Khi nông dân được vinh danh

Từ hai bàn tay trắng, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Cường ở xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa) đã vượt khó vươn lên trở thành "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Điều đáng khâm phục là trên hành trình đó, ông đã thể hiện sự nhạy bén, dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm hỗ trợ những người còn khó khăn…

Vợ chồng ông Cường thu hoạch ổi lấy ngắn nuôi dài.

Vợ chồng ông Cường thu hoạch ổi lấy ngắn nuôi dài.

Dám nghĩ, dám làm

Cuối tháng 9, chúng tôi tìm về trang trại của ông Nguyễn Tiến Cường (sinh năm 1960) ở thôn 3, xã Ninh Thượng. Đó là một khu vườn xanh tươi ngút tầm mắt bởi hàng chục héc-ta xoài, ổi, dừa, mít… được ông Cường quy hoạch bài bản, đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại. Trang trại này không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là nơi ông Cường và người thân “vui thú điền viên”. Đưa chúng tôi tham quan trang trại, ông kể lại cái nghiệp làm nông, làm giàu trên đất Ninh Thượng. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, đến năm 1976, gia đình tôi đi làm kinh tế mới ở vùng Ninh Trang - Ninh Thượng. Ngày đó, mảnh đất này còn hoang vu lắm... ”, ông Cường mở đầu câu chuyện về đời mình.

Vườn xoài của ông Cường trồng theo hướng hữu cơ.

Vườn xoài của ông Cường trồng theo hướng hữu cơ.

3 năm sau, ở tuổi 19, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Cường lên đường nhập ngũ rồi đi chiến trường Campuchia. Ông Cường đã cùng đồng đội trải qua những ngày chiến đấu gian khổ, nhiều đồng đội đã hy sinh trên đất bạn. Tháng 2-1983, do bị thương nên ông được giải ngũ trở về quê. Trở lại vùng kinh tế mới Ninh Trang, người thương binh hạng 4/4 ấy đã nghĩ ra cách “khởi nghiệp” độc đáo. Nhận thấy vùng này còn tốn quá nhiều sức người để khai hoang, vỡ hóa, ông đã đi thuê máy cày để vừa cày thuê vừa vỡ đất khai hoang cho gia đình mình. Nhờ thế, chỉ sau vài năm, ông dành dụm mua được một chiếc máy cày, chưa kể ông còn khai hoang được 15ha đất rẫy để trồng mì, bắp… Năm 1996, khi Nhà máy Đường Ninh Hòa được thành lập, ông chuyển hết diện tích đất sang trồng mía. Nhưng thay vì bán mía nguyên liệu, ông mạnh dạn giữ lại ruộng, rồi tìm đến thương thảo với nhà máy đường về việc cung cấp mía giống. Hồi ấy, phong trào trồng mía đang lên, diện tích mía ở vùng nguyên liệu Ninh Hòa ngày càng mở rộng, nhu cầu mía giống rất lớn. Chính vì vậy, nhà máy đường đã đồng ý ký hợp đồng thu mua mía giống của ông Cường với giá cao hơn rất nhiều so với mía nguyên liệu. Qua nhiều vụ bán giống, ông tích cóp mua thêm đất, trở thành một trong số ít nông dân có diện tích, sản lượng mía đường lớn nhất vùng. Giai đoạn 2010 - 2013, thời kỳ hoàng kim của cây mía đường, gia đình ông Cường có 50ha đất trồng mía với sản lượng không dưới 2.000 tấn mía/niên vụ. Cây mía mang lại cho gia đình ông thu nhập tiền tỷ mỗi năm, giải quyết việc làm cho 20 - 30 lao động địa phương.

Khi cây mía đường bắt đầu giảm hiệu quả, năm 2018, ông Cường bán bớt đất trồng mía để chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại vùng đất Ninh Thượng. “Tôi đã đi thực tế nhiều nơi và học hỏi trên mạng về trồng dâu nuôi tằm rồi vận động 20 hộ dân trong xã chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, thành lập Tổ hợp tác dâu tằm tơ xã Ninh Thượng. Với sự hỗ trợ của các kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm Trung ương (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), tôi làm trang trại, lắp cả máy lạnh để ươm tằm giống bán cho người dân, rồi thu mua lại tơ tằm để xuất bán đi các nơi…”, ông Cường nhớ lại. Thời kỳ đầu việc trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả kinh tế rất khá nhưng đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, may mặc, dệt vải bị đình trệ nên giá thành tơ tằm hạ thấp, việc trồng dâu nuôi tằm không còn hiệu quả nên Tổ hợp tác dâu tằm tơ xã Ninh Thượng dần tan rã.

Năm 2020, ông Cường quyết định đầu tư phát triển trang trại trồng cây ăn quả, với hơn 3.500 cây xoài Úc trên diện tích 13ha, đồng thời trồng xen thêm 2.000 cây ổi để lấy ngắn nuôi dài. Trang trại được đầu tư bài bản, khoan giếng để lấy nước sạch và lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương để tưới cho cây trồng… Không chỉ vậy, khi phong trào xây dựng hệ thống điện mặt trời vừa khởi phát, với sự nhạy bén của mình, ông đã kịp đầu tư hệ thống điện mặt trời hơn 2 tỷ đồng để phục vụ sản xuất và bán điện cho Nhà nước.

