Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Ninh Thuận đối thoại trực tiếp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (chủ đầu tư) nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thống nhất biện pháp lộ trình xử lý các khoản nợ tồn đọng những năm trước đây.
Trên cơ sở kế hoạch vốn năm 2022, KBNN tỉnh Ninh Thuận và các chủ đầu tư tiến hành trao đổi và nắm bắt tiến độ thực hiện các hợp đồng, công việc của từng dự án, phân tích, đánh giá và thống nhất các biện pháp phối hợp trong công tác giao nhận hồ sơ, chứng từ theo tiến độ thực hiện, từ đó xác định lộ trình giải ngân cho từng hợp đồng, công việc cụ thể, không để bị động hoặc dồn ứ công việc vào thời điểm cuối quý, cuối năm.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Thái Vỹ - Giám đốc KBNN tỉnh Ninh Thuận việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần duy trì an sinh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chính vì vậy, đơn vị nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự thông thoáng, góp phần đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh thất thoát nguồn tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần nghiên cứu các quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Hồ sơ trước khi gửi đến KBNN, khách hàng cần kiểm tra, rà soát thông tin, dữ liệu kê khai trên hồ sơ, chứng từ bảo đảm đầy đủ, chính xác, nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót buộc Kho bạc phải từ chối tiếp nhận, sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện, nhất là trong điều kiện thực hiện giao dịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công KBNN.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, KBNN tỉnh Ninh Thuận thường xuyên trao đổi, thống nhất các biện pháp quản lý, đôn đốc thu hồi tạm ứng, hạn chế các khoản tạm ứng quá hạn mà không xác định được nguyên nhân, phải xử phạt hành chính; góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2022 phấn đấu giảm nợ tạm ứng từ 50% trở lên.
Ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm các quy trình nghiệp vụ trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, KBNN tỉnh Ninh Thuận còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục, giảm bớt các bước thực hiện, rút ngắn thời gian kiểm soát chi qua KBNN; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với KBNN.
Tại buổi đối thoại, các chủ đầu tư cũng phản ánh về số liệu tồn đọng, nhất là các dự án còn nợ tạm ứng tồn đọng đã kéo dài qua nhiều năm, phát sinh những khó khăn vướng mắc như: dự án có yếu tố lịch sử vì thay đổi bàn giao qua nhiều chủ đầu tư do chia tách sáp nhập, dự án bị đình hoãn, có số liệu nhưng thất lạc hồ sơ, những người trực tiếp thực hiện nay đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác, doanh nghiệp giải thể, nhà thầu phá sản… vì vậy chưa xử lý được.
Biện pháp được KBNN tỉnh Ninh Thuận và chủ đầu tư bàn bạc, thống nhất, đó là: Chủ đầu tư báo cáo đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương xử lý từng trường hợp cụ thể; có văn bản đề nghị Kho bạc hỗ trợ tìm kiếm hồ sơ để sao chụp phục vụ công tác thanh quyết toán theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Riêng những khoản nợ tạm ứng cho nhà thầu không có khối lượng hoàn thành, chủ đầu tư cần khẩn trương có văn bản đôn đốc nhà thầu nộp trả; trường hợp chây ỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương phối hợp với Kho bạc để thu hồi khi có phát sinh khoản thanh toán từ chủ đầu tư khác… Khi triển khai các khâu công việc, chủ đầu tư cần xác định thời gian và lộ trình thực hiện để hai bên cùng nắm bắt, chủ động phối hợp thực hiện đạt hiệu quả.
Tại buổi làm việc, ông Lê Thái Vỹ - Giám đốc KBNN tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao vai trò trách nhiệm và công tác phối hợp của chủ đầu tư thời gian qua; đồng thời đề nghị chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng trao đổi thống nhất với Kho bạc cách xử lý, tháo gỡ ngay vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của hai bên.
Trường hợp vượt quá quy định hiện hành, kịp thời báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm, không để vướng mắc tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh công tác nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thanh toán các nguồn vốn theo kế hoạch năm 2022 và các năm trước được phép kéo dài và thu hồi tạm ứng.