Khi người trẻ mơ những giấc mơ khác (kỳ 1): Khát vọng trà Thái

Không chỉ phấn đấu vì mục tiêu cá nhân, nhiều bạn trẻ còn mang trong mình những hoài bão lớn hơn. Họ khát khao được mang cái tên 'Thái Nguyên' ra 'biển lớn', được đóng góp tâm – tài – sức cho cộng đồng.

Có một câu nói rất nổi tiếng như thế này: “Bạn nhỏ bé, không có nghĩa là bạn không được ước mơ lớn”. Và nhiều bạn trẻ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Thái Nguyên cũng tâm niệm như vậy. Với hành trang là sức trẻ cùng những kiến thức tích lũy được trong thời đại mới, họ đã dám ước mơ và quyết tâm biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực. Không chỉ phấn đấu vì mục tiêu cá nhân, nhiều bạn trẻ còn mang trong mình những hoài bão lớn hơn. Họ khát khao được mang cái tên “Thái Nguyên” ra “biển lớn”, được đóng góp tâm – tài – sức cho cộng đồng.

Không quá khi nói rằng, cây chè có một vị thế quan trọng trong kinh tế và đời sống của người dân Thái Nguyên. Với những người trẻ sinh trưởng trên mảnh đất “Đệ nhất danh trà”, hương vị trà xanh đậm đà dường như đã ngấm vào máu thịt. Họ nuôi dưỡng tình yêu với cây chè quê hương và khát khao thương hiệu “Chè Thái Nguyên” vang danh hơn nữa ở cả trong nước và thế giới.

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè nổi tiếng, nhiều người trẻ luôn yêu quý và trân trọng cây chè bản địa. Nhiều người trong số họ, sau khi học hành thành tài vẫn quyết định trở về quê hương và gắn bó với nghề làm chè. Anh Phạm Thanh Đăng (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) là một trong những người như vậy. Sau nhiều năm làm việc bên ngoài, năm 2010, anh Đăng quyết định trở về quê hương và phát triển nghề làm chè của gia đình.

Với những kiến thức tích lũy được, anh Đăng không chỉ phát triển các sản phẩm chè truyền thống của gia đình mà còn làm ra một số mặt hàng có giá trị hàng triệu đồng/kg, như: chè đinh, chè tôm nõn hữu cơ… Đặc biệt, từ năm 2017, anh bắt đầu khôi phục lại một số diện tích chè trung du cổ - giống chè đã tạo ra thương hiệu “chè Tân Cương” nổi danh.

Có cùng mong muốn lưu giữ lại những giá trị xưa cũ của chè Thái Nguyên, chị Hoàng Thị Thúy Vân (người sáng lập Hợp tác xã An Vân Trà, xã Hoàng Nông, Đại Từ) đã chọn cho mình một hướng đi khác biệt - “nương theo tự nhiên”.

Với phương thức canh tác độc đáo, nói không với tác động hóa học, sản phẩm chè của Hợp tác xã An Vân Trà không những đảm bảo chất lượng mà còn lưu giữ được vị xưa từ nguồn giống chè bản địa quý hiếm. Sản phẩm chè của Hợp tác xã đã được đưa đi kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kiểm nghiệm TSL và cho kết quả các chỉ số sinh hóa đều đạt ở mức lý tưởng, phù hợp các tiêu chuẩn ISO.

Còn với em Nguyễn Thị Thu Huyền, ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, việc phát triển thương hiệu “trà Hùng Anh” được coi như sứ mệnh. Là con cả trong nhà, lại rất yêu quý công việc làm chè nên dù cuối năm nay mới tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nhưng em đã quyết định xong tương lai cho mình là tiếp quản và phát triển cơ sở sản xuất chè của gia đình.

Dù không sinh ra trong gia đình làm nghề chè, nhưng bằng tình yêu sâu đậm với cây chè Thái Nguyên, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Nam Hải và Nguyễn Thị Vân (ở phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên) đã chọn cho mình một hướng phát triển mới. Đó là kinh doanh đồ uống từ chè đặc sản Thái Nguyên.

