Khi nhà báo điều tra bắt tay công nghệ
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và nhà báo Ngô Việt Anh chỉ ra chìa khóa tiếp cận độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Nếu coi nội dung là vua thì công nghệ là hoàng hậu để một tác phẩm báo chí lan tỏa sâu rộng, tiếp cận bạn đọc thế hệ TikTok.
Nhiều năm nhập vai, nằm vùng "nuôi" tác phẩm
Phát biểu khai mạc tọa đàm sinh hoạt nghiệp nghiệp vụ "Chinh phục độc giả trẻ và giải báo chí cấp quốc gia" ngày 16/7, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập báo Tiền Phong - cho biết, hoạt động báo chí cần phát triển chiều rộng (số lượng bạn đọc tương tác truy cập) và chiều sâu (là tuyến bài mang lại ảnh hưởng, thương hiệu cho tờ báo).
Tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức không đơn thuần sinh hoạt nghiệp vụ, đây còn là dịp để thêm góc nhìn tiếp cận độc giả trẻ trong bối cảnh mới.
Nhà báo Ngô Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển truyền thông báo Nhân Dân - chia sẻ kinh nghiệm chinh phục độc giả trẻ. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - cây bút nổi danh chuyên mảng phóng sự điều tra, từng đạt nhiều giải A báo chí Quốc gia, các giải thưởng lớn khác trong và ngoài nước - chia sẻ xung quanh tuyến bài chuyên sâu, khác biệt tạo uy tín của tờ báo.

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập báo Tiền Phong - phát biểu khai mạc.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng gây choáng khi chia sẻ kinh nghiệm thực hiện loạt bài từng đạt giải Báo chí quốc gia như: Nuôi nhốt hổ tại Nghệ An, Vụ phá rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam…
Để tạo nên bài báo hay, nhà báo phải nhập vai, nằm vùng rất lâu, thu thập hồ sơ dữ liệu, phối hợp với cơ quan chức năng. Mỗi bài viết khi đăng tải phải tính tới hiệu ứng của bài báo, thu thập hồ sơ, cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý. Có những tác phẩm, nhà báo và nhóm điều tra mất tới 6 năm "nằm vùng", để đưa câu chuyện ra ánh sáng.
Không chỉ đau đáu với nội dung, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chỉ ra tầm quan trọng của hình thức thể hiện tác phẩm. “Khi chúng tôi chấm giải báo chí tầm cỡ, chúng tôi đều đặt câu hỏi: Tác phẩm viết ra để làm gì? Tiêu chí của giải chấm liên quan báo chí điều tra, có hiệu ứng như thế nào. Khi gửi bài dự thi giải báo chí, nhà báo cần trau chuốt để bài viết trang trọng nhất”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - cây bút nổi danh chuyên mảng phóng sự điều tra - chia sẻ hành trình ấp ủ các tác phẩm "bom tấn".
Nhà báo Ngô Việt Anh đề cập xu hướng báo chí công nghệ, xu hướng đầu tư cho Al, YouTube, TikTok đang ngày càng phát triển. Nhiều giải thưởng báo chí hướng tới sáng tạo, tác phẩm vượt ngoài ranh giới thể loại. Đó là con đường mà báo Nhân Dân đã thử nghiệm và thành công vang dội, nhất là với tác phẩm báo chí sáng tạo về bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Hiện nay, người nhìn nhận sản phẩm báo chí thay vì tác phẩm báo chí đơn thuần. Báo chí có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) như chuyển bản tin định dạng video với giọng đọc, chi phí thấp, số lượng sản xuất lớn”, nhà báo Việt Anh nêu. Công nghệ can dự vào các sản phẩm báo chí và lan tỏa tác phẩm ngày càng sâu rộng.
Sau loạt sản phẩm báo chí sáng tạo, báo Nhân Dân rút ra công thức thu hút bạn đọc trẻ gồm: Tờ báo hấp dẫn (không chỉ đọc, làm quà lưu niệm), phải có nơi check-in chụp ảnh, khoe và triển lãm công nghệ để thỏa mãn khám phá và cần truyền thông sản phẩm đến với công chúng.


