Khó lường tác động thuế quan của Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẵn sàng giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và bất ổn về chính sách kinh tế
Tổng thống Donald Trump cảnh báo các nước thuộc khối BRICS rằng ông sẽ áp thuế 150% đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một đồng tiền thay thế đồng USD. BRICS ban đầu bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi và hiện đã kết nạp nhiều thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất…
Tại Hiệp hội Thống đốc Đảng Cộng hòa ở Washington hôm 20-2, ông Trump cho rằng các quốc gia BRICS đang tìm cách phá hủy đồng USD và muốn tạo ra một loại tiền tệ mới. Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Trump cho rằng BRICS có khả năng muốn sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trước đó, ông Trump từng tuyên bố áp thuế 100% lên hàng nhập khẩu từ các nước BRICS nếu nhóm này thiết lập đồng tiền riêng của nhóm hoặc từ bỏ đồng USD. Theo ông, bất kỳ quốc gia nào tìm cách thay thế đồng bạc xanh trong trao đổi thương mại quốc tế sẽ phải nói "lời tạm biệt với nước Mỹ".
Trong khi đó, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc rủi ro lạm phát gia tăng và tác động không chắc chắn từ các chính sách thương mại, nhập cư và nhiều chính sách khác của Tổng thống Trump.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Adriana Kugler hôm 20-2 lập luận FED giữ nguyên lãi suất trong thời gian tới là phù hợp khi xét đến những rủi ro mà Mỹ đang đối mặt.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Washington - Mỹ Ảnh: TÂN HOA XÃ
Bà nhận định cuộc chiến chống lạm phát còn dài hơi trước khi đạt được mục tiêu lạm phát giảm xuống mức 2% của FED. Tuy thị trường lao động Mỹ vững mạnh nhưng rủi ro tăng lạm phát vẫn còn.
Đề cập đến chính sách của ông Trump, bà Kugler và các nhà hoạch định chính sách chỉ ra rằng vẫn chưa rõ các biện pháp sẽ có quy mô và phạm vi lớn đến mức nào, liệu các quốc gia khác có phản ứng bằng cách đánh thuế trả đũa hàng xuất khẩu của Mỹ hay không, cũng như mức độ gánh chịu chi phí của người tiêu dùng.
FED đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25% - 4,5% tại cuộc họp tháng trước và dự kiến duy trì lãi suất này tại cuộc họp ngày 18 và 19-3. Thị trường tài chính dự báo FED chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay, sớm nhất là vào tháng 6 tới.
Biên bản cuộc họp tháng 1 của FED được công bố hôm 19-2 cho rằng các chính sách của ông Trump có thể cản trở tiến trình giảm phát, đồng thời nêu rõ FED sẵn sàng giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và bất ổn về chính sách kinh tế.
Thuế nhập khẩu vào Mỹ cũng đang là nỗi lo của các doanh nghiệp châu Âu bất chấp giá cổ phiếu ở khu vực này đạt mức cao kỷ lục trong tháng này. Các biện pháp bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump đe dọa làm gián đoạn thương mại toàn cầu, trong đó châu Âu là mục tiêu tiềm tàng.
Ông Josephine Cetti, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại Tập đoàn dịch vụ tài chính Nordea (Phần Lan), cho rằng tâm lý thị trường đã rất chán nản và giới phân tích thận trọng hơn khi đưa ra ước tính.
Trong khi đó, các quan chức Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ miễn trừ thuế đối ứng lên mặt hàng thép và nhôm trong chuyến thăm Washington tuần này, theo thông báo từ Bộ Công nghiệp Hàn Quốc hôm 21-2.
Thứ trưởng Park Jong-won, người dẫn đầu đoàn Hàn Quốc, lập luận rằng gần như tất cả các loại thuế giữa hai nước đã được loại bỏ theo hiệp định thương mại tự do song phương. Là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, Hàn Quốc ngày càng lo ngại về các biện pháp thuế quan của chính quyền ông Trump.
Cổ phiếu châu Á khởi sắc
Cổ phiếu châu Á đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng qua hôm 21-2, khi nhà đầu tư quay lại với các cổ phiếu Trung Quốc. Cụ thể, theo Reuters, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) đã tăng hơn 1%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 8-11-2024. Như vậy, chỉ số này tiến gần đến tuần tăng thứ sáu liên tiếp, tạo thành chuỗi tăng dài nhất trong hơn 2 năm qua. C
ác cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc và đặc khu Hồng Kông của nước này cũng tăng mạnh, trong đó chỉ số Hang Seng đạt đỉnh cao nhất trong 3 năm qua, cổ phiếu công nghệ của Hồng Kông tăng 4,7%, còn Shanghai Composite tăng 0,7%.
Cổ phiếu Trung Quốc tăng mạnh trong những ngày gần đây nhờ bước đột phá của chatbot DeepSeek, làm dấy lên sự quan tâm trở lại đối với năng lực công nghệ của Trung Quốc, nhất là về trí tuệ nhân tạo.
Trong khi Hang Seng tăng gần 30% tính đến nay trong năm nay, chỉ số S&P 500 của Mỹ chỉ tăng 4% trong cùng kỳ. "DeepSeek là chất xúc tác thay đổi tâm lý nhà đầu tư" - ông Brian Arcese, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Foord Asset Management, lý giải.
Vào đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi với các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ nước này, kêu gọi họ "thể hiện tài năng" và tự tin vào sức mạnh của mô hình và thị trường Trung Quốc.
Cùng ngày 21-2, giá vàng thế giới có lúc giao dịch với giá 2.940,32 USD/ounce, dao động gần mức cao kỷ lục 2.954,69 USD/ounce và có khả năng tiếp tục tăng trong tuần thứ tám liên tiếp.
Giá của kim loại quý này được đẩy lên bởi dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn, do lo ngại về các mối đe dọa thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cuộc đàm phán căng thẳng liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.
Giá dầu giảm nhưng vẫn có xu hướng tăng trong tuần. Giá dầu Brent tương lai hôm 21-2 có lúc giảm 0,21% xuống còn 76,32 USD/thùng nhưng dự kiến tăng hơn 2% trong tuần. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,22% xuống còn 72,32 USD nhưng cũng đang trên đà tăng hơn 2% trong tuần.
Trong khi đó, đồng USD đang trên đà giảm tuần thứ ba liên tiếp.
Hải Ngọc
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-luong-tac-dong-thue-quan-cua-my-196250221205101097.htm