Khó chịu vì thấy mẹ trồng bắp cải quanh nhà, nhưng rồi tôi bật khóc khi biết lý do

Nhìn mớ bắp cải xanh tươi của mẹ, tôi chợt nhận ra mình vô tâm ích kỷ như thế nào.

Đã 6 năm trôi qua kể từ khi bố tôi qua đời. Ông mất đột ngột sau một trận cảm lạnh, khiến mẹ tôi suy sụp suốt thời gian dài.

Sau khi bố mất thì tôi trở thành trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Quen được bố chiều chuộng từ nhỏ nên chị em tôi gần như không phải lo cơm ăn áo mặc. Một mình bố quản lý xưởng thủ công mỹ nghệ nuôi gia đình, tôi và em trai thì được bố động viên theo đuổi những thứ mình thích. Thế là tôi chọn học thiết kế thời trang còn cậu em thì học ngoại ngữ.

Lúc bố mất, tôi đang làm trợ lý cho một nhà thiết kế nổi tiếng. Sau khi lo hậu sự cho bố xong xuôi thì mẹ bảo tôi tiếp quản cửa hàng của bố. Tuy nó không quá to nhưng cũng là nơi buôn bán lâu năm, nhiều mối khách quen và thu nhập chính của gia đình tôi đều dựa vào nó. Một đứa con gái thiếu kinh nghiệm làm ăn như tôi dĩ nhiên cảm thấy sợ hãi, hơn nữa tôi chẳng có kiến thức gì về đồ thủ công mỹ nghệ hay điều hành kinh doanh.

Tôi liền đùn đẩy vị trí chủ cửa hàng cho chú ruột. Chú ấy cũng làm cùng nghề với bố tôi nhưng cửa hàng của chú nhỏ hơn chút. Tôi viện đủ lý do để né tránh quyền “thừa kế”, song mẹ cương quyết muốn tôi đảm nhận công việc bố từng làm suốt hơn 20 năm.

Mẹ bảo người chú ruột kia rất tham vọng, do tôi ít gặp nên không biết những chuyện chú đã làm với bố. Chú ấy từng giở thủ đoạn với đơn hàng xuất khẩu khá lớn của bố tôi khiến bố suýt phá sản. Việc chú bán hàng giống bố cũng là bắt chước, do chú chẳng có tài gì nên bắt ông bà nội dốc hết vốn liếng mở tiệm cho chú. Nhờ bố tôi giúp đỡ nên chú mới có khách, song chú hay tỏ ra ghen tị nên dần dần bố mẹ tôi không qua lại nữa. Dù ruột thịt trong nhà với nhau nhưng đụng đến lợi ích tiền bạc thì chú ấy mờ mắt cũng không phải chuyện khó hiểu.

Nghe mẹ giải thích xong, tôi mới thấy mình ngờ nghệch. Bao năm tôi tưởng chú là người tốt, vậy mà sau lưng chú làm cả đống chuyện xấu để cướp lấy cửa hàng của bố tôi. Bảo sao trong đám tang bố tôi chú ấy khóc to thế. Nhưng tro cốt bố tôi chưa nguội chú đã đến nhà đe dọa mẹ tôi bắt sang tên cửa hàng.

Vậy là tôi miễn cưỡng đứng ra thay bố tiếp tục duy trì việc kinh doanh. Không thể để tâm huyết cả đời của bố rơi vào tay người khác. Có một anh trợ lý theo bố tôi đã nhiều năm, mẹ bảo anh ấy rất chăm chỉ và đáng tin cậy. Suốt nửa tháng đầu mày mò tìm hiểu tình trạng cửa hàng, anh ấy đã giúp tôi học hỏi nhiều thứ và ổn định lại quy trình buôn bán.

Tôi phát hiện ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ xưởng của bố có nhiều mẫu đã cũ, không phù hợp với gu trang trí hiện đại. Trong khi đó khách tìm đến đặt hàng mỗi ngày rất đông. Tôi có 2 nhân viên trực điện thoại với tin nhắn mà trả lời không kịp. Thế là tôi bàn với anh trợ lý làm một cuộc “cải cách” hình ảnh, thay mới toàn bộ mẫu sản phẩm và làm thêm một trang web nữa.

Tôi chuyển hướng khách hàng sang các mô hình homestay, khách sạn, căn hộ cao cấp. Nhờ vài người bạn mà tôi kiếm được mối hàng mới ở nước ngoài, chuyên cung cấp các đồ dùng trang trí nhà cửa độc lạ rất đẹp. Em trai giúp tôi phiên dịch tài liệu, gặp gỡ và trả lời email khách nước ngoài.

Ban đầu cũng có nhiều khó khăn, tôi bị ngộp trước khối lượng công việc phải xử lý và không quen với cách thức kinh doanh ngành của bố. Lắm đêm làm đến 3h chưa xong, tôi bật khóc hối hận khi nghĩ bao năm qua bố đã phải chịu đựng áp lực thế nào. Vậy mà tôi chẳng hay biết gì, cứ vô tư ăn ngủ và sống như một cô tiểu thư đỏng đảnh.

Chừng 3 tháng thì mọi thứ vào guồng ổn định. Tôi thiếu ngủ nên bơ phờ gầy rộc đi. Cậu em cũng suýt bị bạn gái chia tay vì dành thời gian giúp tôi lo việc. Từ lúc bố mất nó chững chạc hơn hẳn, trầm tĩnh ít nói hơn và ưu tiên tất cả cho gia đình. Nó muốn sau này làm trụ cột thay bố, không muốn mẹ và chị phải vất vả.