Nhà báo Ngô Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển truyền thông báo Nhân Dân - chia sẻ về câu chuyện chinh phục độc giả trẻ.
Nội dung là vua, công nghệ là hoàng hậu
Sau phần tham luận lôi cuốn, hai diễn giả ngồi vào bàn tọa đàm trả lời những câu "hỏi xoáy". Hai diễn giả gặp nhau ở câu chuyện đề cập công nghệ như trợ thủ đắc lực cho nhà báo trong thời đại số.
“Chúng ta thấy choáng khi anh Hoàng chia sẻ một lát cắt về cách làm việc nhóm. Một sản phẩm báo chí của anh Đỗ Doãn Hoàng cho thấy sự tương tác, bổ trợ cho nhau giữa người viết nội dung đến trình bày", nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong nói.
Nhiều câu hỏi về tìm hiểu, phát hiện đề tài, việc xây dựng mối quan hệ với cơ quan chức năng, kỹ năng làm việc nhóm vừa hiệu quả, bảo mật thông tin... được gửi tới hai diễn giả.

Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong - chủ trì thảo luận bàn tròn.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng Ban Thời sự Nội chính - đặt câu hỏi cho nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về kỹ năng phát hiện đề tài, ranh giới pháp luật và điều tra báo chí, sự liều lĩnh phóng viên, uy tín cá nhân quyết định ra sao?
Nhà báo Trần Công Hùng hỏi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về kinh nghiệm xây dựng nguồn tin, xây dựng lòng tin với cơ quan chức năng và phía sau những bài báo có đóng góp cho xã hội, khi đối tượng phản ánh trong bài báo rơi vào vòng lao lý, tác giả bài báo suy nghĩ gì.
Nhà báo Văn Kiên đặt câu hỏi tới diễn giả về xu thế công nghệ hiện nay, báo chí tận dụng nền tảng mạng xã hội như thế nào?




Nhiều câu hỏi gửi tới hai diễn giả khách mời Đỗ Doãn Hoàng và Ngô Việt Anh.
Trả lời nhóm câu hỏi về việc chuyển đổi số ở tòa soạn, nhà báo Việt Anh chia sẻ, tại báo Nhân Dân, chuyển đổi số được xác định là một chiến lược dài hạn 5-10 năm, đặt công nghệ ở vị trí trung tâm thay vì chạy theo xu hướng ngắn hạn. Sau đại dịch COVID-19, mô hình “tòa soạn số” đã thay thế “tòa soạn hội tụ”, với hầu hết công việc được tổ chức qua các nhóm, họp trực tuyến, triển khai theo nhóm dự án.
Thành công của những sản phẩm báo chí của báo Nhân Dân nằm ở khả năng kết nối giữa yếu tố công nghệ, sáng tạo nội dung và tương tác thực tế. Chính sự tổng hòa đó đã tạo ra những trải nghiệm sống động, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của giới trẻ ngày nay.
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, một sản phẩm báo chí sáng tạo đi qua bốn bước: Ý tưởng, kế hoạch, triển khai và truyền thông. Trong đó, ý tưởng vẫn là yếu tố khởi nguồn quan trọng nhất.


Phiên trao đổi ý kiến sôi nổi với các diễn giả.
“Nội dung là vua, nhưng công nghệ là hoàng hậu”, nhà báo Ngô Việt Anh nhấn mạnh. Sản phẩm báo chí hiện đại không thể chỉ dừng ở nội dung, mà cần kết hợp công nghệ để trình bày hấp dẫn, chạm đến độc giả một cách hiệu quả và sâu sắc.
Trả lời nhóm câu hỏi về xây dựng nguồn tin, tìm kiếm đề tài, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, đề tài nảy sinh trong quá trình quan sát thực tế, sau đó lập luận, xây dựng đề tài tiềm năng. Đề tài có thể từ các nguồn tin thân cận cung cấp, đề tài từ chiến lược của ban biên tập tờ báo.
"Chúng tôi chia đề tài gồm các loại: đề tài hấp dẫn, đề tài tò mò, đề tài tiềm năng hấp dẫn cộng đồng. Mỗi đề tài, ngoài nội dung tốt, cần có sự đồng hành của họa sĩ để tác phẩm báo chí đẹp hơn, hấp dẫn hơn", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.
Kết luận tọa đàm, nhà báo Lê Minh Toản cho rằng, mỗi phóng viên điều tra là một câu chuyện. Để có bài báo lên trang, phía sau mỗi phóng viên, nhà báo là hậu phương vững chắc, đắn đo cân nhắc của cả ban biên tập. Nhà báo Lê Minh Toản gửi lời cảm ơn hai diễn giả về những chia sẻ gan ruột, công phu và truyền cảm hứng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-nha-bao-dieu-tra-bat-tay-cong-nghe-post1760738.tpo