Khi vua 'học' địa lý

Để quản lý đất nước, các bậc quân vương xưa cũng đều phải am hiểu địa lý, thậm chí nhớ từng đặc điểm của các địa phương.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nhiều vị vua Việt đã đi tuần du khắp nước, một số vị khác cũng rất chăm nghiên cứu địa lý.

Trong các triều đại phong kiến, vua đều sai quần thần biên soạn sách địa chí các địa phương trong cả nước, hay vẽ bản đồ để thuận tiện việc quản lý. Về chuyện này, từ thời xưa hiện không để lại tài liệu, còn bản đồ đầu tiên ở nước ta được nhắc đến có lẽ là bộ “Nam Bắc phân giới địa đồ” mà một số sách sử ghi lại là được vẽ dưới thời vua Lý Anh Tông, năm 1172.

Sang thời Lê sơ, Nguyễn Trãi là người soạn bộ “Dư địa chí” cổ nhất còn lại đến ngày nay. Trong phần mở đầu sách, ông ghi rõ: “Nay, thần vâng thánh chỉ, đã nói về bang, sư (tức ghi chép tên nước ta ở các đời và kinh đô), lại xét thổ sản các nơi, để định việc cống phú”.

“Dư địa chí” được vua Lê Nhân Tông sử dụng làm công cụ trị quốc, vì chính sử ghi rằng nhà vua vào Bí thư các, xem các sách vở, thấy bản sách của Nguyễn Trãi còn sót lại, bảo quần thần rằng: “Nguyễn Trãi trung thành, giúp đức Thái Tổ vũ trang dẹp giặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình.

Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng triều ta không ai bằng được. Không may chỉ vì một người đàn bà gây biến, mà người lương thiện bị tội oan, thật đáng thương!”. Sau đó nhà vua bèn đem “Dư địa chí” để trong phòng ngủ làm sách giúp cho việc hành chính.

Bộ bản đồ quy mô nhất của nước ta thời phong kiến hiện còn để lại dấu tích đến ngày nay là bản đồ Hồng Đức, hay còn được gọi là “Hồng Đức địa dư” được ban hành vào đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 21 (1490). Bộ bản đồ này đã thể hiện phạm vi cương giới và hệ thống hành chính của nước Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ 15. Đây là tập bản đồ quốc gia sớm nhất còn lại đến nay trong đó vẽ rõ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thời Nguyễn cũng để lại cho đời sau những tập bản đồ quý, là “Đại Nam nhất thống toàn đồ” ban hành dưới thời vua Minh Mạng, năm 1838, hay các sách địa chí “Đại Nam nhất thống chí”, “Đồng Khánh dư địa chí… Ngay từ năm 1821, ở miền Nam, vua Minh Mạng đã sai Trần Văn Học vẽ bản đồ núi sông, đường sá các trấn của tỉnh Gia Định đến Tây Ninh sát biên giới với Chân Lạp (Campuchia). Cũng năm này, vua Minh Mạng sai Giám thành phó sứ là Đỗ Phước Thịnh đem địa đồ núi sông ở Quảng Đức (Thừa Thiên sau này) tiến lên cho vua xem.

Sử sách ghi lại cho thấy các vị vua Việt cũng rất quan tâm nghiên cứu địa lý đất nước, như khi vua Minh Mạng xem bản đồ các địa phương, xét đến địa thế thành trấn Nghệ An, đã nói rằng: “Khi trước tiên đế từng muốn dựng đô ở đấy”. Nguyễn Văn Nhân tâu rằng: “Đấy không phải là đất đóng đô, nên chọn trọng thần để trấn”. Nhà vua nói: “Phải. Phú Xuân mới là khoảng giữa trong nước, đế vương đóng đô không đâu hơn đấy. Còn các thành trấn chỉ nên làm hành tại để tiện khi đi tuần thăm các địa phương và xem xét phong tục mà thôi”.

“Đại Nam nhất thống toàn đồ” ban hành dưới thời vua Minh Mạng, năm 1838.

