Kho báu Huế chuyển đến Pháp bị đem đi nấu chảy năm 1887
Chỉ trong thời gian có 19 ngày, từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 2 tháng 7 năm 1887, kho báu triều đình Huế đã bị nấu chảy.
Chabouillet biết giá trị lịch sử cũng như về nghiên cứu tiền cổ của kho báu triều đình Huế. Ngày 9 tháng 12 năm 1886, Anatole Chabouillet gửi một công văn cho giám đốc Sở Đúc Tiền Paris yêu cầu phải có biện pháp lưu giữ những mẫu nén vàng bạc và tiền thưởng của kho báu [đến từ Huế] dành riêng cho các bộ sưu tập của Văn phòng Huân huy chương thuộc Thư viện Quốc gia, và rằng “sẽ thật đáng tiếc nếu tất cả biến hết vào lò nấu chảy”: “nếu không làm như yêu cầu thì những vật phẩm quý hiếm đó […] sẽ có thể vĩnh viễn mất đi [là thiệt hại] cho nước Pháp cũng như cho khoa học nói chung”. Và bây giờ thì tất cả Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Giáo dục và Nghệ thuật đều nhòm ngó vào cái kho báu.
Bị Bộ chủ quản thúc giục, ngày 16 tháng 12, Jean-Louis Ruau yêu cầu giám đốc phòng thử nghiệm của Sở Đúc tiền Paris và ông Frosté, phụ trách kế toán thu ngân là người có trách nhiệm về việc này, cho làm thử nghiệm xác định tuổi của các nén vàng bạc, nghĩa là xác định chính xác thành phần kim loại và lượng kim loại tinh.
Người ta cho vào lò nấu chảy một mẫu nặng 7,396 kílô vàng từ những “mẫu mảnh khác nhau”. Hai ngày sau, người ta thông báo rõ cho giám đốc phòng thử nghiệm là cần phải lấy những lá vàng lá bạc trên hai mươi nén chọn ra theo ngẫu nhiên để làm thử nghiệm xác định tuổi.
Như thế, đó là lần đầu tiên các nén vàng bạc bị phá hủy, dù chỉ là một phần thôi. Ngày 27, kết quả phân tích được gửi về cho giám đốc của Sở Đúc tiền: bạc có [tuổi] 990,78 °/oo, là kim loại tinh, nhưng vàng thì dao động tùy theo các loại khác nhau, là nén vàng hay tiền thưởng.
Trong suốt tháng 12 năm đó, Gabriel Devéria đến Trụ sở Sở Đúc tiền để thẩm định các nén vàng bạc cũng như các đồng tiền thưởng; ngày 21, ông đã có thể trao cho Jean-Louis Ruau báo cáo về nhận dạng và phân tích, ông đề nghị giữ lại 94 vật phẩm hay nén vàng dành cho các bộ sưu tập quốc gia, như bộ của Viện Bảo tàng Tiền cổ của Sở Đúc Tiền và bộ của Văn Phòng Huân Huy chương.
Ông đánh giá thực tế các mẫu vật này “là vật phẩm thực sự được tạo tác, trau chuốt, có cân nặng đồng đều, có ghi giá trị và niên hiệu triều đại vào thời điểm được chế tác. Những nén vàng bạc như vậy, nói tóm lại, thực sự có giá trị “thực tế ngoại tại” (extrinsèque sic [không chỉ thuần túy giá trị vật chất của kim loại])”.
Ngày 12 tháng giêng năm 1887, vững tin với ý kiến của nhà nghiên cứu Trung Hoa học [Gabriel Devéria], giám đốc Sở Đúc tiền gửi cho vị tân Bộ trưởng của Bộ Tài chính, ông Albert Dauphin, một công văn có tựa là “Báo cáo về giá trị nội tại của các nén vàng bạc và mẫu vật thuộc Kho báu của [triều đình] Huế”, trong báo cáo ông ghi số tiền giá trị là 3.934.892,54 quan Pháp về phần vàng, và 2.493.051,18 quan Pháp về phần bạc.
Nhưng Jean-Louis Ruau còn cẩn thận nói thêm: “ngoài ước tính về giá trị nội tại của những vật phẩm, Sở Đúc tiền còn đã xem xét những vật phẩm nào, do tính cách quý hiếm của chúng, có thể còn có một giá trị về nghiên cứu tiền cổ và xứng đáng được lưu trữ". […]
Nhưng sự thể đã không tính đến sự ngu ngốc [bêtise sic] của một vị nguyên là thị trưởng thành phố Amiens và là chủ tịch hội đồng tỉnh Somme, nay theo những tình cờ ngẫu nhiên phe phái chính trị nào đó đã trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong chính phủ của ông Goblet. Đó là Bộ trưởng Albert Dauphin, ông chẳng hiểu gì về chuyện lịch sử nghệ thuật hay tiền cổ, điều quan trọng đối với ông này: trước mắt thu ngay vào ngân sách được bao nhiêu từ 15 tấn bạc và một tấn vàng như vậy đang trong tay.