Rồi thời gian trôi đi, tôi mở được thêm 2 cửa hàng khác ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Khách ngày một nhiều hơn, chị em tôi bận tối mắt tối mũi. Buổi sáng uống cafe chốt hợp đồng với khách ở Hà Nội, buổi chiều đã ở Sài Gòn kiểm tra lô hàng mới với tôi đã là lịch quá bình thường. Thậm chí kiệt sức sốt cao nằm viện tôi vẫn cố bò dậy check email của khách, họp định kỳ với quản lý các chi nhánh và duyệt lương, ký tá giấy tờ các kiểu cho nhân viên.

Mẹ tôi thấy 2 đứa con bận rộn như thế cũng buồn. Cả ngày bà chỉ ở nhà với giúp việc, sức khỏe ngày một yếu nên chẳng có nhu cầu đi đâu. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới có mặt ở nhà ăn cơm cùng mẹ, lần nào bà cũng giục chúng tôi nghỉ ngơi, kiếm người thành gia lập thất.

Mẹ nhắc nhiều quá làm tôi thấy phiền. Có lần đi ăn tiệc gặp người quen, mẹ tôi than thở chuyện tôi độc thân liên tục nên tôi đã cáu gắt với mẹ. Tôi nói ban đầu chính mẹ muốn tôi tiếp quản việc kinh doanh của bố, mà giờ tôi bận không có thời gian hẹn hò thì mẹ cũng không hài lòng. Tôi không thể đáp ứng cả 2 việc đó cùng lúc được nên tôi yêu cầu mẹ ngừng nói đến chuyện hôn nhân.

Mẹ tôi buồn và im lặng suốt mấy ngày sau khi tranh cãi với tôi. Bà tìm được thú vui mới là trồng rau với hoa. Ngày nào đi làm sớm tôi cũng thấy bà cặm cụi đào xới mảnh vườn nhỏ trước sân. Em trai cũng thương mẹ lắm nhưng ngoài việc an ủi mẹ ra nó cũng chẳng khá hơn tôi.

Bẵng đi một thời gian, tôi lại xích mích với mẹ vì chuyện cây cối. Bà mang về thêm cả mớ chậu, rải khắp cả bậc thang và cửa nhà để trồng bắp cải. Mà bắp cải nó to, quay đi quay lại đã thấy nó mọc chật cả lối đi rồi. Tôi bảo mẹ cắt hết đi cho hàng xóm hoặc gửi ra chợ bán, nhưng mẹ nhất quyết bảo để dành cho tôi ăn. Bữa nào mẹ cũng nghĩ ra "nghìn lẻ một" món từ bắp cải. Hết luộc lại xào, cuộn với thịt, hấp, nấu canh… xong bắt tôi ăn. Tôi toàn vội đi nên chẳng thể ngồi ăn được một bữa cơm tử tế. Vậy là 2 mẹ con cãi nhau.

Hôm qua tôi về muộn nhưng cô giúp việc vẫn thức đợi. Cô bảo có chuyện quan trọng cần nói. Tưởng cô muốn xin nghỉ nên tôi bảo tháng sau sẽ tăng lương, song cô lại lắc đầu nói chuyện khác. Cô khuyên tôi nên xin lỗi mẹ và quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Gần đây bà đi khám phát hiện vài cục u, bác sĩ chẩn đoán u lành nhưng có khả năng vẫn phải phẫu thuật để lấy ra. Mẹ bắt cô giúp việc không được nói với chị em tôi vì sợ các con lo lắng.

Cô bảo mẹ tôi còn bị gai khớp gối, thường xuyên đau chân và khó vận động. Bác sĩ bảo mẹ không nên ngồi nhiều, vậy mà bà vẫn cố chăm chỉ làm vườn để trồng bắp cải cho tôi ăn. Tôi nhíu mày không hiểu mớ bắp cải ấy có gì mà mẹ chấp niệm đến thế. Cô giúp việc bỗng giải thích lý do khiến tôi chết lặng: “Mẹ cháu đọc trên mạng thấy có bài báo nào đó viết là bắp cải tốt cho sức khỏe, nhất là người thường xuyên căng thẳng như cháu nên bà ấy chịu đau chân để trồng cho cháu ăn mỗi ngày đấy”.

Tôi khóc đứng khóc ngồi đến tận 3 giờ sáng, nghĩ xem mình đã trở thành một đứa con như thế nào. Mỗi bữa cơm nóng hổi mẹ chuẩn bị sẵn luôn bị tôi bỏ qua. Tôi thà dành thời gian ngồi ăn với mẹ để đi chốt mẫu thảm lót sàn cho khách. Tôi nhăn mặt khó chịu khi vấp vào luống bắp cải của mẹ, chán nản khi nghĩ đến thực đơn toàn cải do mẹ làm.

Mẹ vẫn thương con gái một cách âm thầm, còn tôi thì vô tình làm tổn thương mẹ. Tôi đúng là một đứa tệ bạc…

Tiểu Ngạn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/kho-chiu-khi-thay-me-trong-bap-cai-quanh-nha-nhung-roi-toi-bat-khoc-khi-biet-ly-do-20240304184124071.htm