“Đại Nam nhất thống toàn đồ” ban hành dưới thời vua Minh Mạng, năm 1838.

Đỗ Phúc Thịnh là viên quan giữ chức Giám thành phó sứ, chịu trách nhiệm giám sát việc đo đạc, vẽ bản đồ khắp cả nước. Vị quan này sau được bổ chức Binh mã phó sứ ty Hộ thành binh mã, trật Chánh tứ phẩm, vẫn làm công việc như cũ.

Sử triều Nguyễn có ghi trong những năm đầu triều vua Minh Mạng, Đỗ Phúc Thịnh chịu trách nhiệm chọn vị trí quy hoạch để dời phủ lỵ của các phủ Đức Thọ, Anh Sơn của tỉnh Hà Tĩnh, “vẽ hình thế núi sông của trấn Nghệ An”, hay đem quân Giám thành đi đo đường bộ đến hai cửa biển Thuận An và Tư Dung (sau đổi là Tư Hiền).

Không chỉ thông thạo bản đồ trong nước, vua Minh Mạng còn thạo cả bản đồ các nước lân cận. Như có lần nhà vua mở địa đồ miền Nam nước ta, trỏ bảo bầy tôi rằng: “Trẫm nghe nước Xiêm La cùng nước Hồng Mao (tức nước Anh) có hiềm khích, chợt có dùng binh thì Hà Tiên là chỗ hai nước xung đột nhau, ta nên tính toán ra sao để phòng việc không ngờ. Huống hồ nước Xiêm với nước ta là láng giềng giao hiếu, nếu có cấp nạn thì có nên cứu hay không? Thực là khó xử”.

Vua Thiệu Trị, trong chuyến Bắc tuần năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), cũng rất chịu khó tìm hiểu về địa lý các địa phương. Khi xa giá qua núi Hồng Lĩnh, vua đã triệu quan tỉnh Hà Tĩnh là Vũ Đức Nhu để hỏi về thắng tích núi ấy. Ông Nhu thưa rằng: “Tục truyền, xưa con gái của Sở Trang vương rất mộ đạo Phật ở xa đến thăm cảnh chùa rồi ở tu và hóa tại đây. Trang vương theo tìm được, mới dựng đài ở phía Bắc chùa này, nay vẫn còn nền cũ, gọi là nền “Trang vương””. Nhà vua nghe vậy, cười nói: “Đó là câu chuyện hài hước của người Tề, nói sự quái lạ, truyền mãi không thể bỏ hết! Hoặc giả có ý nghĩa gì khác cũng chưa biết chừng”.

Nhà vua cũng từng hỏi Thượng thư bộ Hộ Hà Huy Phiên rằng: “Lúc (các chúa Nguyễn) bắt đầu dụng binh, đóng đồn ở lũy Trường Dục thì nay ở chỗ nào?”. Hà Duy Phiên thưa rằng: “Bên sông Cẩm La có tên xã Trường Dục, tức là chỗ đất ấy”.

Tuy nhiên, vua Thiệu Trị không chỉ tin các kiến thức địa lý theo sách vở, mà còn chú trọng vào thực tế khi đi thăm thú các địa phương. Như lúc mới lên ngôi, nhà vua từng hỏi: “Sử nhà Lê mà chép tên xứ Ai Lao, là chỗ nào?”. Tổng tài sử quán Trương Đăng Quế thưa rằng: “Một dải đất ở phía Tây Nam Thanh, Nghệ, gần nước Vạn Tượng đều là Ai Lao”. Nhà vua bình luận: “Sách ‘Đại Nam nhất thống chí’ chép, phần nhiều cũng không đúng thực, như những chỗ Tô Lịch, Kiếm Hồ ở Bắc thành, hôm nọ trẫm coi, chẳng qua chỉ là một chỗ ngòi, đầm nhỏ, sao có thể diễn tập thủy quân, chiến thuyền ở đấy được? Trẫm biết rằng: Chí ấy chép chưa có thể tin được cả!”.

Lê Tiên Long

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khi-vua-hoc-dia-ly-post645372.html