Khi thương hiệu Việt Nam bị lấy cắp ở nước ngoài
Nhiều người Việt Nam ở Australia đã phải đau xót khi thấy rằng thương hiệu Phở của quê hương đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng công khai...
Thương hiệu phở Việt nhưng là "sản phẩm của Trung Quốc" trên báo Australia.
Vừa qua, một thông tin làm nức lòng người Việt nói chung và những người trồng vải thiều ở Bắc Giang nói riêng là sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được lên kệ ở siêu thị một trong những thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản với giá lên tới 500.000 đồng/kg (gần 20 lần giá vải thiều trong nước).
Kết quả này là cả một quá trình phấn đấu vất vả, kỳ công của những người trồng vải và các cơ quan chức năng. Từ năm 2014, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã bắt đầu đàm phán với phía đối tác Nhật Bản nhằm xúc tiến mở cửa thị trường Nhật cho quả vải thiều Việt Nam.
Phía Nhật cũng đã cử nhiều đoàn khảo sát, tham quan, đánh giá quy trình ươm trồng, thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển quả vải thiều, đảm bảo các tiêu chí gắt gao về vệ sinh, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh Nhật Bản, Australia cũng là thị trường đầy hứa hẹn cho quả vải Việt Nam khi những lô hàng đầu tiên được người dân nơi đây đón nhận. Australia là một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn nhất thế giới nên họ rất khắt khe về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, luật pháp Australia bảo vệ chặt chẽ các loài động, thực vật nước này nhằm phòng tránh các loại dịch bệnh ngoại lai nên việc quả vải Việt Nam vào được thị trường này không hề đơn giản chút nào.
Dù đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu, nhưng hàng Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khác trên thị trường quốc tế.
Một trong những khó khăn mà chúng ta đang đối mặt là nạn ăn cắp bản quyền, làm giả làm nhái hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Từ những năm đầu thế kỷ XXI này, võng xếp Duy Lợi bị một số nhà máy ở Nhật, Đài Loan ăn cắp bản quyền sáng chế và đã phải trải qua một chặng đường pháp lý quốc tế gian nan để đòi lại bản quyền. Tuy cuối cùng Duy Lợi đã chiến thắng nhưng cũng khó tránh khỏi việc “được vạ thì má đã sưng”.
Rồi đến nước mắm Phú Quốc cũng bị một số doanh nghiệp ở Thái Lan “mượn” tên. Mặc dù nước mắm Phú Quốc là thương hiệu của Việt Nam được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý ở châu Âu, tuy nhiên, xuất xứ thật của những lô hàng mang tên “nước mắm Phú Quốc” có thật sự đến từ Việt Nam hay không thì vẫn đang là ẩn số.
Gần đây nhất, theo thông tin từ Cơ quan xúc tiến thương mại nông sản quốc tế Australia (Agrconnect), tại hệ thống phân phối sỉ Costco, các gói phở ăn liền trên kệ hàng với thương hiệu “Phở Việt Nam” (Vietnamese Style Noodle Soup) nhưng lại ghi rõ ràng rằng đây là “sản phẩm của Trung Quốc” (Product of China).
Nhiều người Việt Nam học tập, sinh sống ở Australia đã phải đau xót khi thấy rằng thương hiệu Phở của quê hương đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc trắng trợn lấy cắp và sử dụng công khai.
Ngoài nước mắm, phở, còn có nhiều mặt hàng khác của Việt Nam dễ dàng bị các doanh nghiệp ở nước ngoài “mượn tên” như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, bún bò Huế... Đây là một thực tế đau xót cho các doanh nghiệp, người sản xuất ở trong nước khi nỗ lực hết sức để có những sản phẩm, thương hiệu tốt lại dễ dàng bị các doanh nghiệp ở nước ngoài trắng trợn xâm hại.
Từ ngày 1/8 tới, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), ký kết ngày 30/6/2019, sẽ có hiệu lực. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu sẽ được loại bỏ 71% thuế.
Đây là cơ hội rất lớn cho những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đã được thị trường châu Âu ưa chuộng. Tuy nhiên, thách thức cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính còn đó khi nạn ăn cắp thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài vẫn xảy ra như cơm bữa.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có các giải pháp triệt để, đồng bộ để loại trừ nạn ăn cắp thương hiệu, bản quyền của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Nếu không, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn đường hoàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thua thiệt, thậm chí thất bại khi tham gia thị trường quốc tế.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-thuong-hieu-viet-nam-bi-lay-cap-o-nuoc-ngoai-118897.html