Khó khăn trong chuyển đổi mô hình quản lí chợ

Cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện chuyển đổi mô hình quản lí và kinh doanh, khai thác chợ giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

 Đa số tiểu thương ở chợ Cầu không đồng tình với kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lí chợ

Đa số tiểu thương ở chợ Cầu không đồng tình với kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lí chợ

Từ khó khăn ở chợ Cầu

Được sự cho phép của UBND tỉnh, qua khảo sát Công ty Cổ phần BC Smart nhận thấy chợ Cầu, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh có quy mô và tiềm năng phát triển, huyện cũng đang tập trung thu hút đầu tư. Vì vậy, công ty đã phối hợp với huyện lập quy hoạch và phương án chuyển đổi mô hình quản lí, kinh doanh, khai thác chợ Cầu; tổ chức 2 cuộc họp lấy ý kiến tham vấn của các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Cầu. Song nhiều ý kiến của tiểu thương phản đối mô hình đầu tư chuyển đổi này và nguyện vọng là muốn giữ nguyên mô hình quản lí cũ. Bà Bùi Thị Mai, tiểu thương ở chợ Cầu cho biết: “Nguyện vọng của tôi cũng như chị em kinh doanh ở chợ Cầu là muốn giữ nguyên mô hình quản lí chợ như cũ, nếu chợ có hư hỏng thì đề nghị sửa chữa để sử dụng. Lí do tôi không muốn chuyển đổi chợ theo mô hình quản lí mới vì hàng hóa chúng tôi buôn bán đã ổn định, không muốn có sự xáo trộn”.

Cũng như bà Mai, bà Nguyễn Thị Hồng Diệp, tiểu thương ở chợ Cầu không muốn chuyển đổi chợ theo mô hình quản lí mới. Bà Diệp nói: “Tôi không đồng tình với việc chuyển đổi mô hình quản lí chợ. Đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên việc xây dựng mô hình quản lí chợ hiện đại như có nhà để xe, quán cà phê, nhà tập gym, siêu thị… không phù hợp với chúng tôi. Trường hợp giải tỏa chợ làm lại từ đầu thì quá lãng phí tài sản của nhà nước. Tôi đề nghị cấp trên chỉ đầu tư làm lại sân chợ Cầu cho đỡ bụi, sạch đẹp hơn, làm lại hệ thống thoát nước ở hàng rau, hàng cá để hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Trước tình hình nói trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Gio Linh đã chỉ đạo UBMTTQVN, các đoàn thể huyện chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân thị trấn Gio Linh, nhất là tiểu thương ở chợ Cầu, kịp thời phản ánh, phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân. Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: “UBND huyện tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và nhà đầu tư xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lí chợ. Quá trình họp lấy ý kiến tiểu thương tại chợ, huyện đã phân tích rõ ngân sách của địa phương đầu tư xây dựng mới chợ không đảm bảo; những lợi ích từ mô hình quản lí chợ mới như đem lại cơ sở hạ tầng khang trang, mô hình quản lí hiện đại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tiểu thương ở chợ Cầu chưa đồng tình với việc cho phép doanh nghiệp đầu tư xây dựng lại chợ. Vì thế, để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư cũng như các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Cầu, phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND huyện đã đề nghị và được UBND tỉnh cho phép lùi thời gian thực hiện mô hình chuyển đổi mô hình quản lí chợ. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động tiểu thương và nhân dân, tạo sự đồng thuận với phương án chuyển đổi mô hình quản lí, kinh doanh, khai thác chợ Cầu”.

Đến khó khăn chung

Không chỉ ở chợ Cầu, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng gặp khó khăn trong chuyển đổi mô hình quản lí chợ. Bà Hoàng Thị Diệu Hương, Phó Trưởng Ban quản lí chợ thị xã Quảng Trị cho biết: “Thực hiện kế hoạch của UBND thị xã Quảng Trị về chuyển đổi mô hình quản lí và kinh doanh, khai thác chợ giai đoạn 2018 - 2020, với vai trò là ban quản lí chợ chúng tôi nghiên cứu nhiều mô hình để lựa chọn áp dụng phù hợp cho chợ thị xã. Hiện nay các lô quầy ở chợ được bố trí vĩnh viễn cho các hộ kinh doanh, bên cạnh đó xu thế mua bán bây giờ chủ yếu là qua hệ thống siêu thị, mạng internet… nên việc chuyển đổi mô hình quản lí chợ là rất khó vì mua bán tại chợ truyền thống đang giảm dần. Trong các mô hình chuyển đổi quản lí chợ chúng tôi nghiên cứu thì mô hình tự chủ hoàn toàn về ngân sách có thể phù hợp nhất. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm các mô hình chuyển đổi quản lí chợ trong và ngoài tỉnh để áp dụng phù hợp, thuận tiện hơn cho việc mua bán tại chợ thị xã”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 78 chợ/108 chợ được quy hoạch, trong đó có 4 chợ hạng I, 8 chợ hạng II (1 trung tâm thương mại có mô hình hoạt động giống chợ) và 66 chợ hạng III; 26 chợ thuộc địa bàn thành thị, 52 chợ thuộc địa bàn nông thôn (40 chợ đạt chuẩn nông thôn mới); 37 chợ kiên cố, 28 chợ bán kiên cố, 8 chợ tạm và5 chợ đang được xây dựng. Theo kế hoạch của UBND tỉnh về việc chuyển đổi mô hình quản lí và kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh phải thực hiện chuyển đổi mô hình của 25 chợ (năm 2018 chuyển đổi 2 chợ, năm 2019 chuyển đổi 4 chợ và năm 2020 chuyển đổi 19 chợ). UBND tỉnh cũng đã thành lập ban chuyển đổi mô hình quản lí chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành văn bản khảo sát, lập quy hoạch và phương án chuyển đổi đầu tư xây dựng chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; văn bản tăng cường công tác chuyển đổi mô hình quản lí và kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn. Các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi chợ cấp huyện; tập trung hướng dẫn các ban quản lí, tổ quản lí chợ và UBND cấp xã xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lí chợ theo kế hoạch.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn chưa có địa phương nào thực hiện chuyển đổi quản lí chợ theo kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng cân đối nguồn thu - chi ở các chợ không đủ để đảm bảo hoạt động của các ban quản lí chợ. Hằng năm các chợ đều được các địa phương hỗ trợ kinh phí để hoạt động nên rất khó khăn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đấu thầu quản lí và kinh doanh khai thác chợ. Các địa phương chưa thực hiện quyết liệt đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Mặc dù hành lang pháp lí tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai thực hiện tại các địa phương thực tế còn lúng túng, chưa có mô hình cụ thể để tổ chức học tập.

Trước tình hình khó khăn chung của việc chuyển đổi mô hình quản lí và kinh doanh, khai thác tại chợ Cầu và theo đề nghị của UBND huyện Gio Linh, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý lùi thời gian thực hiện chuyển đổi mô hình quản lí ở chợ Cầu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tăng cường chuyển đổi mô hình quản lí và kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh. Để việc chuyển đổi mô hình quản lí chợ thuận lợi, cần sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc nhanh chóng kiện toàn, tổ chức lại các ban quản lí, tổ chức quản lí chợ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm thực hiện mô hình một ban quản lí chợ quản lí nhiều chợ. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia quản lí và kinh doanh khai thác chợ, phát huy tốt vai trò của chợ trong việc phát triển thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142457