bên chén trà, thoải mái an nhàn dạo chơi, bà Vũ Thị Chính cùng chồng bận bịu thức đêm, thức hôm bế bồng, chăm chút từng giấc ngủ, lượng sữa trong từng cữ ăn của cháu. Những việc tưởng chừng đơn giản ấy cứ lặp đi lặp lại cũng đủ khiến vợ chồng bà thấm mệt. "Cháu tôi sinh bị thiếu cân, vợ chồng con gái lớn của tôi còn lóng ngóng, đêm nào cũng gọi mẹ giúp. Ban đầu tôi chỉ định đỡ đần các con một, hai tuần, ai ngờ thành ra "ở cữ" thay con suốt ba tháng trời", bà Chính chia sẻ về việc chăm sóc đứa cháu ngoại bé bỏng.
Nhiều đêm, bà Chính gần như thức trắng, bồng bế trên tay, dỗ dành cháu đi khắp phòng trong tiếng khóc ngằn ngặt. Rồi bà tập cho cháu ăn thêm sữa ngoài, thay bỉm tã, tắm gội cho cháu mỗi ngày, lắng nghe từng tiếng thở khò khè, giật mình theo từng cơn cháu quấy khóc không rõ nguyên nhân. Tất cả những công việc ấy khiến cơ thể bà mệt mỏi vì thiếu ngủ, thậm chí nhiều lần kiệt sức.
Còn chồng bà, trong suốt thời gian đó đều âm thầm đồng hành hỗ trợ bà. Khi bà ôm nựng cháu, ông lặng lẽ làm công việc pha sữa, hâm bình sữa. Lúc bà thay bỉm tã cho cháu, ông lại nhón chân dọn dẹp hoặc chuẩn bị khăn khô sạch để sẵn bà dùng. Có khi hai bà cháu mệt thiếp trong giấc ngủ, ông lại khẽ khàng đắp tấm chăn mỏng cho cả hai…
Hơn nửa đời người, vợ chồng bà Chính đã vất vả nuôi dạy các con trưởng thành. Giờ đây, khi sức khỏe bắt đầu chùng xuống, họ hiểu rằng không thể tiếp tục "ở cữ" thay các con chỉ vì chúng thiếu sự chuẩn bị, sự chủ động khi có con đầu lòng. Điều mà bà Chính và chồng mong mỏi nhất là các con có thể học cách trưởng thành thực sự trong hành trình làm cha mẹ.
Họ mong vợ chồng con gái lớn hãy chuẩn bị kiến thức từ sớm, ngay khi vừa biết tin có thai. Chủ động tham gia các lớp học tiền sản, theo dõi những kênh thông tin đáng tin cậy về chăm sóc trẻ sơ sinh. Chỉ khi nắm được những kiến thức nền tảng ấy các con mới không còn lóng ngóng, có thể tự tin trong việc chăm sóc con nhỏ bằng chính đôi tay và trái tim mình.
Thêm nữa, họ cũng mong các con đừng vì sợ vụng về mà giao phó hết việc chăm con cho ông bà. Bởi mỗi lần bế con nhỏ vào lòng, dỗ dành cho con ngủ, mỗi cữ cho con ăn, mỗi lần thay tã,… đều là những khoảnh khắc quý giá không thể đánh đổi. Chính những giây phút ấy sẽ vun đắp nên sợi dây gắn kết sâu sắc, thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái.
Nếu có lúc cần đến sự giúp đỡ của ông bà, hãy trao gửi lời nhờ cậy bằng tất cả sự trân trọng và yêu thương. Đừng mặc nhiên coi sự hỗ trợ của ông bà là bổn phận đương nhiên. Ánh mắt biết ơn hay lời cảm ơn giản dị cũng đủ để khiến ông bà vui và những hỗ trợ của họ trở nên ý nghĩa hơn.
Ông bà cũng mong các con biết tận dụng lợi thế của công nghệ, tìm tòi, học hỏi qua những ứng dụng hữu ích để việc chăm sóc con nhỏ ngày càng khoa học, bài bản. Không nên để tâm lý "có ông bà lo" rồi ỷ lại mọi việc.
Chăm sóc trẻ nhỏ không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ai mà là trách nhiệm chung của cả gia đình. Tuy nhiên, người cần "ở cữ" thực sự phải là bố mẹ của trẻ chứ không phải ông bà.
Đứa trẻ được nuôi dưỡng trong yêu thương và sự chủ động của bố mẹ sẽ lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc hơn và đó cũng chính là món quà quý giá nhất dành cho những người ông người bà đã yêu thương con cháu bằng cả trái tim mình.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khi-nguoi-gia-van-phai-o-cu-20250505155309351.htm