Khi nông sản xứ Mường biết 'kể chuyện mình'

Theo dòng chảy của nền nông nghiệp hiện đại, nông sản của Hòa Bình (nay là Phú Thọ) không còn đơn thuần là những quả cam, quả bưởi hay hạt thóc trên đồng, mà đang trở thành 'sứ giả' mang theo cả câu chuyện về đất đai, con người và bản sắc xứ Mường. Từ những phiên chợ quê quen thuộc, nhiều nông sản bản địa đang từng bước vượt qua ranh giới làng bản để chạm ngõ các thị trường lớn trên thế giới - nơi tiêu chuẩn là khắt khe, nhưng cũng là nơi đầy tiềm năng nếu biết 'kể đúng câu chuyện của mình'.

Mật ong rừng Hợp Tiến của HTX Green Life là 1 trong 2 sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Kim Bôi (cũ) được xuất khẩu sang thị trường Anh.

Mật ong rừng Hợp Tiến của HTX Green Life là 1 trong 2 sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Kim Bôi (cũ) được xuất khẩu sang thị trường Anh.

Từ đặc sản quê đến hàng hóa xuất khẩu

Trước đây, nông dân Hòa Bình (cũ) trồng cây theo lối “cha truyền con nối”, mùa nào cây nấy. Những vườn cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, mía tím Kim Bôi... (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) đều là đặc sản, nhưng từng có thời gian chỉ quanh quẩn trong phiên chợ quê, bị ép giá, bị bỏ quên. Có thời điểm, nông sản ùn ứ, giá xuống chỉ còn vài nghìn đồng một cân, không đủ tiền chi phí ban đầu, thuê người thu hoạch. Bà con vốn thật thà, chịu khó, nhưng thiếu thông tin, thiếu kỹ thuật, càng không biết gì về khái niệm “xuất khẩu”, “bao bì” hay “truy xuất nguồn gốc”.

Sản phẩm bưởi da xanh Tân Lạc được Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa đóng gói và được đưa đi xuất khẩu bởi Công ty CP ECO Hòa Bình vào cuối năm 2024.

Sản phẩm bưởi da xanh Tân Lạc được Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa đóng gói và được đưa đi xuất khẩu bởi Công ty CP ECO Hòa Bình vào cuối năm 2024.

Từ năm 2021, Hòa Bình (cũ) triển khai Đề án 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình (cũ) về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đến nay, diện mạo ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một hệ sinh thái nông sản xuất khẩu đang dần hình thành với các yếu tố căn bản như cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa chất lượng, ký kết chuỗi tiêu thụ và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất - tiêu thụ.

Cam Cao Phong được sơ chế trên dây chuyền hiện đại sau khi thu hoạch để loại bỏ bụi bẩn.

Cam Cao Phong được sơ chế trên dây chuyền hiện đại sau khi thu hoạch để loại bỏ bụi bẩn.

4 năm qua, tỉnh Hòa Bình (cũ) có 21 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia xuất khẩu nông - lâm sản. Tổng sản lượng xuất khẩu đạt 272.077 tấn, giá trị ước tính trên 3.266 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ lực như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, măng tươi - măng chế biến, gạo J02, thổ cẩm, mật ong... đã có mặt tại những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Anh, Canada. Bên cạnh xuất khẩu thô, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh chế biến sâu - tỷ lệ nông sản qua chế biến hiện đạt 31,41%, góp phần gia tăng giá trị và nâng tầm thương hiệu.

Điều làm nên sự khác biệt không chỉ nằm ở hương vị, mà là ở hành trình minh bạch, đủ chuẩn mực. Mỗi quả bưởi không chỉ ngọt, mà còn có thể “kể” về nơi nó được trồng, ai chăm sóc, được đóng gói ở đâu, vận chuyển thế nào... Những “câu chuyện quả ngọt” ấy chính là tấm hộ chiếu cho nông sản xứ Mường đi xa.

Anh Đinh Công Thuần, Giám đốc HTX Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình (cũ) nay là xã Mường Động, tỉnh Phú Thọ (mới) bộc bạch: “Trước kia, nông dân chúng tôi chỉ biết chăm chút cho vật nuôi ra sao, thu hoạch được gì. Còn giờ đây, câu chuyện đã khác, phải tính toán sâu xa hơn: Làm sao để bán được, bán cho ai. Nhờ sự hỗ trợ từ tỉnh trong việc mở những lớp tập huấn về xuất khẩu, chúng tôi mới có đủ tự tin và năng lực để đưa sản phẩm Mật ong rừng Hợp Tiến đến thị trường Anh vốn rất khó tính”.