Sau 2 năm tìm kiếm vùng nguyên liệu, nghiên cứu cách chế biến hồng trà và thử nghiệm công thức, năm 2022, cửa hàng Layback – Từ vùng trà đặc sản Thái Nguyên ra đời tại TP. Phổ Yên. Gần 1 năm sau đó, cửa hàng thứ hai được mở trên đường Bắc Sơn – một trong những con phố sầm uất nhất TP. Thái Nguyên. Thời gian đầu, phần lớn khách hàng đến với Layback vì tò mò rằng trà sữa được làm từ trà Thái Nguyên sẽ ra sao. Sau đó, những món đồ uống dần chinh phục được khách hàng, nhiều bạn trẻ và cả người nước ngoài đã trở thành khách ruột của Layback.

Còn với chị Đào Thị Hồng Nhung, Giám đốc Hợp tác xã trà Vân Dũng, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), việc chế biến đồ uống từ trà Tân Cương vừa là mong muốn, đồng thời cũng là hướng đi được chị lựa chọn để quảng bá các sản phẩm trà.

Với suy nghĩ như vậy, năm 2023, thương hiệu đồ uống trà Vân Dũng ra đời, với cốt trà được làm từ trà xanh đặc sản Tân Cương. Tuy nhiên, thời gian đầu, lượng khách hàng rất ít, chị Nhung phải nhiều lần điều chỉnh lượng trà và các nguyên liệu cho phù hợp. Dần dần, khách hàng bắt đầu quen với vị đậm đà của trà Tân Cương trong đồ uống, lượng khách tương đối ổn định (khoảng 300 đơn hàng/ngày).

Cũng thông qua đồ uống hiện đại, ngày càng có nhiều người biết đến và đặt mua các sản phẩm chè của Hợp tác xã trà Vân Dũng. Đây được coi là thành công bước đầu của chị Nhung trong việc quảng bá thương hiệu chè của Hợp tác xã.

Không chỉ làm đồ uống, nhiều người trẻ còn có những cách khác nhau để mang sản phẩm chè Thái Nguyên đến gần hơn với đại đa số công chúng. Như chuyên gia ẩm thực Lê Hoàng đã cùng với các thành viên Chi hội Đầu bếp tỉnh nghiên cứu, chế biến ra nhiều món ăn đặc sắc từ chè Thái Nguyên như: xôi cốt dừa trà xanh, cá kho trà xanh, chả cuốn lá trà, đậu phụ trà xanh…

Người trẻ Thái Nguyên yêu trà Thái, gắn bó với cây chè như một lẽ đương nhiên. Và không chỉ nuôi dưỡng tình yêu đối với đặc sản quê hương, họ còn khát khao mang các sản phẩm chè Thái Nguyên ra thế giới. Dù bước đầu còn rất nhiều khó khăn, nhưng không ít người đã đạt được thành công nhất định.

Chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc Hợp tác xã trà Sơn Dung là một trong những người như vậy. Vốn gắn bó với cây chè từ nhỏ, đến khi về làm dâu trong gia đình nghệ nhân Vũ Thị Dung, chị Trang càng khát khao phát triển sản phẩm chè quê hương.

Năm 2023, chị Trang mang sản phẩm chè của Hợp tác xã trà Sơn Dung tham dự Triển lãm quốc tế trà An Huy lần thứ 16 tổ chức tại Trung Quốc. Tại đây, chị có cơ hội tiếp xúc với nhiều người làm chè ở các nước như: Sri Lanka, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Malaysia, Trung Quốc… và học hỏi thêm nhiều kiến thức về sản phẩm trà, cũng như kinh nghiệm kinh doanh.

Với anh Hứa Văn Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng (Đại Từ), được kế thừa thương hiệu “chè La Bằng”, nổi tiếng là quà tặng tại Hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017, vừa là vinh dự cũng là áp lực lớn.

Là một người trẻ, anh Thịnh đã tận dụng lợi thế của công nghệ số để quảng bá, giới thiệu quy trình làm chè và sản phẩm chè của Hợp tác xã trên nhiều mạng xã hội lớn như: Youtube, Facebook, TikTok… Hình ảnh những đồi chè bình yên trong sớm mai, những búp chè xanh non mơn mởn, người nông dân làm chè chất phác… đã thu hút sự quan tâm của không ít người xem ở trong nước và quốc tế.

Ở nhiều vị trí khác nhau, với từng cách làm riêng biệt, nhưng điểm chung của những người trẻ là họ đang ngày ngày nỗ lực để đặc sản chè Thái Nguyên được “cất cánh”, vươn ra thế giới…

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202410/khi-nguoi-tre-mo-nhung-giac-mo-khac-ky-1-khat-vong-tra-thai-c511ebb/