Khó khăn trong giải ngân vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh nỗ lực triển khai, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoàn thành các chỉ tiêu, tập trung cao độ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, do một số văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp còn vướng mắc, do đó các địa phương, đơn vị triển khai còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Năm 2023, huyện Bảo Lạc được giao 258,761 tỷ đồng thực hiện CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN, gồm 141,9 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 116,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện 10 dự án của chương trình. Việc thực hiện chương trình đóng góp tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH chung của huyện; những khó khăn, bức xúc của đồng bào các dân tộc kịp thời được giải quyết; khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được tăng cường, củng cố; an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc được giữ vững; bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp tiếp tục được bảo tồn, phát huy; lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, do nguồn vốn chương trình giao chậm trong khi các văn bản hướng dẫn của Trung ương không đồng bộ và chưa đầy đủ, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp thực hiện chương trình. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, vì vậy đến thời điểm hiện nay một số xã được giao chủ đầu tư thực hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác giải ngân vốn được giao. Đến ngày 23/11/2023, Bảo Lạc giải ngân 95,4 tỷ đồng vốn CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN, đạt 37% dự toán, trong đó, giải ngân 89,8 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 63% dự toán giao, 5,6 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 5% dự toán giao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Văn Cương cho biết: Nguyên nhân chậm giải ngân do nhu cầu đầu tư trên địa bàn huyện rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn nên khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn, sắp xếp danh mục đầu tư cũng như khả năng cân đối vốn. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, khả năng huy động vốn khó, nên việc xã hội hóa các công trình phúc lợi xã hội thực hiện rất hạn chế. Văn bản hướng dẫn một số dự án, tiểu dự án chưa cụ thể, khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.
Năm 2023, ngân sách Trung ương giao cho tỉnh 2.095,4 tỷ đồng thực hiện 10 dự án thuộc CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN gồm: 584,7 tỷ đồng năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 thực hiện, 1.510,7 tỷ đồng giao trong năm 2023 và 22,9 tỷ đồng vốn đối ứng ngân sách tỉnh. Đến ngày 19/12/2023, toàn tỉnh giải ngân hơn 963 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch (KH), trong đó giải ngân được 816,8tỷ đồng vốn đầu tư, đạt 80% KH;146,2tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 13,6% KH, dự kiến khó hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn giao.
Nguyên nhân chậm giải ngân chủ yếu là do một số văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp của chương trình vẫn còn vướng mắc. Đơn cử, thực hiện Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề”, các nội dung số 1, 2, 3 (hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề) chưa thực hiện do khả năng cân đối quỹ đất công của tỉnh không có, mục đích khai hoang, cải tạo nâng cao hệ số sử dụng đất để giao cho dân không có. Hiện nay, Dự án 1 mới giải ngân hơn 71 tỷ đồng, đạt 42,5% KH.
Cao Bằng là tỉnh miền núi vùng cao, đời sống đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn, sự chênh lệch đời sống giữa cận nghèo so với hộ nghèo không nhiều, nguy cơ tái nghèo còn cao, vẫn rất cần được quan tâm và hỗ trợ. Tuy nhiên đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” chỉ là hộ nghèo. Do đó, chương trình cần thiết phải hỗ trợ cho cả đối tượng cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng. Mặt khác, hiện nay, Dự án 2 giải ngân 36,42 tỷ đồng, đạt 72,3% KH; KH vốn hỗ trợ nhà ở của Trung ương dự kiến không đủ so với nhu cầu hỗ trợ cho các hộ gia đình đã thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” mới giải ngân 59,9 tỷ đồng, đạt 10,6% KH. Nguyên nhân vẫn còn một số vướng mắc trong chi trả hỗ trợ công tác khoán bảo vệ rừng; nguồn số liệu của các loại bản đồ lâm nghiệp (bản đồ kiểm kê, quy hoạch 2015, diễn biến hằng năm) có sự sai khác lớn về vị trí, hiện trạng, chủ quản lý so với bản đồ địa chính (giấy chứng nhận sử dụng đất). Hiện nay nguồn vốn năm 2022 dự kiến sẽ không giải ngân được và phải chuyển nguồn sang 2024 tiếp tục thực hiện do giao vào thời điểm tháng 7/2022, các chủ đầu tư mới lập hồ sơ thiết kế khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng.
Thực hiện Tiểu Dự án 2 - Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN”, chủ trì liên kết, tổ nhóm cộng đồng phải tự bỏ tiền thực hiện mua sắm xong mới có nội dung để nghiệm thu, nghiệm thu xong mới thực hiện thanh toán. Trong khi các tổ, nhóm cộng đồng đa số đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo rất khó khăn về nguồn lực, tài chính.
Triển khai Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” mới giải ngân 92,5 tỷ đồng, đạt 33,9% KH. Nguyên nhân, thực hiện Tiểu Dự án 3 - Dự án 5 về “phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN” quy định mức hỗ trợ tiền ăn là 30 nghìn đồng/người/ngày thực học là thấp, ảnh hưởng tới công tác chiêu sinh, khó thu hút học viên tham dự. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu, đến cuối tháng 12/2023 chỉ có 1 giáo viên cơ hữu dạy nghề trồng trọt và 1 cán bộ quản lý.
Nguồn kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không giải ngân được do theo Công văn số 1136/TCGDNN-KHTC ngày 8/6/2023 của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp quy định trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không phải là đối tượng thụ hưởng kinh phí. Mặt khác, Tiểu Dự 3 trùng nội dung thực hiện của Tiểu Dự án 1 - Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mới giải ngân 9,89 tỷ đồng, đạt 19,9% KH. Nguyên nhân, thực hiện Công văn số 971/ĐCT-BKT ngày 14/10/2022 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hoạt động 1, nội dung 2 mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn thôn bản vẫn đang tạm dừng, do đó dự kiến chuyển nguồn vốn sang năm 2024 thực hiện. Ngoài ra, thực hiện theo Công văn số 1017/UBDT-DTTS của Ủy ban Dân tộc đang tạm dừng triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 9 “Đầu tư phát triển KT - XH nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” nên tiến độ giải ngân cũng rất chậm, mới giải ngân 38,6 tỷ đồng, đạt 23,5% KH.
Ngoài ra, nguyên nhân giải ngân chậm do thẩm quyền điều chỉnh nhiều nội dung, đặc biệt là nguồn sự nghiệp thuộc về Trung ương nên hiệu quả điều chỉnh không như mong muốn. Vướng mắc trong thực hiện quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; công tác giải phóng mặt bằng; đặc thù địa phương về lịch sử sở hữu đất đai dẫn đến thiếu quỹ đất công; tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng cát, đá, sỏi, đất. CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 đang có sự chồng chéo về nội dung, đối tượng với CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo...
Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề xuất Chính phủ bố trí bổ sung trong chỉ tiêu KH thực hiện năm 2024 cho tỉnh 160 tỷ đồng để hỗ trợ 4.000 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đề xuất bổ sung đối tượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng kinh phí để thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị; hướng dẫn mức hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng cụ thể và nâng định mức hỗ trợ lên 1 triệu đồng/ha/năm. Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm có hướng dẫn thực hiện đối với Tiểu Dự án 1, Dự án 9 và sớm ban hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác báo cáo số liệu kết quả thực hiện chương trình...