Khó chịu với viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý thường hay gặp nhất. Người bệnh sụt sịt, nhảy mũi, hắt hơi và luôn có cảm giác khó chịu...

Minh họa: ITN

Minh họa: ITN

Biểu hiện tương tự cảm lạnh

Mũi được xem như là “cửa vào” của hệ hô hấp. Nó có cấu tạo rỗng để đảm nhận vai trò dẫn và lưu thông không khí. Đây cũng là chốt tiền tiêu đối mặt với các tác nhân gây bệnh như bụi bặm, hóa chất bay hơi, vi khuẩn, virus, nấm mốc…

Viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis) còn có tên gọi khác là dị ứng phấn hoa. Bệnh có các biểu hiện tương tự như cảm lạnh: Sốt, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi nước, ngứa mắt... Tuy có các biểu hiện bệnh giống nhau, nhưng nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh và viêm mũi dị ứng hoàn toàn khác nhau.

Nếu bệnh cảm lạnh có nguyên nhân từ virus, thì viêm mũi dị ứng lại có nguyên nhân từ sự phản ứng của mũi với bất cứ tác nhân nào mà mũi không “ưa thích”. Tác nhân không được ưa thích đó gọi là “dị nguyên” gồm: Phấn hoa, lông chó mèo, lông con vật nuôi, thú cưng hoặc nấm mốc, bụi bặm, các loại hóa chất dùng trong đời sống và công nghiệp…

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên vẫn tập trung nhiều ở người trưởng thành - khi hệ thống miễn dịch và phòng vệ của cơ thể đã được phát triển đầy đủ. Bệnh có liên quan yếu tố di truyền về tiền sử dị ứng của gia đình.

Những người mắc bệnh hen và chàm (eczema) có tỉ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao. Có nhiều yếu tố tác động từ môi trường làm khởi phát bệnh hoặc làm xấu hơn các biểu hiện ở người bệnh. Các yếu tố tác động mang tính nguy cơ đó bao gồm: Khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất, nhiệt độ lạnh, gió và độ ẩm.

Khi dị nguyên xâm nhập vào mũi, hàng rào bảo vệ ở cấp độ tế bào của mũi phản ứng ngay lập tức. Những biểu hiện của bệnh chính là hậu quả của sự giải phóng các chất hóa học trung gian của đội quân tế bào có mặt ở niêm mạc mũi và vòm họng.

 Minh họa: ITN

Minh họa: ITN

Cá thể hóa khi điều trị

Bệnh viêm mũi dị ứng chia thành hai thể bệnh là viêm mũi dị ứng có chu kỳ và viêm mũi dị ứng không có chu kỳ. Mỗi thể bệnh có vài điểm khác biệt nhau.

- Viêm mũi dị ứng có chu kỳ: Xảy ra đột ngột theo đặc điểm thời tiết vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng. Các dấu hiệu “rung chuông” cảnh báo như cay mũi, hắt hơi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, cảm giác mệt mỏi, uể oải.

Rồi nước mũi từ đâu tuôn ra đầm đìa. Nước mũi thường trong. Một số bệnh nhân còn có thêm cảm giác nhức đầu, bỏng rát vòm họng và kết mạc mắt, sợ ánh sáng, nên thích nằm ngồi ở những vị trí tối hơn.

Cơn dị ứng xuất hiện vài lần trong ngày và thường có khuynh hướng dịu êm vào buổi tối. Bệnh tự “lui quân” sau vài ngày đến một tuần xuất hiện. Tuy nhiên, hằng năm cứ đến chu kỳ bệnh lại tái diễn… Do bệnh lý trường diễn nhiều năm nên niêm mạc mũi có thể bị tổn thương thoái hóa, phù nề, xương mũi phình to và xuất hiện polyp chèn ép, gây cảm giác nghẹt mũi thường xuyên.

- Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ: Là thể bệnh thường gặp nhất. Sáng sớm ngủ dậy thấy chảy nước mũi nhiều và giảm dần trong ngày. Tái phát khi gặp thời tiết và những cơn gió lạnh hoặc khi tiếp xúc với bụi bặm.

Nước mũi trong ở giai đoạn khởi phát. Về sau nếu bội nhiễm, nước mũi đặc lại thành mủ. Nước mũi chảy từng đợt, hắt hơi thành tràng dài, luôn khạc nhổ do dịch xuất tiết ứ đọng trong vòm họng. Một số trường hợp bệnh nặng thì gần như hắt hơi liên tục, gây bất an, khó chịu và mỏi mệt.

Biểu hiện nghẹt mũi thay đổi theo thời gian, theo mùa và theo thời tiết. Vì nghẹt mũi kéo dài nên người bệnh phải há miệng để thở, gây ra khô môi, khô miệng và dễ bị viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi.

Lâu ngày, bệnh làm cho lớp niêm mạc mũi bị tổn thương, thoái hóa và có thể biến thành các polyp mũi gây chèn ép xung quanh, cản trở đường lưu thông khí ở cửa vào của hệ hô hấp.

Việc điều trị được cá thể hóa theo từng bệnh nhân, nhưng nguyên tắc chung là dùng kháng sinh khi bội nhiễm, thuốc chống dị ứng (kháng histamin) và chống sung huyết.

Các loại dung dịch làm sạch mũi, thuốc nhỏ mũi, nhỏ mắt và cả nước súc họng cũng được kê đơn sử dụng cho người bệnh. Phẫu thuật nội soi khi có polyp mũi. Một số bệnh viện chuyên khoa áp dụng liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) cho người bệnh khi các nỗ lực điều trị khác bị thất bại.

Cách phòng bệnh: Tốt nhất, cần tránh tác nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ, nhưng điều này không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người. Lưu ý tránh các loại thức ăn có khả năng gây dị ứng cao như nhộng tằm, nhộng ong, các loại “đặc sản” chế biến từ côn trùng, cá ngừ, tôm, cua ghẹ. Thường xuyên có ý thức rèn luyện thân thể và giữ ấm khi trời lạnh.

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kho-chiu-voi-viem-mui-di-ung-post693301.html