Khó khăn xây dựng cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long
Khu vực miền Tây Nam Bộ nước ta có địa hình đặc thù là nền đất yếu, nhiều sông rạch và chịu ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu. Việc xây dựng cao tốc tại khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất xây cầu cạn
Mới đây, một nhóm các hiệp hội, như Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam… có ý kiến rằng, trước tình trạng thiếu hụt nguồn cát và đất đắp nền trong xây dựng đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cần nghiên cứu xây dựng đường cao tốc dưới dạng cầu cạn ở khu vực này.
Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, khu vực ĐBSCL có nền đất yếu, nhiều bùn lầy, trong khi hệ thống sông ngòi nhiều phù sa, ít cát. Nếu khai thác cát ở các con sông quá mức, về lâu dài có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm mất đất nông nghiệp, sụt giảm lượng phù sa và ảnh hưởng đến vựa lúa lớn nhất cả nước, đe dọa an ninh lương thực nước ta. Bên cạnh đó, việc đắp nền cao tốc cao sẽ cản trở thoát lũ tại khu vực làm trầm trọng hơn tình trạng ngập lụt ở ĐBSCL. Nếu chỉ thực hiện giải pháp đắp nền cao tốc bằng cát sông sẽ làm cho tình trạng khan hiếm vật liệu nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án xây dựng đường cao tốc.
Chính vì thế, ông Tống Văn Nga cho rằng, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của thế giới, triển khai xây dựng cao tốc bằng cầu cạn tại ĐBSCL. “Nước ta có đủ điều kiện kỹ thuật, thiết kế, thi công và xây lắp để triển khai thực hiện phương án này” - ông Nga đánh giá và cho rằng, các chuyên gia và các nhà quản lý cần mạnh dạn nghiên cứu đổi mới phương án xây dựng đường cao tốc ở các vùng đất yếu, triển khai xây dựng cầu cạn thay vì khai thác cát sông làm nền đường cao tốc.
Đại diện Hội Bê tông Việt Nam cũng cho biết, việc xây dựng cầu cạn có nhiều ưu điểm so với phương án đắp nền đường trong quá trình làm cao tốc, giúp giảm đáng kể diện tích chiếm dụng mặt bằng, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, bảo đảm thông thoáng, không cần hầm chui dân sinh, không chịu tác động của biến đổi khí hậu, ít phụ thuộc vào mùa mưa, rút ngắn tiến độ thi công, không phải chờ lún cố kết, chi phí bảo trì thấp, bảo đảm phân bổ phù sa, trầm tích đồng đều cho ĐBSCL.
Bộ GTVT đang nghiên cứu nhiều phương án
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các tỉnh ở ĐBSCL đang triển khai 8 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 463km. Các dự án này có nhu cầu về cát san lấp rất lớn, khoảng 53,7 triệu m3. Nhưng với giải pháp sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác trong khu vực sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu. Ngoài ra, hầu hết các dự án phải xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún kéo dài khoảng 12 tháng đến 16 tháng.
Do đó, theo Bộ GTVT, khi nghiên cứu thiết kế để lựa chọn giải pháp công trình, phương án xử lý nền đất yếu cần được xem xét, nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, toàn diện các yếu tố kinh tế, kỹ thuật để so sánh, nhằm giảm thiểu việc sử dụng cát san lấp, rút ngắn thời gian chờ lún, tăng tính ổn định, giảm thiểu các rủi ro trong thi công và quá trình khai thác.
Dù vậy, Bộ GTVT cho rằng, nguồn vật liệu cát ở ĐBSCL vẫn có khả năng đáp ứng cho các cao tốc đang triển khai thi công. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GTVT cho rằng, phương án xây dựng cầu cạn như kiến nghị của các hội, hiệp hội là có cơ sở dù chi phí có thể cao hơn việc làm cao tốc thông thường khoảng 2,6 lần. "Tăng tính ổn định, giảm thiểu các rủi ro do trong thi công và quá trình khai thác; không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vật liệu cát, rút ngắn thời gian thi công; ít ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện thoát lũ tốt hơn", Bộ GTVT phân tích ưu điểm khi làm cao tốc bằng xây dựng cầu cạn.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện cơ quan chuyên môn của Bộ này đang xây dựng Đề án “Nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững hệ thống hạ tầng giao thông”, nhằm đánh giá các giải pháp một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng và toàn diện trên nhiều khía cạnh.
Ngoài xây cầu cạn, một trong những nội dung Bộ GTVT đang nghiên cứu khi làm cao tốc ở ĐBSCL là sử dụng cát biển, tro xỉ để thay thế nguồn cát làm vật liệu đắp nền. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy việc sử dụng cát biển, tro xỉ làm cao tốc cũng cho kết quả khả thi.