Khi sự 'bắt buộc' trở thành yêu thích

Bất chợt, chuyện học và thi môn Lịch sử lại nóng lên từ một thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như cách đây một năm, môn học này còn ở thế 'tự chọn' thì hai năm sau có thể trở thành môn thi 'bắt buộc'.

Khoảng giữa của hai thái cực đó là một câu hỏi đơn giản không dễ trả lời: Con em chúng ta có yêu thích lịch sử được không? Có nắm được lịch sử không?

Lịch sử là môn học có vai trò lớn trong việc hình thành nhân cách con người. Ở vào một bậc học mà chưa có các môn học như: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Văn hóa học đại cương thì lịch sử và ngữ văn là nguồn tri thức chính để cung cấp cho những người trẻ về văn hóa. Trong suy nghĩ của chúng ta, bất luận một ai theo ngành học nào thì tri thức văn hóa vẫn là nền tảng. Thậm chí, sự am hiểu lịch sử văn hóa sẽ quyết định đến việc hình thành lập trường tư tưởng và tinh thần yêu nước cũng như nhân cách con người…

Các giá trị văn hóa tinh thần góp phần vào thắng lợi trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm.

Các giá trị văn hóa tinh thần góp phần vào thắng lợi trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm.

Trước những băn khoăn đó, trước hết chúng ta cần lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc, em Nguyễn Hoàng Bách, lớp 10 Trường THPT Việt Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Ở cấp 2, em khá sợ học lịch sử bởi kiến thức nặng, nhiều dấu mốc cần ghi nhớ theo sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi lên lớp 10, cảm nhận của em về môn học hoàn toàn thay đổi. Kiến thức nhẹ hơn, việc dạy và học cũng được đa dạng hóa thông qua các ảnh minh họa, thuyết trình về sự kiện lịch sử... môn học không còn khô khan, khó nhớ như trước đây" (theo Vtc.vn).

Có thể, với cậu bé Nguyễn Hoàng Bách những kiến thức lịch sử là điều hấp dẫn, dễ nắm bắt nhưng làm sao để lịch sử không chỉ là một trong 4 môn học cơ bản nhằm đánh giá năng lực chứ không trở thành "tử huyệt" để các thế hệ học sinh buộc phải "tử chiến" giành điểm trong kì thi mới là điều đáng suy ngẫm.

Không thể phủ nhận sự xuất hiện của thế hệ Gen Z với những khác biệt từ nhận thức đến quan niệm so với các thệ hệ 8X, 9X trước đây. Người ta đã nhắc đến chuyện một đứa trẻ ngày nay biết vuốt ipad, smarphone trước cả khi biết cầm thìa, cầm đũa và biết nói… Dù ít hay nhiều những tiện ích của công nghệ và tư duy kết nối cũng sẽ tác động đến tâm lí, tư duy, thói quen của thế hệ này. Trong khi, để học tốt lịch sử - môn học về cái đã qua, về những bài học - lại khó thu hút được sự quan tâm của người trẻ.

Thông thường, để tìm ra nguyên nhân, chúng ta phải tìm cách "bắt mạch" để "kê đơn". Những rào cản khiến người trẻ yêu thích và nắm được kiến thức lịch sử đã được thống kê hàng loạt như: Tiến trình lịch sử dài khó nắm bắt; không có sự hệ thống hóa lại kiến thức lịch sử từ các cấp học và điều khó khăn lớn nhất là sự khô cứng của các con số mà chưa gắn với văn hóa. Từ đó dễ khiến người học có cảm giác lịch sử khô khan, khó khắc sâu vào tâm trí của họ.

Giáo dục Lịch sử là giáo dục cho trẻ em những trải nghiệm, chứ không chỉ là tri thức.

Giáo dục Lịch sử là giáo dục cho trẻ em những trải nghiệm, chứ không chỉ là tri thức.

Để tìm ra giải pháp, đã không ít sáng kiến được nêu ra như: Vẽ sơ đồ tư duy các giai đoạn lịch sử; Dùng giấy nhớ; Học trên bản đồ; Học qua sách, tài liệu và phim ảnh… Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa qua, cô bé Lầu Nguyễn Hương Giang (người dân tộc Mông) ở Nghệ An từng chia sẻ về bí quyết đạt điểm 10 của em ở môn học này: "Ở lớp, em tập trung học, lắng nghe những kiến thức từ thầy, cô giáo truyền đạt. Em sắm một cuốn sổ tay để ghi nhớ các sự kiện, những từ khóa quan trọng, dấu mốc lịch sử và cả những bài thơ hay. Khi có thời gian rảnh rỗi, em đưa sổ tay ra xem để nhớ thêm. Ngoài ra, em còn tự học thêm ở ký túc xá, học nhóm cùng bạn bè. Thời gian học, nhớ tốt nhất là 19 giờ đến 21 giờ đêm, em ở ký túc xá gần với lớp học nên chọn nơi yên tĩnh ở góc lớp hoặc không gian yên tĩnh trong ký túc xá để ôn bài. Khi có thời gian em lên Internet xem video thuyết trình lịch sử. Ngoài ra em thường xuyên trao đổi, thảo luận, phân tích các môn học với các bạn" (theo plo.vn).

