Khó khăn trong phát triển chăn nuôi đặc sản gà Móng

Gà Móng là giống đặc sản bản địa có nguồn gen quý hiếm của xã Tiên Phong trước kia, nay thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Giống gà này đã được bảo tồn gen và có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, sau nhiều năm, chăn nuôi gà Móng vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy được giá trị cũng như hiệu quả kinh tế của con nuôi đặc sản này.

Đàn gà Móng của gia đình ông Vũ Anh Tuấn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, từ nhiều năm nay không tăng, chỉ duy trì khoảng 200 con/lứa.

Đàn gà Móng của gia đình ông Vũ Anh Tuấn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, từ nhiều năm nay không tăng, chỉ duy trì khoảng 200 con/lứa.

Gia đình ông Vũ Anh Tuấn là một trong những hộ chăn nuôi gà Móng có số lượng lớn so với các hộ khác tại xã Tiên Sơn nhưng hơn 10 năm nay đàn gà cũng chỉ duy trì được 200 - 300 con/lứa. Trước đây, gia đình ông còn sản xuất gà giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi, nhưng hiện nay do nhu cầu mua giống giảm mạnh nên gia đình anh chuyển sang nuôi gà thương phẩm hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là thị trường tự do.

Ông Vũ Anh Tuấn cho biết, nuôi gà Móng đặc sản cần thời gian và chi phí khá lớn. Để gà có chất lượng ngon phải nuôi thả vườn từ 8 - 12 tháng (gấp 1,5 - 2 lần so với các loại gà khác), thức ăn chủ yếu là: thóc, ngô, bèo, chuối… Thời gian về sau (khoảng sau 6 tháng) gà lớn rất chậm, giai đoạn này chủ yếu giúp nâng chất lượng: thịt chắc, ngọt, giòn… Tuy vậy, giá bán gà Móng chỉ cao hơn gà ta bình thường khoảng 20 - 30 nghìn đồng/kg. Khi đưa ra bán ngoài chợ gà Móng thường bị đánh đồng về giá với các loại gà khác như: lai chọi, lai Đông Tảo...

Hiện tổng đàn gà móng trên địa bàn tỉnh Hà Nam có khoảng 70.000 con; trong đó, xã Tiên Sơn chiếm khoảng 70% tổng đàn. Năm 2012, nhằm bảo tồn nguồn gen quý của gà Móng, địa phương đã thành lập Hiệp hội chăn nuôi và kinh doanh gà Móng Tiên Phong. Đây là nơi để các hộ chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm nuôi và bảo tồn giống gà quý hiếm. Tham gia hiệp hội, các thành viên phải cam kết không đem loại gà khác về lai phối giống.

Ông Lê Đức Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và kinh doanh gà Móng Tiên Phong cho biết, khi mới thành lập hiệp hội có 74 thành viên, nay giảm xuống còn 50 thành viên. Do chăn nuôi gà Móng gặp khó khăn, các thành viên chuyển sang làm việc khác. Gà Móng Tiên Phong ngon nổi tiếng, nhưng đến nay tiêu thụ vẫn nhỏ lẻ và hoàn toàn trên thị trường tự do. Để chăn nuôi đặc sản gà Móng được phát triển, các cấp ngành cần hỗ trợ người chăn nuôi gà Móng nói chung và Hiệp hội Chăn nuôi và kinh doanh gà Móng Tiên Phong nói riêng quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, con giống chưa được đầu tư chọn lọc, nhân giống đúng kỹ thuật nên gà Móng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, còn năng suất sinh sản và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Trước thực tế này, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Móng nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản đàn bố mẹ". Dự án đã mang lại những kết quả bước đầu tích cực như: giảm chi phí 4 lần nuôi đàn trống gà Móng so với thụ tinh trực tiếp; tăng tỷ lệ đẻ đàn trên 10% khi được bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất và các vitamin hỗ trợ cho sinh sản; giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, tỷ lệ loại thải đàn… Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống đảm bảo chất lượng tại chỗ và phát triển nhân rộng mô hình.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị giống gà Móng đặc sản của địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn dịch bệnh; hướng dẫn người dân giữ gìn giống gà quý, không lai tạo với các giống gà khác.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về giống gà này trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng thương mại để việc tiêu thụ đặc sản gà Móng được thuận lợi hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Chinh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kho-khan-trong-phat-trien-chan-nuoi-dac-san-ga-mong-20240624112324931.htm