Hướng đến trồng trọt hữu cơ bền vững

Bây giờ, những gốc xoài đã hơn 3 năm tuổi, vừa cho trái bói, vườn ổi cũng lúc lỉu quả. Theo bà Vy Thúy (vợ ông Cường), chỉ riêng vườn ổi đã cho thu nhập đều đặn 200 triệu đồng/năm. Một điều khá lạ ở trang trại này là cây và cỏ đều tươi tốt như nhau. Nhìn từ trên cao, cả trang trại như một bức tranh xanh ngắt một màu. Hỏi chuyện, ông Cường kể, trang trại không dùng thuốc trừ cỏ mà cứ để cỏ mọc tự nhiên, tạo thành thảm thực vật giúp duy trì nhiệt độ mát mẻ cho đất. Dưới lớp cỏ còn có hệ côn trùng giúp đất tơi xốp. Khi nào cỏ cao quá thì dùng máy cắt hạ thấp độ cao, cỏ chết sẽ bổ sung mùn cho đất. “Yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe. Nông sản làm ra không chỉ đẹp về hình thức, còn phải an toàn, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, tôi quyết tâm áp dụng canh tác hữu cơ bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững là xu hướng tất yếu”, ông Cường lý giải.

Một góc vườn cây ăn quả của ông Cường. Ảnh: Phương Thúy

Một góc vườn cây ăn quả của ông Cường. Ảnh: Phương Thúy

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Thấm nhuần triết lý đó, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, ông đã vận động những gia đình quanh vùng mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả, cùng thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ và cây ăn quả Ninh Thượng. 10 thành viên của hợp tác xã đã có đến 75ha cây ăn quả. Với trách nhiệm của người đứng đầu hợp tác xã, thời gian gần đây, ông đôn đáo khắp nơi để tìm kiếm các đối tác bao tiêu sản phẩm cho nông dân. “Mới đây, tôi đã lên Lâm Đồng tìm gặp lãnh đạo Công ty Cổ phần Hikari để đặt vấn đề hợp tác sản xuất nguyên liệu nông sản cho công ty này. Nhờ đó, đoàn công tác của công ty đã tìm đến vùng sản xuất của hợp tác xã. Bước đầu, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác để bao tiêu trái cây hữu cơ. Hiện nay, tôi đang vận động, hướng dẫn các thành viên trong hợp tác xã đi theo mô hình trồng trọt hữu cơ. Sau Công ty Cổ phần Hikari, ngày 7-10, sẽ có doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh ra tham quan, tìm hiểu hoạt động sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ và cây ăn quả Ninh Thượng để trao đổi về hợp tác bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi phải trao đổi, chọn lựa để tìm ra đối tác tốt nhất hợp tác lâu dài” - ông Cường phấn khởi chia sẻ.

Ông Cường và con trai bên cạnh ngôi nhà mới đang hoàn thiện.

Ông Cường và con trai bên cạnh ngôi nhà mới đang hoàn thiện.

Nhắc đến ông Cường, lãnh đạo xã Ninh Thượng cũng như người dân trong xã luôn bày tỏ sự quý mến. Bởi ông không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn giúp đỡ về kinh phí, cây giống, vật tư nông nghiệp khi trồng mía cho hàng chục hộ nghèo. Giờ đây, khi chuyển sang làm trang trại cây ăn quả, ông cũng chia sẻ kiến thức của mình với các nông dân trong vùng để cùng phát triển. “Với gia đình tôi, mảnh đất Ninh Thượng đã trở thành máu thịt. Mọi thứ tôi có hôm nay là nhờ mảnh đất này. Bởi vậy, tôi không chỉ muốn làm giàu cho riêng mình mà còn muốn nhiều người dân ở Ninh Thượng cũng khấm khá hơn để góp phần thay đổi quê hương…”, ông Cường nói.

Ông TRƯƠNG CÔNG TÍNH - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa: Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn thị xã phát triển mạnh mẽ. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu và tạo được sức lan tỏa lớn, điển hình như ông Nguyễn Tiến Cường. Ông Cường đã không ngừng học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từ đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; nhanh nhạy trong việc sản xuất gắn với thị trường, liên kết, hợp tác để tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản.

Ông Nguyễn Tiến Cường được trao tặng danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp tỉnh nhiều năm liền. Mới nhất, ông được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023” (lễ trao tặng sẽ được tổ chức vào ngày 13-10). Ông được UBND tỉnh tặng bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2016 và bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; thị xã Ninh Hòa tặng giấy khen về thành tích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2017, 2018; Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh tặng giấy khen năm 2019.

XUÂN THÀNH - CÔNG ĐỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202309/khi-nong-dan-duoc-vinh-danh-d4b2f39/