Một tháng sau khi nhận được “Báo cáo về giá trị nội tại của các nén vàng bạc và vật phẩm của Kho báu [triều đình] Huế”, ông Bộ trưởng gửi một công văn có tính răn đe cho ông giám đốc Sở Đúc tiền: “Tôi đề nghị ông cho để vào dự trữ những loại mà ông đã lựa chọn, theo đó lập một danh mục chi tiết, và rồi cho tiến hành ngay việc nấu chảy chiết lọc những phần còn lại bằng vàng và bạc ông đang nắm giữ.
Đồng ý với [quan điểm của] đồng nghiệp của tôi ở Bộ Ngoại giao, tôi nghĩ là, hiện nay, không có chuyện thử đem đấu giá công chúng những thứ kim loại đang trong tình trạng như thế của chúng”.
Vâng theo lệnh của bộ chủ quản, giám đốc Sở Đúc tiền giao cho trưởng chuyên gia bản khắc cùng người kế toán thu ngân nhiệm vụ thiết lập một danh sách chính xác và thật đầy đủ các nén vàng bạc và tiền thưởng, sẽ cấu thành danh mục chi tiết về kho báu của Huế “tạm thời được bảo tồn”.
Chính với sự hỗ trợ của Gabriel Devéria mà danh mục này được lập ra và trình cho giám đốc vào ngày 8 tháng 4 năm 1887. Việc phải làm đó là nhận dạng mỗi loại và xác định số lượng mẫu vật phẩm theo mỗi loại, tiếp đó chọn ra một hoặc hai bản mẫu mỗi loại sẽ dành cho các bộ sưu tập quốc gia.
Cùng thời gian đó, đã có thông báo đấu thầu việc [nấu chảy] chiết lọc các nén vàng bạc: sẽ nấu chảy và tách riêng ra các loại kim loại. Việc nấu lọc bạc được giao qua đấu thầu cho một công ty có tiếng tăm, công ty Comptoir Lyon - Alemand, còn Sở Đúc tiền sẽ phụ trách việc nấu lọc vàng.
Chỉ trong thời gian có 19 ngày, từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 2 tháng 7 năm 1887, kho báu triều đình Huế đã bị nấu chảy. Ngày 11 tháng 7, Maurice Rouvier, tân Bộ trưởng Tài chính, đồng thời cũng là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, yêu cầu ông giám đốc Sở Đúc tiền cung cấp cho ông các kết quả nấu lọc [kho báu], “để ông có thể thông tin cho Bộ Ngoại giao vì Bộ này từ lâu đã nhấn mạnh về việc ấn định chính xác lượng vàng và bạc mà Ngân Khố sẽ dứt khoát phụ trách nhằm phục vụ cho công cuộc bảo hộ tại An Nam và Bắc Kỳ”.
Năm ngày sau, ban giám đốc của Trụ sở Sở Đúc tiền [Hôtel des Monnaies sic] gửi cho Bộ trưởng Tài chính hai báo cáo về nấu lọc và các khối lượng vàng và bạc thu được. Ngày 8 tháng 10 năm 1887, giám đốc Sở Đúc tiền nhận một văn thư của Bộ Tài chính, có ghi tham chiếu “Biến đổi thành đồng 20 quan Pháp và đồng piastres [dùng trong] thương mại của Pháp, từ những nén vàng bạc xuất xứ từ kho báu [triều đình] Huế”.
Bộ trưởng [Tài chính] như thế đã cho chỉ thị về việc sử dụng các khối kim loại từ kho báu [triều đình] Huế: “Tôi yêu cầu ông có các biện pháp để tiến hành đúc thành các đồng 20 quan Pháp, và thành các đồng piastres thương mại có hình ảnh biểu tượng của nước Pháp, từ những khối kim loại mà ông chịu trách nhiệm quản lý: về vàng, tổng trọng lượng chính xác là 1.098,657950 kí lô; về bạc, tổng trọng lượng chính xác là 14.686,764361 kí lô. […]
Như thế, các nén vàng bạc với tiền thưởng của Huế đã được đúc thành các đồng tiền của Pháp theo hai dạng: những đồng tiền vàng loại 20 quan (đồng Napoléon) dạng “Génie”, cân nặng 6,45 g, tuổi [hay độ tinh khiết] là 900°/oo; và các đồng piastres thương mại dạng “Đông Dương thuộc Pháp” (“Indochine française” sic), cân nặng 27,215 g, tuổi là 900°/oo, được đúc từ năm 1885.