Viết tiếp câu chuyện nông sản bằng tư duy mới

Tuy nhiên, hành trình “ra biển lớn” không hề dễ dàng. Những “cánh buồm” nông sản xứ Mường vẫn phải vượt qua nhiều “eo biển” chật hẹp. Diện tích ứng dụng công nghệ cao còn khiêm tốn (10–15%), tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu đủ sức cạnh tranh còn hạn chế. Trong 638 cơ sở chế biến nông sản toàn tỉnh Hòa Bình (cũ), phần lớn quy mô nhỏ lẻ, phân tán, công suất chưa đồng đều. Việc truy xuất theo chuỗi giá trị còn thiếu; khoảng 50% nông sản chủ lực chưa kiểm soát được chất lượng đầu – cuối.

“Cái khó nhất là sự ổn định. Muốn duy trì xuất khẩu bền vững thì vùng nguyên liệu phải lớn, sản lượng đồng đều và chất lượng phải thật sự rõ ràng, nhất quán” – đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ.

Dẫu còn khó khăn, nhưng ánh sáng đổi thay vẫn lan tỏa từng ngày. Nhiều chuỗi liên kết gạo tại Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) đang vận hành hiệu quả. Nông dân tham gia chuỗi có thu nhập cao hơn 1,3 lần so với sản xuất rời rạc. Gạo J02, BC15, gạo hữu cơ đã định danh thị trường. Ở Mai Châu, những thanh niên H’Mông bắt đầu trồng mận, trồng cà chua hữu cơ; phụ nữ Thái bán thổ cẩm qua Shopee, TikTok, Etsy... Ở Lương Sơn, nông dân trồng bưởi thuộc lòng chỉ số độ brix, VietGAP, mã số vùng trồng... Mỗi nông sản giờ đây không chỉ cần ngon, sạch, mà cần có câu chuyện, có “hộ chiếu” kỹ thuật số để kết nối thị trường và thuyết phục người tiêu dùng bằng giá trị minh bạch.

Sản phẩm măng sơ chế của Công ty Cổ phần Kim Bôi có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Lotte tại Hà Nội

Sản phẩm măng sơ chế của Công ty Cổ phần Kim Bôi có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Lotte tại Hà Nội

Mở lối đi bền vững cho nông nghiệp hàng hóa

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (cũ) lần thứ XVII, mục tiêu “cơ giới hóa - tiêu chuẩn hóa - thương mại hóa - số hóa” trong chuỗi nông nghiệp đã được xác định rõ. Mỗi cây trồng, vật nuôi không chỉ là sản phẩm nông nghiệp - mà là thực thể kinh tế có tên, có mã số, có giá trị và thị trường.

Phát triển bền vững, theo tỉnh, phải dựa vào hệ sinh thái gồm: Doanh nghiệp là hạt nhân, hợp tác xã là nòng cốt, cán bộ kỹ thuật là người đồng hành, còn người nông dân là trung tâm. Trong đó, chuyển đổi số - ứng dụng thương mại điện tử được xem là một trong những “cánh cổng vàng” để mở ra tương lai mới cho nông sản.

Theo định hướng ngành Nông nghiệp và Tài nguyên tỉnh, thời gian tới, việc mở rộng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tiếp tục được thực hiện, hệ thống logistics, kho lạnh, chế biến bảo quản sau thu hoạch sẽ được quan tâm đầu tư; đồng thời kết nối sâu hơn với doanh nghiệp lớn, thị trường ngoài nước, sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso...

Từ những sản phẩm nông sản bản địa vùng cao, nông sản xứ Mường đang dần biết cách “kể chuyện mình” - từ mã QR đến thương hiệu, bao bì. Hành trình ấy, nếu tiếp tục được tiếp sức bởi tư duy chiến lược, chính sách thực chất và sự tự tin của người nông dân, hoàn toàn có thể đưa vùng đất Phú Thọ trở thành vùng sản xuất - tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn đậm đà bản sắc.

Thu Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/khi-nong-san-xu-muong-biet-ke-chuyen-minh-235555.htm