Khó quản lý hành lang an toàn đường bộ
Trong 6 tháng đầu năm, thông qua công tác nắm địa bàn, ngành chức năng, các địa phương đã xử lý nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ (HLATÐB), tuy nhiên cũng còn nhiều trường hợp chưa được xử lý, chậm xử lý.
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc quản lý HLATÐB rất khó khăn, bất cập. Thực tế đã qua cho thấy, công tác xử lý vi phạm liên quan đến đảm bảo HLATÐB được các cấp, các ngành chức năng ra quân xử lý nghiêm nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, không xử lý triệt để được. Nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; cán bộ một số địa phương xử lý chưa quyết liệt, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm; công tác vận động tự tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế giải tỏa chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, do thói quen sinh hoạt của người dân nên việc bày bán hàng ngay trên lòng, lề đường diễn ra phổ biến. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm không đủ sức răn đe, lực lượng chức năng không đủ nhân lực, phương tiện và khó khăn về kinh phí mỗi lần ra quân xử lý vi phạm.
Trên địa bàn huyện U Minh, đoạn từ xã Nguyễn Phích đến xã Khánh Thuận, có nhiều điểm tập kết cừ tràm lấn chiếm HLATÐB, đã hình thành rất nhiều năm qua. Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, cho biết: “Trước tình trạng lấn chiếm HLATÐB xảy ra ở huyện U Minh, trong đó có những điểm tập kết tràm, chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương. Hành vi lấn chiếm này gây mất ATGT, tồn tại đã lâu. Về lâu dài, địa phương cần có quy hoạch cụ thể, trong đó cần tuân thủ quy định của pháp luật về HLATÐB, đảm bảo trật tự, ATGT”.
Tại huyện Thới Bình, trong những tháng đầu năm, ngành chức năng địa phương đã lập biên bản, xử lý nhiều trường hợp lấn chiếm HLATÐB. Ðiển hình như trên tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam có đến 293 trường hợp vi phạm (đã xử lý xong 126 trường hợp), trong đó có 95 trường hợp mái che tạm, biển quảng cáo và tái lấn chiếm lại sau xử lý là 72 trường hợp. Tuyến đường ÐT 983B, đoạn từ cầu cống Tám Thước đi cầu Số 4 (xã Tân Lộc), trên địa bàn thị trấn Thới Bình, xã Thới Bình và xã Tân Lộc, hai bên đường rất nhiều nhà, lều quán, mái che tạm, lấn chiếm HLATÐB...
Ông Quách Phát Ðể, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thới Bình, cho biết, Chủ tịch UBND huyện có nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn trong công tác quản lý, chống lấn chiếm HLATÐB trên phần đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, vi phạm trong phần đất đã bồi hoàn, GPMB vẫn xảy ra. Tuyến Quốc lộ 63, tuyến ÐT.983, ÐT.983B... không thực hiện chính sách bồi thường GPMB phần đất dành cho đường bộ, HLATÐB, chỉ vận động người dân hiến đất, do đó, các hành vi vi phạm HLATÐB chưa xử lý được, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ thực hiện được công tác tuyên truyền, vận động người dân.
“Một số hộ dân cất nhà cây lá tạm trước thời điểm Luật Xây dựng năm 2004, hiện tại các nhà nói trên đã xuống cấp và không còn đảm bảo để ở nên số hộ này đã xây dựng lại nhà để ở. Ngoài ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân chưa được chỉnh lý, điều chỉnh để trừ phần HLATÐB. Ðiều này khiến cho công tác phát hiện, cũng như xử lý ngăn chặn vi phạm HLATÐB, gặp nhiều khó khăn. Do đó, địa phương chưa thể xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, chỉ lập biên bản và yêu cầu các hộ dân cam kết”, ông Quách Phát Ðể cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết, để đảm bảo trật tự, ATGT thì việc quản lý, tránh lấn chiếm HLATÐB là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quan trọng trong công tác này. Trong phân khai nhiệm vụ cho ngành chức năng, địa phương trong tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã cụ thể hóa nhóm giải pháp đảm bảo đất trong phạm vi HLATÐB không bị lấn chiếm, tái chiếm.
Liên quan công tác này, ngay từ đầu năm, trong chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh, đối với nhóm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, ATGT năm 2024 đã thể hiện rõ quyết tâm ổn định trật tự, an toàn trong phạm vi HLATÐB. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần thực hiện nghiêm túc công tác quản lý HLATÐB trên phần đất đã bồi thường, GPMB; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, mốc GPMB từng tuyến, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm trong phạm vi này. Ðối với các tuyến đường chưa bồi thường phần đất hành lang ATGT đường bộ, hoặc chỉ bồi thường một phần đất, chính quyền địa phương cần kiên trì công tác tuyên truyền, vận động, không để người dân cất nhà kiên cố, bán kiên cố trên phần đất này.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, giải tỏa dứt điểm các điểm họp chợ trái phép trên đường bộ. Tổ chức kiểm điểm, phê bình, xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch UBND cấp xã nếu để tái lấn chiếm sau giải tỏa./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kho-quan-ly-hanh-lang-an-toan-duong-bo-a33726.html