Khi triển khai Luật Thủ đô sẽ nâng mức hỗ trợ người dân ảnh hưởng do thiên tai
Chiều 11/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các vị đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện Luật Đất đai
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Sóc Sơn, Mê Linh đã nêu kiến nghị gỡ vướng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi triển khai thực hiện theo Luật Đất đai 2024.
Cử tri Nguyễn Khắc Hài (Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh) cho biết, tại thời điểm trước ngày 01/8/2024, UBND huyện Mê Linh đã thực hiện việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư cho 145 hộ dân có đất thu hồi thuộc dự án (các hộ dân nhận tiền bồi thường và nộp tiền sử dụng đất tái định cư từ 20,1 triệu đồng đến 30,8 triệu đồng/m2).
Hiện nay, huyện Mê Linh còn các hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chưa được bố trí tái định cư. Việc thực hiện theo Luật Đất đai 2024, sử dụng Bảng giá đất để làm cơ sở tính tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư rất thấp dẫn tới khó khăn trong công tác triển khai thực hiện, các hộ dân đã được giao đất trước đây có sự so sánh, có nhiều kiến nghị gây khó khăn trong công tác GPMB dự án.
Cử tri kiến nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền cho phép huyện tiếp tục thực hiện xác định tiền sử dụng đất để giao đất tái định cư cho các hộ dân theo giá đất cụ thể đã thực hiện, đảm bảo thống nhất "một dự án, một chính sách".
Cử tri Vương Văn Xoa, cử tri Vũ Văn Tĩnh (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) nêu việc UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61 ngày 27-9-2024, quy định các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có quy định về các điều kiện chia, tách thửa đất có hiệu lực từ 7/10. Cử tri đặt câu hỏi về việc người dân nộp hồ sơ xin chia tách thửa đất trước ngày 7/10 thì thực hiện theo quy định nào, cử tri cũng kiến nghị thành phố sớm ban hành bộ thủ tục hành chính mới để người dân thuận tiện làm các thủ tục…
Trả lời cử tri, Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết, căn cứ theo quy định Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, Hà Nội đã có Quyết định số 61 nói trên cũng như các quy định về giá đất, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, Sở vẫn triển khai tiếp nhận các thủ tục của người dân cũng như đã có hướng xử lý cho các trường hợp chia tách thửa; chính sách mới nên có một số điểm cần tính toán kỹ để trả lời cụ thể.
Về nội dung Quyết định của UBND Thành phố về các điều kiện để chia tách thửa đất ở, ông Nam thông tin, việc nâng diện tích tách thửa để đảm bảo phát triển đô thị văn minh, điều kiện sống tối thiểu người dân. Giám đốc Sở TN&MT cam kết, trong tháng 10, chậm nhất tháng 11, Sở sẽ tập huấn chuyên sâu toàn thành phố, khẩn trương ban hành bộ thủ tục hành chính phục vụ người dân…
Liên quan các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện Luật Đất đai 2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phân tích thêm việc thực hiện chính sách mới cần có sự chuyển giao, đây là vấn đề phải xử lý tinh tế, nhuần nhuyễn. Chủ tịch UBND TP đề nghị 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn tổng hợp lại ý kiến cử tri, gửi ngay văn bản cho Sở TN&MT trả lời.
Nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
Cử tri Nguyễn Khắc Hãn (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) đề xuất điều chỉnh Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, bởi mức hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định này chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Cử tri Nguyễn Khắc Hãn dẫn chứng, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và nước sông Hồng, sông Cà Lồ dâng cao đã gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cây trồng, thủy sản, vật nuôi trên địa bàn huyện Mê Linh. Huyện đã chỉ đạo sớm khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Trong đó, đã chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại theo Nghị đinh số 02-NĐ/CP. Tuy nhiên, mức hỗ trợ theo Nghị định rất thấp, không đáng kể. Ví dụ, mức hỗ trợ cây lúa chỉ có 2-3 triệu đồng/ha; cây mạ 20-30 triệu đồng/ha; cây ăn quả lâu năm bị mất trắng là 4 triệu đồng/ha...
Để động viên, khuyến khích người dân kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai, Nhân dân đề nghị các đại biểu Quốc hội báo cáo, kiến nghị, đề xuất xem xét nâng cao mức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra phù hợp với tình hình thực tế.
Liên quan cử tri kiến nghị nâng mức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Thành phố đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, trong đó nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hiện dự thảo Nghị định thay thế đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành.
Đối với chính sách hỗ trợ sau bão số 3, Thành phố có chính sách gián tiếp cho vay lãi suất ưu đãi phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính ủy thác; hỗ trợ trực tiếp thông qua vận dụng tối đa các văn bản, đặc biệt là Luật Thủ đô nhằm nâng cao thẩm quyền của thành phố trong hỗ trợ trực tiếp cho người dân.
Liên quan cử tri kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, Thành phố đã vận dụng tối đa các văn bản hiện hành để có mức hỗ trợ người dân ở mức cao nhất. Từ nay đến cuối năm 2024, TP đang đợi việc triển khai Luật Thủ đô để có thể nâng cao mức hỗ trợ thêm cho người dân…
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định, tổ đại biểu sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội để báo cáo với Quốc hội, cũng như đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động TP tặng 30 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mê Linh.