Khi phụ nữ 'dám sống một cuộc đời rực rỡ'

Bắt đầu với mong muốn giải phóng bản thân và học cách tự yêu mình, nhà báo, đạo diễn Bông Mai đã nhận ra vẻ đẹp của những tình yêu lớn hơn trên hành trình 99 ngày xuyên Việt. Đến nay, Bông Mai đã và đang tiếp tục truyền cảm hứng cho những ai 'dám sống một cuộc đời rực rỡ'.

Sáng ngày 18.2, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” do nhà báo, đạo diễn Bông Mai tổ chức. Triển lãm được tổ chức hướng tới mục tiêu giới thiệu và quảng bá các nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, cùng hướng đến việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về phụ nữ, từ đó, thúc đẩy việc trao quyền và tôn vinh những người phụ nữ.

99 ngày xuyên Việt

Triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” lấy ý tưởng từ hành trình 99 ngày xuyên Việt của cô. Đầu năm 2022, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã lên đường thực hiện chuyến đi 99 ngày xuyên Việt với mục tiêu khám phá và tìm hiểu văn hóa của 54 dân tộc anh em, tập trung vào hai yếu tố chính là trang phục và làn điệu dân tộc.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai chia sẻ tại triển lãm.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai chia sẻ tại triển lãm.

Chuyến đi không chỉ nhằm mục đích khám phá văn hóa mà còn mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khắp mọi miền Tổ quốc, Bông Mai chia sẻ: “Suốt những năm làm nghề, là một nhà báo, một đạo diễn, tôi đã gặp những phụ nữ bất hạnh, những phụ nữ đắm chìm trong đau khổ, những phụ nữ chưa khi nào dám sống một cuộc đời rực rỡ, họ không thể đưa ra quyết định dừng những ưu tiên khác trong cuộc sống như gia đình, công việc để thực hiện mong muốn của mình trước. Chính tôi cũng đã từng sống trong những năm tháng đó. Nên tôi muốn chuyến đi này của mình khẳng định rằng phụ nữ họ có thể làm được rất nhiều điều trong cuộc sống”.

Hành trình đó không được tô vẽ bằng xanh đỏ mà rực rỡ bởi những cung bậc cảm xúc có buồn, có vui của cả Bông Mai và các nhân vật mà chị tiếp xúc trên những cung đường. Bông Mai cho biết: “Đấy là chuyến đi một mình một xe, nhưng tôi không hề cô đơn vì có biết bao đồng bào trên cả nước đã yêu thương, chăm sóc và dõi theo. Tôi muốn kể lại những sắc màu ấy, muốn khoe những người bạn, người thân tôi đã may mắn được gặp trên hành trình này”.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai cùng chia sẻ câu chuyện cùng với đồng bào dân tộc cô đã gặp.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai cùng chia sẻ câu chuyện cùng với đồng bào dân tộc cô đã gặp.

Với việc thực hiện hành trình một mình một xe đi khắp mọi miền đất nước, Bông Mai đã có cơ hội gặp gỡ hàng triệu gương mặt và ghi lại những câu chuyện đời sống đầy màu sắc của đồng bào trên khắp mọi miền đất nước. Từ đó, nữ đạo diễn đã truyền đi thông điệp Dám sống một cuộc đời rực rỡ với hy vọng thúc đẩy công chúng nói chung và những người phụ nữ nói riêng phá bỏ các định kiến xã hội và giới hạn của bản thân để thực hiện ước mơ của mình.

Kết thúc 99 ngày trong chuyến hành trình xuyên Việt, hành trang mà nhà báo, Bông Mai mang về là những trải nghiệm “hơn cả những gì mong đợi”. Nữ nhà báo hạnh phúc nói rằng, cuộc hành trình “một mình” của cô có rất nhiều người đồng hành và cô đã thực sự đã được sống những ngày rực rỡ.

