Khi người trẻ kết nối cộng đồng
Giữa nhịp sống hiện đại, nhiều bạn trẻ người Ba Na Kriêm (một nhánh của dân tộc Ba Na), tại xã Vĩnh Sơn, tỉnh Gia Lai vẫn âm thầm, bền bỉ gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Họ học đánh cồng chiêng, say mê múa xoang... như một cách khẳng định rằng văn hóa của dân tộc mình không hề phai nhạt, mà đang tiếp tục được thắp sáng.

Người trẻ ở Vĩnh Sơn giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Ba Na mỗi khi có khách ghé thăm
Với người Ba Na, múa xoang gắn liền với từng nhịp sống của họ từ gặt lúa, gùi củi đến giã gạo... Tất cả được đưa vào múa một cách mộc mạc mà sâu sắc. Mỗi bước chân, mỗi vòng tròn xoay quanh cây nêu đều thấm đẫm tình cảm và bản sắc. Tiếng cồng chiêng lúc khoan thai, lúc rộn ràng như đưa người nghe hòa vào dòng chảy thiêng liêng của truyền thống.
Từ thuở nhỏ, Đinh Thị Duyên (29 tuổi, làng K8, xã Vĩnh Sơn) đã yêu thích múa xoang, một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Ba Na. Khi mới học lớp 5, Duyên đã được nghệ nhân Đinh Chương phát hiện và trực tiếp truyền dạy. Nhận thấy sự nhanh nhạy và niềm đam mê cháy bỏng ở cô bé, nghệ nhân Chương thường chọn Duyên đại diện cho lớp trẻ biểu diễn cùng với các nghệ nhân ở địa phương tại nhiều hội thi, sự kiện văn nghệ cấp huyện, tỉnh.

Các thanh niên người Ba Na Kriêm tích cực tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng tại làng, từ học đánh cồng chiêng đến biểu diễn múa xoang
Chia sẻ với chúng tôi Duyên nói: “Múa xoang với em không chỉ là niềm vui, mà còn là cách để bày tỏ tình yêu với dân tộc mình. Em thường sáng tạo ra những động tác mới vẫn giữ hồn cốt truyền thống nhưng mềm mại, dễ gần hơn với người xem. Khi được bà con yêu quý và ủng hộ, em càng có thêm động lực”.
Là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống làng K8 (còn gọi là Play Kon Plo), mỗi dịp hè Duyên lại nhiệt tình hướng dẫn các em nhỏ trong làng những điệu xoang cơ bản. Không chỉ có Duyên, nhiều bạn trẻ người Ba Na ở Vĩnh Sơn đang góp phần làm sống dậy những giá trị truyền thống. Như em Đinh Văn Mục (20 tuổi), thường xuyên đi biểu diễn cùng các nghệ nhân và thanh niên trong làng mỗi khi có lễ hội văn hóa.

Văn hóa Ba Na được gìn giữ và lan tỏa qua các buổi biểu diễn cộng đồng, nơi thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông một cách sinh động và sáng tạo
Âm thanh của cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà là tiếng lòng của cộng đồng, bởi vậy những ngày đầu học chiêng, em Mục gặp nhiều khó khăn, đánh chiêng rất khó, phải nhớ nhịp và vai trò của từng người trong dàn. Nhưng khi nghe ông bà kể về các lễ hội xưa, về những đêm tiếng cồng chiêng ngân vang cùng những điệu múa xoang quanh bếp lửa, em càng khao khát được học và nối tiếp truyền thống.
Theo em Mục, mỗi lần tay chạm vào cồng chiêng là một lần nói lên niềm tự hào về văn hóa dân tộc, một văn hóa không hề “cũ” mà đang sống động và có thể lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống hiện đại. Em không chỉ muốn giữ gìn những giá trị cha ông để lại, mà còn muốn truyền cảm hứng ấy đến thế hệ sau và kết nối với cộng đồng lớn hơn.
Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương cho hay: “Tôi vui nhất là thấy các cháu nhỏ, thanh niên giờ đây không còn ngại cồng chiêng như trước. Hồi trước, chỉ mấy người già như tôi đánh trong lễ hội, giờ các cháu tự nguyện học, rồi còn rủ nhau tập vào buổi tối. Văn hóa Ba Na Kriêm sống được là nhờ vậy đó”.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Gia Lai cho biết: “Triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực vận động lớp trẻ người Ba Na tham gia nhiệt tình trong các sự văn hóa do tỉnh và địa phương tổ chức. Bởi sự nhập cuộc của thanh niên trong việc gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống là tín hiệu rất tích cực. Khi lớp trẻ nhập cuộc, văn hóa dân tộc không chỉ được giữ mà còn có cơ hội sống dậy giữa nhịp sống hiện đại. Từ những hành động giản dị nhưng đầy tâm huyết của lớp trẻ người Ba Na ở Vĩnh Sơn hôm nay, có thể thấy họ không chỉ là người “học lại” từ cha ông, mà còn là người tiếp tục bằng tư duy mới, kết nối cộng đồng bằng sự trẻ trung, khát vọng và tinh thần cống hiến”.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/khi-nguoi-tre-ket-noi-cong-dong-149915.html