Khi trẻ em lên tiếng

Bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá và chất kích thích đang trở thành những vấn đề nóng bỏng, được xã hội đặc biệt quan tâm do những hậu quả nghiêm trọng mà chúng gây ra đối với tâm lý, sức khỏe và tương lai của học sinh.

Chính vì lẽ đó, hai chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích” là tâm điểm thảo luận trong Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024 vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 306 đại biểu là các đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hai chủ đề nêu trên được lựa chọn từ 6 nhóm vấn đề do trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố gửi về, sau đó được tập hợp, lấy ý kiến trong 2 tháng với 300.000 góp ý. Điều này chứng minh rằng vấn đề an toàn trong trường học đang là mối quan tâm sâu sắc từ chính các em - đối tượng trực tiếp chịu tác động.

Tương tự nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực học đường tại Việt Nam có xu hướng gia tăng đáng báo động trong những năm gần đây. Theo thống kê, từ năm 2021-2023, cả nước đã ghi nhận 699 vụ bạo lực học đường với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh các cấp. Tại Phú Yên, tình trạng bạo lực học đường những năm gần đây cũng có dấu hiệu phức tạp. Nhiều trường hợp học sinh bị đánh hội đồng, rồi quay clip phát tán trên mạng, thậm chí có trường hợp phải nhập viện vì bị thương tích nặng.

Hậu quả của bạo lực học đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất nạn nhân, mà còn gây tổn thương về tâm lý, dễ dẫn đến các chứng rối loạn trầm cảm, lo âu thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác. Đối với những học sinh gây bạo lực, nếu không được can thiệp, uốn nắn kịp thời sẽ có nguy cơ đối mặt những hệ lụy xã hội nghiêm trọng trong tương lai.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của bạo lực học đường bắt nguồn từ nhiều yếu tố như thiếu sự quan tâm của gia đình, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội và các trò chơi bạo lực, trong khi nhà trường chưa chú trọng đến việc giáo dục đạo đức và kỹ năng mềm cho học sinh.

Song song với bạo lực học đường, vấn đề sử dụng thuốc lá và các chất kích thích trong môi trường học đường cũng đang trở thành mối lo đe dọa ngày càng lớn đối với sức khỏe và tâm lý của học sinh. Thuốc lá điện tử tác hại rất khủng khiếp, đặc biệt khi chúng bị pha trộn với ma túy và các chất gây nghiện, đã khiến nhiều trường hợp học sinh phải nhập viện trong tình trạng ảo giác, kích thích quá mức. Chất nicotine trong thuốc lá điện tử là một dạng chất gây nghiện mạnh, khiến giới trẻ sử dụng dễ bị tổn thương, mất kiểm soát hành vi và gặp rủi ro cao.

Điều đáng lo ngại hiện nay là việc quảng cáo và mua bán thuốc lá điện tử, các chất kích thích diễn ra phức tạp và chưa được quản lý chặt chẽ.

Để giải quyết vấn nạn bạo lực, tác hại của thuốc lá và chất kích thích trong học đường, sự phối hợp từ gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và toàn xã hội là yếu tố then chốt. Gia đình giữ vai trò nền tảng trong việc giáo dục lòng nhân ái và rèn luyện cho các em kỹ năng giải quyết xung đột một cách văn minh, tránh để những mâu thuẫn leo thang thành bạo lực. Đồng thời để ngăn chặn sự lôi kéo, dụ dỗ sử dụng thuốc lá và các chất kích thích, gia đình cần đề cao việc giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, giúp trẻ trân trọng sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Nhà trường cần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh thông qua các chương trình giáo dục kỹ năng mềm, các chương trình ngoại khóa, từ đó giảm thiểu khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực, tránh xa những cạm bẫy. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả và đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của bạo lực học đường cũng như tác hại của thuốc lá và chất kích thích.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024 là một sự kiện nói lên điều đó.

THANH HỘI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321209/khi-tre-em-len-tieng.html