Sách về ẩm thực Hà Nội đoạt giải thưởng tại Trung Quốc
Ấn bản tiếng Trung cuốn sách 'Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời' của tác giả Vũ Thế Long vừa đoạt giải Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc 2025.

Cuốn sách Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống ấn bản tiếng Trung do Công ty Cổ phần Văn hóa CHI - Chibooks thực hiện, bán bản quyền cho NXB Khoa học kỹ thuật Quảng Tây, xuất bản tại Trung Quốc hồi tháng 11/2024, vừa đoạt giải Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc năm 2025.
Giải thưởng được trao cho đại diện Chibooks (đơn vị giữ bản quyền tác phẩm) vào cuối tuần qua.
Giải thưởng được xét duyệt căn cứ theo các số liệu thống kê tại Trung Quốc về số lượng tiêu thụ, độc giả phản hồi và truyền thông đánh giá.
Cung cấp cho độc giả Trung Quốc bức tranh ẩm thực Hà Nội sống động
Người Hà Nội - Chuyện ăn, chuyện uống một thời bản tiếng Trung, xuất bản tại Trung Quốc - đứng số 8 trong top 20 sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng, điểm số 4.73.
Ban tổ chức nhận xét về sách: Bằng một ngòi bút tinh tế, Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời đã mô tả cho độc giả Trung Quốc một bức tranh sống động về những biến đổi trong văn hóa ẩm thực Hà Nội và cả Việt Nam, truyền tải suy nghĩ của tác giả về sự kế thừa và đổi mới của văn hóa ẩm thực Việt Nam, cũng như tình yêu sâu sắc của ông đối với văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là một tác phẩm xuất sắc kết hợp trọn vẹn kiến thức với những xúc cảm ấm áp.

Cuốn sách Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống ấn bản tiếng Trung. Ảnh: Chibooks.
Cuốn sách Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời khám phá câu chuyện ăn uống, sáng tạo ẩm thực của người Hà Nội đầu thế kỷ XX. Theo dòng thời gian, tác giả đã hồi tưởng, tìm hiểu cách người Hà Nội “đối xử” (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...
Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước - đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn “đời”. Bạn đọc sẽ cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.
Dịch giả Thanh Đóa - người đã chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Trung - cho biết dịch giả có nhiều cảm tình với thành phố Hà Nội. Nhận xét về bản gốc của cuốn sách, dịch giả cho biết: "Tác là Vũ Thế Long dùng những câu từ lưu loát, thoải mái mà tinh tế để kể cho chúng ta nghe về Hà Nội trong ký ức của ông. Trong lúc đọc sách, tôi cảm thấy bản thân giống như đang cùng trò chuyện với một ông lão, nghe ông ấy kể những câu chuyện ngày xưa. Tác giả Vũ Thế Long cũng có những góc nhìn rất đặc biệt, trong mỗi câu chuyện viết ra ông đều truyền tải cảm xúc của mình trong đó".
Gìn giữ, phát triển ẩm thực là góp phần xây dựng nền văn hóa mới
Tác giả Vũ Thế Long vốn là nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lich sử văn hóa. Với tác giả Vũ Thế Long, ăn uống cũng là một nghệ thuật.

Cuốn sách Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống tại Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc - Đông Nam Á diễn ra tại TP.Nam Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Chibooks.
Nói đến nghệ thuật, xưa nay người ta thường nêu bảy thứ nghệ thuật mà không có ẩm thực; thậm chí còn có câu "miếng ăn là miếng nhục". Những tác giả Vũ Thế Long cho rằng: "Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới".
Để hiểu được phần nào về đồ ăn thức uống và lối ăn uống của người Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, tác giả đã tìm gặp các cụ cao niên ở Hà Nội để xin nghe kể về sự ăn, sự uống đơn giản cũng như cầu kỳ, chuyện đời thường mà các cụ đã từng trải trong cuộc đời mình. Thêm vào đó là tự nghiệm của chính tác giả: một người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 đầy biến động".
Tác giả Vũ Thế Long sinh ngày 1/2/1947 tại Hà Nội. Ông là tiến sĩ, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lich sử văn hóa; nguyên Trưởng ban nghiên cứu Con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hiện tại, ông là Thư ký Câu lạc bộ Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống (thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam); Ủy viên chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.
Ông nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm về Khảo cổ - Sinh học, Lịch sử Môi trường, Lịch sử Văn hóa, Xã hội học… Ông có một số công trình khoa học trong các lĩnh vực trên đã được trình bày và xuất bản ở trong và ngoài nước.
Tác giả đã giành một số giải thưởng báo chí trong nước như: Viết về những chuyến đi; Người Việt dùng hàng Việt, Hướng tới nghìn năm Thăng long… Ông đồng thời là người khởi xướng, tham gia xây dựng chương trình Bếp Việt trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.