Khó khăn trong xử lý sầu riêng nghịch vụ

Nông dân tỉnh Tiền Giang đang tập trung xử lý sầu riêng ra trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao. Tuy vậy, thời tiết bất lợi, nhiều diện tích xử lý không cho trái hoặc đạt năng suất rất thấp. Những vườn xử lý không đạt phải chăm sóc để hồi phục cho cây và hy vọng vào năm sau.

Gia đình ông Nguyễn Minh Long, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trồng 1,2ha sầu riêng được 13 năm tuổi. Trong vụ này, ông cũng tiến hành các bước kỹ thuật để xử lý ra hoa nghịch vụ.

Tuy vậy, sau khi rút cạn nước trong vườn, tiến hành đậy mủ ni-lông chung quanh gốc một thời gian thì cây không ra hoa, một số cây bung nụ nhưng rất ít.

Thấy vậy, gia đình ông bỏ mủ đậy gốc và xử lý thêm một lần nữa. Tuy nhiên, cây cũng không ra hoa. Thất vọng, ông phải mua phân, thuốc về phục hồi lại cho cây ra mùa thuận hoặc chờ năm sau xử lý nghịch vụ lại.

Ông Long cho biết: “Nhiều năm trồng sầu riêng, tôi chưa thấy vụ nào khó xử lý như vụ này. Thời điểm chuẩn bị cũng như trong quá trình xử lý, mưa lớn liên tục và có những cơn mưa kéo dài. Mặc dù, gia đình đã làm đúng các bước nhưng cây vẫn không ra hoa, có ra cũng rụng hết”.

Tại các xã phía bắc Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Tiền Giang, nông dân trồng sầu riêng xử lý ra trái nghịch vụ cũng rất khó khăn.

Ông Lê Văn Mến, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trồng 0,3ha sầu riêng Monthong được 5 năm tuổi. Hơn 1 tháng qua, gia đình ông cũng tập trung xử lý sầu riêng ra trái nghịch vụ mùa đầu tiên. Tuy vậy, qua 2 lần xử lý, tốn hơn 120 triệu đồng (chỉ tính riêng giai đoạn xử lý) nhưng rất nhiều cây không ra hoa, một số cây ra rất ít.

Nhìn về phía khu vườn, ông Lê Văn Mến buồn rầu: “Từ khi đầu tư vườn sầu riêng này đến nay, gia đình đã tốn hơn 1 tỷ đồng. Vụ mùa đầu tiên, tôi hy vọng lấy lại phần nào vốn nhưng đã thất bại”.

Nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xử lý sầu riêng ra trái nghịch vụ.

Nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xử lý sầu riêng ra trái nghịch vụ.

Nông dân trồng sầu riêng xử lý nghịch vụ thường tập trung vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 hằng năm.

Khi đó, nhà vườn tiến hành vệ sinh gốc, điều tiết nước cạn trong mương, dùng màng ni-lông phủ kín gốc; phun thuốc kích thích vào thân và khoảng một tháng sau cây sẽ ra hoa.

Sau hai tháng sầu riêng xổ nhụy, tiến hành thụ phấn nhân tạo bằng cách dùng chổi ni-lông quét vào bông nở lúc chiều tối nhằm giúp trái phát triển tròn, đều.

Sau đó, nông dân tiến hành tỉa bỏ bớt trái xấu để cây mang trái vừa đủ, chống cây suy và cho trái to. Khoảng tháng 12 trong năm đến tháng 2 năm sau, sầu riêng cho thu hoạch.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có khoảng 22.000ha sầu riêng, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 15.000ha, sản lượng gần 400.000 tấn/năm và tập trung chủ yếu tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy. Diện tích xử lý cho trái nghịch vụ chiếm khoảng 50-70%.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết, xử lý sầu riêng nghịch vụ rất khó. Nông dân có nhiều kinh nghiệm và đầu tư đúng mức cũng phải phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ một cơn gió thổi qua, sầu riêng cũng bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Viện Cây ăn quả miền nam, một chuyên gia về cây sầu riêng cho biết, hiện nay, ngành chuyên môn chưa có một công trình nghiên cứu nào về xử lý ra hoa nghịch vụ trên cây sầu riêng.

Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm thực tế khi tiếp xúc với rất nhiều nông dân thì xử lý ra hoa nghịch vụ đạt hiệu quả cao trên cây sầu riêng thì giai đoạn sau thu hoạch của vụ trước phải phục hồi cây cho thật tốt.

Người trồng nên chọn lựa những cây khỏe mạnh, không bị bệnh (xì mủ thân, cháy lá), cây có từ 2 cơi đọt trở lên mới tiến hành xử lý ra hoa.

Ngoài ra, khi cơi đọt thứ 2 hoặc cơi đọt thứ 3 được 3 tuần tuổi, nông dân tiến hành bón phân gốc có hàm lượng lân và kali cao theo tỷ lệ N:P:K (1:3:2) để giúp cây hình thành mầm hoa tốt nhưng tùy theo tuổi cây mà áp dụng theo liều lượng khuyến cáo của sản phẩm để bón.

Người trồng cần kết hợp phun trên tán lá các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao như: MKP (0-52-34), NPK (10-60-10 TE), NPK (7-5-44 TE) và KNO3(13-0-46) để lá sớm thành thục, giúp quá trình tạo mầm hoa đạt hiệu quả; sử dụng đúng theo liều lượng khuyến cáo, không nên phun quá liều lượng dễ dẫn bị cháy lá.

Tạo khô hạn cho cây trong quá trình xử lý trái nghịch vụ như không tưới nước, tháo cạn nước trong vườn là rất quan trọng; tiến hành phủ bạt ni-lông chung quanh gốc để tạo khô hạn nhân tạo cho cây, phun thuốc để ức chế sự sinh trưởng của cây, kích thích sự ra hoa theo nồng độ khuyến cáo là 1200ppm (1200 mg/l).

Giai đoạn hoa bắt đầu nhú ra từ thân và cành, dài từ 0,3-0,5cm sáng rõ thì tùy theo điều kiện thời tiết, nông dân tiến hành dỡ bạt ni-lông phủ ra.

Tưới nước 2 ngày 1 lần cho đến khi hoa nở hoàn toàn, lượng nước tưới tăng dần đến mức bình thường giúp cây không bị sốc nước và nụ hoa phát triển tốt.

Đặc biệt, nông dân phải chủ động máy bơm tháo cạn nước trong vườn khi có mưa xuất hiện, đặc biệt là mưa dầm nhiều ngày do bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới thì nên đậy phủ bạt gốc lại.

Nông dân xử lý sầu riêng nghịch vụ bán giá cao gấp nhiều lần so với mùa thuận. Tuy nhiên, việc xử lý đạt hay không đạt phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rất lớn. Năm nay, mưa nhiều và kéo dài, nhiều diện tích sầu riêng xử lý ra hoa không đạt, nông dân phải tốn rất nhiều chi phí đầu tư.

NGUYỄN SỰ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kho-khan-trong-xu-ly-sau-rieng-nghich-vu-post837985.html