Khó khăn của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTB&XH-BGD&ĐT-BNV giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề, kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp được sáp nhập thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), do UBND cấp huyện quản lý. Việc sáp nhập được xem là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tinh gọn bộ máy quản lý... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sau sáp nhập, các trung tâm GDNN-GDTX còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, cần được tháo gỡ.

Học sinh học tập tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Triệu Sơn.

Nhiều năm qua Trung tâm GDNN-GDTX huyện Triệu Sơn luôn là đơn vị dẫn đầu các trung tâm GDNN-GDTX toàn tỉnh với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn đạt từ 98% trở lên. 7 năm liên tục gần đây kết quả thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh của trung tâm luôn xếp thứ nhất, nhì toàn tỉnh, trong đó có 5 lần xếp thứ nhất toàn tỉnh; nhiều em thi đậu hoặc được tuyển thẳng vào các trường đại học uy tín trong nước. Đặc biệt, năm học 2021-2022, trung tâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen... Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, trung tâm cũng gặp không ít khó khăn.

Giám đốc Trung tâm Lê Hữu Hải chia sẻ: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trung tâm hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thêm vào đó, việc thiếu giáo viên gây ra nhiều khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ chuyên môn, buộc trung tâm phải hợp đồng tiết dạy với giáo viên ngoài nhà trường...

Còn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương, dù được cấp phép đào tạo 5 mã nghề, nhưng từ năm 2017 đến nay, trung tâm mới chỉ mở được 36 lớp sơ cấp nghề, trong đó có một số mã nghề những năm gần đây không mở được lớp nào. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị sau sáp nhập ít được đầu tư, thiếu đồng bộ, lỗi thời, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dạy học và đào tạo nghề.

Thực tế cũng cho thấy, sau sáp nhập nhiều trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện mới chỉ thực hiện được chức năng GDTX, việc đào tạo nghề còn kém hiệu quả. Nguyên nhân là cơ sở vật chất của các trung tâm chưa đảm bảo đủ điều kiện để đào tạo nghề. Nhiều trung tâm không có xưởng, trang thiết bị thực hành, không có phòng học nghề, thiếu giáo viên dạy nghề, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, thiếu giáo viên dạy các nghề mới, giáo viên giỏi chuyên môn kỹ thuật và có kỹ năng nghề cao, việc đào tạo nghề cho học sinh hầu hết thực hiện ở đơn vị liên kết...

Một giờ học tại Trung tâm GDTX, Kỹ thuật tổng hợp tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện thiếu giáo viên nghề và trang thiết bị nghề thì Trung tâm GDTX - Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hóa lại thừa giáo viên dạy nghề và rất khó để sắp xếp vị trí việc làm cho phù hợp sau sáp nhập.

Giám đốc Trung tâm GDTX - Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hóa Trịnh Văn Anh cho biết: Trung tâm được sáp nhập từ Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp Thanh Hóa. Sau sáp nhập, trung tâm không có chức năng GDNN mà chỉ có chức năng GDTX. Do đó, việc bố trí việc làm cho giáo viên nghề ở Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp Thanh Hóa (cũ) sang trung tâm mới rất khó và không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ.

Để nâng cao chất lượng GDNN, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh cần được hiện đại hóa cơ sở vật chất, nguồn nhân lực GDNN cần đạt chuẩn kỹ năng nghề; tập trung đổi mới chương trình, phương thức đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn kết GDNN với doanh nghiệp... Để làm được điều này, các trung tâm rất cần sự chung tay tháo gỡ những khó khăn nội tại, đồng thời có thêm cơ chế để phát huy tối đa hiệu quả các chức năng GDTX, hướng nghiệp và dạy nghề.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/kho-khan-cua-cac-trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep-giao-duc-thuong-xuyen/207159.htm