Người viết cho rằng, chúng ta ghi nhận và trân trọng các sáng kiến đổi mới trong dạy và học lịch sử cũng như các bộ môn xã hội nhân văn khác. Tuy nhiên, cần có một cái nhìn tổng quát, thấu đáo triệt để hơn hay nói cách khác, phải làm sao giúp con em chúng ta hứng thú, có động lực chứ không dừng ở việc thuộc, nhớ lịch sử của Việt Nam và thế giới. Để làm được điều đó cần đặt môn học này trong mối tương quan gắn kết với địa lý, văn hóa, ngôn ngữ trong sự hình thành các triều đại, các vùng đất, cách gọi tên các sự vật, hiện tượng.

Ai đó từng nói rằng, kho báu lớn nhất của loài người không phải là con tàu San Jose (bị chìm năm 1708 ở ngoài khơi Colombia với số vàng bạc châu báu, trị giá lên tới 17 tỷ USD) hay "núi vàng" trong hệ thống hầm thuộc đền Sree admanabhaswamy của Ấn Độ mà là ngôn ngữ của loài người. Ngôn ngữ chứa đựng kí ức, tri thức của loài người trong suốt chiều dài lịch sử. Ví như, tên một cái chợ, tên một con đường, tên xã, tên làng mà ta gặp hàng ngày cũng gắn kết với đồn lũy, danh nhân, anh hùng dân tộc… Thử hỏi, một em học sinh có nắm được tiểu sử của bậc danh nhân được đặt cho con đường mà em hàng ngày vẫn đến trường hay không?

Làm sao để học sinh yêu thích và học tốt môn lịch sử.

Làm sao để học sinh yêu thích và học tốt môn lịch sử.

Thiết nghĩ, để lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, có sức hút thì cần được "cấp" cho nó những tri thức liên ngành chứ không dừng ở những con số. Bởi, ngay trong các trận đánh, các chiến công của các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc cũng gắn với phẩm chất anh hùng của dân tộc, sự quật khởi của nhân dân và những tấm gương hy sinh, những lối đánh sáng tạo thể hiện tinh thần, trí tuệ Việt. Chừng nào lịch sử còn được tiếp cận như một chuyên ngành đơn lẻ sẽ còn khiến người học khó tiếp cận.

Tham khảo các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, chúng ta đều biết ngoài sách giáo khoa lịch sử biên soạn theo tiến trình, ở Pháp còn có sách biên soạn theo chủ đề lịch sử; ở bậc Trung học cơ sở, người Nhật đưa ra 4 mục tiêu tổng quát cho người học: (1) Nâng cao mối quan tâm đối với các sự kiện, hiện tượng lịch sử; (2) Làm cho học sinh có hiểu biết và giáo dục thái độ tôn trọng đối với các nhân vật lịch sử đã cống hiến cho quốc gia - xã hội, sự phát triển của văn hóa và đời sống ; (3) Làm cho học sinh lý giải được đại thể về giao lưu quốc tế và giao lưu văn hóa trong lịch sử, tư duy về mối quan hệ qua lại sâu sắc giữa lịch sử và văn hóa nước ta với các nước khác; (4) Nâng cao mối quan tâm, hứng thú đối với lịch sử thông qua học tập các sự kiện, hiện tượng cụ thể và lịch sử của địa phương gần gũi, sử dụng các tư liệu phong phú để khảo sát đa diện, đa góc độ… (theo Nguyễn Quốc Vương -Vietnamet.vn).

Để "bắt buộc" trở thành yêu thích mới là giải pháp triệt để nhất giúp người học có động lực và nhận thức được tầm quan trọng của môn học cũng như có khả năng vận dụng lịch sử vào đời sống văn hóa. Khi chúng ta đã và đang xác lập và xây dựng, phát huy hệ giá trị con người Việt Nam thì việc hiểu và tham chiếu các bài học lịch sử để có được hướng đi đúng trong cuộc sống hôm nay là rất cần thiết…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khi-su-bat-buoc-tro-thanh-yeu-thich-i685346/