Câu chuyện đặc biệt về em bé Mua

Điều đặc biệt nhất của triển lãm là có sự xuất hiện của các đồng bào dân tộc đã gặp và chăm sóc Bông Mai trên đường đi. Họ có mặt để kể câu chuyện của chính mình, của dân tộc mình và câu chuyện của họ với nhà báo, đạo diễn.

Bông Mai bật mí: “Điều mà tôi nhớ nhất, muốn kể với mọi người nhiều nhất trong triển lãm lần này, tôi đã gặp Mua, một cô bé dân tộc 9 tuổi bị liệt, từ khi em còn mấy tháng tuổi sau một trận sốt. Mẹ Mua sinh ra em khi còn quá trẻ, kinh nghiệm sống còn ít đôi khi sự chăm sóc bản thân còn hạn chế thì việc chăm sóc những đứa trẻ sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy đáng tiếc do những thiếu hụt về kiến thức.

Để gặp được Mua, tôi tin chúng tôi có duyên với nhau, câu đầu tiên Mua gặp tôi và hỏi: Cô là ai mà cô đến thăm con. Chính vì câu hỏi đó tôi nhận ra em không hề có vấn đề gì về não bộ, và trước khi chia tay Mua có nói với tôi: Cô đi thì cô nhớ quay về thăm con. Lời hứa của tôi đối với Mua là sẽ giúp em có cơ hội chữa bệnh, thực hiện giấc mơ của mình được đến trường học như các bạn và tôi nghĩ tôi đang trên con đường đó”.

Khách tham quan triển lãm.

Khách tham quan triển lãm.

Những câu chuyện này kể ở đây để thấy, hệ lụy của việc không được giáo dục, không được học hành sẽ dẫn tới những việc đau lòng như thế. “Qua câu chuyện của Mua, tôi nghĩ chúng ta đang rất may mắn và chúng ta có cơ hội được làm nhiều điều tốt thay vì ngồi một chỗ than phiền về những điều mà chúng ta đang có. Hay câu chuyện tôi giúp những người phụ nữ đồng bào có cơ hội trong công việc, cho họ học một nghề mới và tự kiếm tiền bằng nghề đó, đấy là việc tôi muốn làm và muốn kể. Đồng thời, đây cũng chính là câu trả lời của tôi thế nào là văn hóa tình người”, Bông Mai chia sẻ thêm.

Trong triển lãm, Bông Mai trưng bày 99 bức ảnh để kể về câu chuyện của mình, nhưng không kể với mọi người rằng “trẻ em ở đây khổ lắm, hãy giúp các em đi” mà muốn mọi người khi nhìn thấy bức ảnh mọi người sẽ nghĩ điều gì. Với cô, tất cả bức ảnh tại triển lãm đều có thông điệp rằng hãy giúp đỡ người khác bằng tình thương yêu của mình chứ không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất.

Hình ảnh về trang phục dân tộc.

Hình ảnh về trang phục dân tộc.

Bên cạnh đó, khách tham quan sẽ cơ hội gặp gỡ hình ảnh 55 bộ trang phục của 35 dân tộc. Phần trưng bày của triển lãm sẽ nêu rõ những điểm khác biệt và đặc sắc của từng trang phục: từ các dùng khăn đội đầu, họa tiết ở cổ tay áo, đến các sử dụng trang sức. Không chỉ trưng bày hình ảnh về trang phục dân tộc, khách tham quan sẽ gặp những gương mặt, những khoảnh khắc trên hành trình của nữ đạo diễn với các phần trưng bày có kết hợp các trải nghiệm nghe nhìn tại triển lãm.

Ngoài ra, khách tham quan triển lãm chính là những độc giả đầu tiên tiếp cận với hai cuốn sách này mà cô sắp ra mắt trong năm nay. Cũng nhân dịp này, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai sẽ trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 30 tấm ảnh chụp những người phụ nữ trên hành trình mà nữ nhà báo đã đi qua.

Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khi-phu-nu-dam-song-mot-cuoc-doi-ruc-ro-38412.html