Khó đoán định
Israel vừa tổ chức cuộc tổng tuyển cử lần ba trong chưa đầy một năm, với hy vọng thế bế tắc chính trị được giải tỏa. Tuy nhiên, tương tự 'vết xe đổ' của hai cuộc bỏ phiếu trước, kết quả bầu cử lần này cũng không đem về đa số ghế tối thiểu tại Quốc hội cho bất kỳ đảng hay khối chính trị nào. Tiến trình đàm phán thành lập Chính phủ mới vì thế cũng rất khó đoán định.
Kết quả được Ủy ban bầu cử trung ương Israel thông báo cho thấy, đảng Likud của Thủ tướng B.Netanyahu dẫn đầu, giành 36 ghế Quốc hội khóa mới; đảng Xanh - Trắng của cựu Tư lệnh quân đội B.Gantz, đối thủ chính trị của ông B.Netanyahu, được 33 ghế. Ðảng Joint-List của người Israel gốc A-rập có 15 ghế, trở thành đảng lớn thứ ba trong Quốc hội. Khối cánh hữu - tôn giáo ủng hộ ông B.Netanyahu được tổng cộng 58 ghế, thiếu ba ghế mới hội đủ đa số tối thiểu 61 trong số 120 ghế để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới.
Việc đảng Likud giành nhiều ghế nhất tại Quốc hội không đồng nghĩa Thủ tướng Netanyahu có thể dễ dàng thành lập được chính phủ mới, trong khi khối chính trị ủng hộ ông cũng không có đủ 61 ghế. Thực tế, trong lịch sử Israel, chưa từng có đảng duy nhất nào có đủ số ghế cần thiết để thành lập chính phủ đa số, thay vào đó là chính phủ liên hiệp. Lộ trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền sắp tới tại Israel cũng sẽ gập ghềnh không kém hai lần bầu cử gần đây nhất.
Sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử lần ba được công bố, Thủ tướng Netanyahu đang cố thuyết phục một số nghị sĩ thuộc phe đối lập tham gia liên minh cánh hữu để thành lập chính phủ mới. Theo luật của Israel, tại Quốc hội, nghị sĩ nào từ bỏ đảng của mình để tham gia đảng khác hoặc hoạt động độc lập sẽ phải chịu phạt. Án phạt sẽ hạn chế khả năng nghị sĩ đó hoạt động chính trị. Tuy nhiên, luật pháp Israel cũng cho phép tới một phần ba số thành viên của đảng có ít nhất sáu ghế trong Quốc hội được rời đảng và hoạt động độc lập mà không bị trừng phạt. Ðây là quy định giúp ông Netanyahu có thể "lách luật" để có được sự ủng hộ các nghị sĩ đảng khác. Nếu Thủ tướng Netanyahu thuyết phục được ba nghị sĩ từ các đảng khác tham gia liên minh cánh hữu, thì thế bế tắc chính trường Israel hiện nay sẽ được phá vỡ.
Ðảng Likud đã có được sự cải thiện trong cuộc bầu cử lần này, song Thủ tướng Netanyahu vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Phiên tòa xét xử ông Nê-ta-ni-a-hu, dự kiến ngày 17-3 tới, đặt ra viễn cảnh không chắc chắn về mặt pháp lý, khi người đứng đầu chính phủ vẫn có khả năng bị buộc tội. Là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Israel, song ông Netanyahu bị cáo buộc nhận hối lộ, tham nhũng và vi phạm lòng tin.
Trong khi đó, phản ứng trước kết quả cuộc tổng tuyển cử ở Israel, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) S.Erekat chỉ trích cuộc bầu cử, coi đó là "sự dàn xếp, thôn tính và phân biệt chủng tộc". Kết quả bầu cử ở Israel cũng được cho là phản ánh sự lựa chọn giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Việc khối cánh hữu của ông Netanyahu giành số phiếu cao báo hiệu một thời kỳ tiếp diễn chiếm đóng và xung đột với Palestine. Ngay trước thềm bầu cử, Thủ tướng Netanyahu đã công bố kế hoạch xây dựng thêm hàng nghìn nhà mới cho người định cư Do thái ở khu vực Ðông Jerusalem, vùng đất mà Palestine lấy làm thủ đô của Nhà nước trong tương lai. Ðộng thái của ông Netanyahu vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.
Bất đồng sâu sắc giữa các đảng phái ở Israel đã khiến việc đàm phán thành lập chính phủ mới kéo dài suốt một năm qua mà chưa đạt kết quả. Thế bế tắc sau hai lần bầu cử trước khiến dư luận hoài nghi về khả năng "xuôi chèo mát mái" trong tiến trình đàm phán thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử lần ba này. Tương lai Israel thật khó đoán định.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43523902-kho-doan-dinh.html