Khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy

ĐBP - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế sự phát sinh của người nghiện ma túy; trong đó việc đưa người đi cai nghiện tập trung cũng như tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được xem là một trong những giải pháp thiết thực. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn gặp khó khăn và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Cán bộ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước cho học viên.

Tỷ lệ tái nghiện cao

Xã Mường Nhé có địa bàn rộng, dân cư đông đúc, song đây cũng là một trong những xã có tỷ lệ người nghiện cao của huyện Mường Nhé. Theo thống kê, đến tháng 9/2021, toàn xã có 129 người nghiện ma túy (5 nữ, 125 nam) có hồ sơ quản lý. Theo ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này là do một số đối tượng lười lao động, bạn rủ rê, ăn chơi đua đòi, không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Trước thực trạng đó, xã Mường Nhé đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện quy trình tổ chức cho 25 người nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng; đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh 1 người; đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tránh xa ma túy. Triển khai thực hiện là vậy, song nhiều năm nay, tình hình người nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt, tỷ lệ người tái nghiện 100%.

Cũng như xã Mường Nhé, thực trạng tái nghiện sau cai nghiện cũng phổ biến tại các địa phương khác của huyện. Ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn huyện là 854. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cho người nghiện đi cai theo quy định và đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiệu quả cai nghiện chưa cao; nhất là cai tại gia đình, cộng đồng. Nguyên nhân là đến nay công tác tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề cho người nghiện sau cai đã được triển khai; nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn chủ yếu thực hiện dưới hình thức tuyên truyền, giáo dục, động viên tâm lý, khuyến khích họ tích cực tham gia sinh hoạt tập thể tại cộng đồng, tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình. Bên cạnh đó, do tư tưởng lười lao động, không có ý chí tự vươn lên dẫn đến sau khi cai nghiện lại tái nghiện.

Không chỉ huyện Mường Nhé, thực trạng tái nghiện sau cai nghiện, nhất là cai nghiện tại cộng đồng phổ biến tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân căn cơ là do công tác hỗ trợ và giúp đỡ, phục hồi người sau cai nghiện ma túy chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa công tác cai nghiện và quản lý sau cai với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thực hiện chưa hiệu quả.

Để cai nghiện hiệu quả

Giải quyết thực trạng trên, ngoài việc làm tốt công tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế sự phát sinh của người nghiện ma túy; các hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; thì một trong những giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra đó là cần thiết phải tuyên truyền, vận động, đồng thời đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, qua thống kê, rà soát của cơ quan chuyên môn, đến nay, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là trên 9.000 người. Với số đối tượng nghiện ma túy cao như vậy, song số lượng người được đưa đi cai nghiện, nhất là cai nghiện tập trung hàng năm rất thấp. Tại huyện Mường Ảng, hiện nay, huyện có hơn 1.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Song từ năm 2020 đến nay, chỉ có hơn 20 người được đưa đi cai nghiện tập trung. Bà Bùi Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Nguyên nhân là do thủ tục để đưa người đi cai nghiện tập trung rất phức tạp. Từ khi cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện đến ngày tòa án mở phiên tòa ra quyết định kéo dài gần hai tháng và phải qua nhiều thủ tục. Vì vậy, việc quản lý người nghiện trong thời gian chờ tòa án ra quyết định gặp nhiều khó khăn, thậm chí có đối tượng sau khi cơ quan chức năng hoàn thành thủ tục lại bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm có quy mô 500 giường bệnh với hệ thống máy móc, cơ sở vật chất được đầu tư nhiều tỷ đồng; hiện nay đang trong giai đoạn nâng cấp, sau hoàn thiện sẽ nâng quy mô gần 700 giường bệnh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, chưa năm nào Trung tâm sử dụng hết công suất giường bệnh. Nguyên nhân là do thủ tục phức tạp nên các địa phương gặp khó khăn trong quá trình tổ chức đưa người đi cai nghiện. Ông Tú cũng cho biết, cai nghiện tại Trung tâm người nghiện sẽ có nhiều thuận lợi khi tái hòa nhập cộng đồng; bởi tại đây, ngoài việc được giáo dục, rèn luyện ý chí, thay đổi hành vi, phục hồi nhân cách, từ bỏ ma túy thì trong quá trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, Trung tâm còn tổ chức mô hình dạy nghề, lao động sản xuất quy mô hộ gia đình như: Trồng rau, nuôi cá, nuôi vịt… Ngoài ra, nếu các địa phương có nhu cầu, Trung tâm cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề “theo địa chỉ” ngay tại trung tâm để sau khi trở về cộng đồng, họ có nền tảng kiến thức, từ đó tự tạo việc làm cho bản thân, tránh xa tệ nạn xã hội.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/191759/kho-khan-trong-cong-tac-cai-nghien-ma-tuy