Khía cạnh địa chính trị của xe điện
Xe điện đang nổi lên như một tâm điểm khác trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, không chỉ liên quan đến các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô lâu đời mà còn cả những quốc gia chỉ nhập khẩu xe điện.
Theo trang The Interpreter (Australia), thuế quan từ lâu đã được sử dụng như một công cụ của chiến tranh kinh tế, một phương tiện để làm suy yếu lợi thế xuất khẩu của đối thủ. Tâm điểm của các tranh chấp thương mại toàn cầu gần đây là cam kết của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc áp đặt mức thuế cao đối với xe điện (EV) của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng thuế áp dụng đối với xe điện của Trung Quốc gấp 4 lần
, lên ngưỡng 100%. Theo giới quan sát, hậu quả trực tiếp của biện pháp thuế quan này được cho là rất nhỏ do các thương hiệu Trung Quốc có rất ít thị phần tại Mỹ.
EU cũng đã công bố kế hoạch áp mức thuế bổ sung lên tới 38% đối với xe điện Trung Quốc, một động thái được coi là cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô châu Âu khỏi “sự cạnh tranh không lành mạnh”. Cách tiếp cận của EU nhẹ nhàng hơn so với Mỹ, vì những nhà sản xuất ô tô của EU - vốn có mối quan hệ sâu sắc với thị trường Trung Quốc - lo ngại rằng mức thuế cao có thể gây ra sự trả đũa. Mới đây, EU cũng đã đồng ý đàm phán về kế hoạch thuế quan với Trung Quốc.
Những hành động này phản ánh xu hướng bảo hộ ngày càng tăng trong hợp tác kinh tế. Các nước phương Tây lo ngại xe điện giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường toàn cầu, từ đó làm biến dạng thị trường.
Từ góc độ chính sách công nghiệp, sự phát triển của ngành xe điện của Trung Quốc thực sự đã được hưởng lợi từ hỗ trợ chính sách và trợ cấp tài chính. Một nghiên cứu đối với 153 chính sách công nghiệp của chính phủ trung ương Trung Quốc liên quan đến phát triển xe điện từ năm 2006 đến năm 2023 cho thấy chỉ có 24 chính sách liên quan trực tiếp đến trợ cấp tài chính.
Phần còn lại tập trung vào các tiêu chuẩn công nghiệp, cấp phép sản xuất, mục tiêu phát thải carbon thấp, quy định an toàn, xây dựng cơ sở sạc điện và cơ sở hạ tầng khác cũng như mở rộng thị trường nông thôn.
Các khoản trợ cấp xe điện của Trung Quốc chủ yếu hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới xanh, mang lại lợi ích cho cả các nhà sản xuất ô tô ở trong và ngoài nước.
Các khoản trợ cấp từ phía cầu - thường được chuyển qua các nhà sản xuất ô tô, đại lý hoặc đăng ký - khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện, trong khi các khoản trợ cấp về cơ sở hạ tầng lưới điện và trạm sạc sẽ nâng cao hệ sinh thái xe điện rộng lớn hơn. Các chương trình trợ cấp này tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đối với Trung Quốc, tranh chấp thương mại chắc chắn đặt ra thách thức đáng kể cho tham vọng trở thành "công ty toàn cầu" trong ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, do nhu cầu nội địa về xe điện của Trung Quốc lớn và lợi thế về chi phí chưa từng có nhờ quyền kiểm soát chuỗi cung ứng xe điện - không chỉ bao gồm pin mà còn cả động cơ điện, ổ đĩa và hệ thống điều khiển, cũng như xử lý ngược dòng các kim loại pin quan trọng như nickel, lithium và cobalt – mức thuế bổ sung sẽ không gây ra tác động đáng kể đến sự phát triển xe điện của Trung Quốc.
Mặc dù điều này có thể mang lại sự an toàn ngắn hạn nhưng nó có thể cản trở sự đổi mới, do đó làm trì hoãn những tiến bộ trong lĩnh vực lái xe tự động và tích hợp lưới điện thông minh, đồng thời đẩy thế giới ra xa một hệ sinh thái giao thông sạch hơn, kết nối và hiệu quả hơn.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khia-canh-dia-chinh-tri-cua-xe-dien/338612.html