Khô sặc năm xưa
Ngày hè có mưa, sau bữa giỗ, cả nhà tụ lại quanh bộ salon uống nước trà và chuyện vãn. Câu chuyện đưa đẩy nhắc đến các món khô ăn trong ngày mưa.
Hầu như ai cũng thích khô tra phồng Biển Hồ, ăn với cơm vừa thơm vừa béo. Một ông anh nhắc con khô đuối, nướng xong phải dùng búa giã vì cứng thịt, có mùi khai, nhưng chấm với nước mắm me lại ngon. Ông anh lớn nhất giơ hai tay lên trời, tuyên bố thề cả đời không bao giờ ăn món khô sặc. Dì Út bảo tao cũng vậy, không bao giờ ăn món khô sặc nữa.
Má tôi nói, nhắc đến món khô sặc là nhớ Lái Thiêu. Những ngày ở Lái Thiêu là những ngày long đong vì phải bỏ nhà ở Khánh Hội đi tản cư năm 1947. Nhưng đó lại là những ngày bình yên ở một vùng đất dễ thương, dù trên đường tản cư eo hẹp tiền bạc. Ở Lái Thiêu có những vườn cây xanh ngút ngàn, những con mương chạy dài len lỏi giữa những luống sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít tố nữ. Người Việt sống chung với người Hoa từ nhiều đời trên vùng đất này, nên món ăn đa dạng, không khí buôn bán rộn rịp trên bến dưới thuyền, người dân hiền lành và có phong hóa.
Má kể, được vào vài căn nhà của dân Lái Thiêu cỡ trung lưu mới thấy họ sống rất đàng hoàng với bộ bàn ghế kiểu Lu-y mười bốn mười lăm, bàn thờ có tranh kiếng vẽ cảnh nhà cửa bến sông màu sắc tươi vui, bình bông Nhật, chén ăn cơm Nhật mỏng tanh và đồng hồ treo tường sứ Nhật.
Nhiều nhà ở Lái Thiêu có đồ sứ Nhật để dùng vì có đợt hàng bán rẻ mấy năm trước của chú Chánh người Quảng Đông, nhà gần công-xy heo, nhập hàng bằng xe lửa từ Sài Gòn về khi người Hoa ở Chợ Lớn tẩy chay hàng Nhật vì Nhật chiếm Trung Hoa. Chú Chánh thành xì thẩu từ đó, còn dân Lái Thiêu tha hồ mua đồ Nhật với giá rẻ, nhất là những bộ chén sứ mỏng tanh, trong veo nhìn thấu quang. Món ăn thì ê hề, chỉ e không có tiền. Thịt heo quay xá xíu của chú Phu ở nhà lồng chợ, hàng huyết heo luộc cuốn bánh hỏi, thịt quay xíu mại bánh mì của chú Xây, bánh xèo tôm thịt, món nào cũng ngon. Con nít có đủ món ăn sáng như xôi, bánh ướt, bánh bao chỉ...
Về Lái Thiêu chỉ có bốn người: bà ngoại, má, dì Út và anh Hai. Dì Út tám tuổi, anh Hai năm tuổi. Hai phụ nữ và hai đứa con nít. Ba tôi sau khi đưa cả nhà về Lái Thiêu thì phải sang Biên Hòa dạy học kiếm tiền. Tài sản theo về chỉ gói ghém trên chiếc xe bò.
Đón tiếp cả nhà có ông bà Chín, một thầy giáo về hưu khá cởi mở quen biết với bà ngoại. Ông bà Chín giới thiệu chỗ ở tạm phía sau của một tiệm cầm đồ đã ngưng hoạt động. Đó là căn nhà của ông Ba Chẩn, một người đàn ông góa vợ ít nói và luôn cau có. Ông sống một mình sau khi vợ mất, chỉ có một cô bé gái giúp việc hơn mười tuổi một chút lo nấu cơm, giặt đồ. Thỉnh thoảng ông đón xe đò về Sài Gòn vài ngày rồi trở về, luôn giữ bộ mặt đăm đăm khiến người lớn thì ngại, con nít thì sợ.
Bốn người ở trong một gian phòng. Nhà luôn đóng cửa im ỉm, có người ra ngoài mới hé cửa. Trong bóng tối, hàng tủ sắt đen trùi trụi đứng câm lặng, dưới mắt của hai dì cháu còn ngây thơ chứa đựng bao nhiêu vẻ huyền bí. Chắc hẳn hàng tủ vô tư kia từng chứa trong lòng những mảnh lụa, chiếc vòng chiếc nhẫn từng làm đẹp cho các tiểu thư hay quý bà, để đến lúc nào đó chui vào nằm im trong bóng tối của ngăn tủ.
Trong nhà còn có một căn phòng luôn đóng kín mít. Tâm trí hai dì cháu tưởng tượng đủ thứ chuyện huyền bí về căn phòng ấy. Thậm chí đi ngang còn sợ.
Nhà nằm sát chợ Lái Thiêu nên trong nhà suốt ngày nghe tiếng rao ơi ới dội vào, chỉ cần leo lên ghế đứng nhìn ra cửa sổ là thấy mấy bà xách giỏ đi chợ qua lại.
Lúc đó chợ Lái Thiêu còn đơn sơ, nhiều gian hàng chỉ che bằng một tấm liếp đan bằng tranh có một đầu hạ thấp xuống chống trên hai cây tre là đủ. Lâu lâu má cho anh Hai năm xu, anh chạy ù mua một bịch đậu phộng ướp ngũ vị hương chia cho dì Út ngồi nhai nhóc nhách.
Hồi đó các gánh Sơn đông mãi võ đi bán thuốc ở các chợ rất thịnh hành. Cứ mỗi cữ chiều khi tiếng trống tiếng phèng la nổi lên inh ỏi là hai dì cháu vội vã chạy ào ra, chen vào ngồi sát vòng say mê thưởng thức. Người trong gánh thường có bắp tay rắn chắc, gương mặt phong trần. Sau mỗi lần biểu diễn, họ cầm nón đi một vòng xin khán giả ủng hộ. Đối với con nít, những gói thuốc quảng cáo trị bá bệnh, những bài quyền, những cây côn quay tít choảng nhau chan chát, chó và khỉ làm trò là những thứ xem suốt ngày không chán.
Trước khi về Biên Hòa, ba tôi mua tập viết cho anh Hai và dì Út rồi bắt đầu dạy cho anh đánh vần. Được vài ngày, thấy không ổn, ông dắt hai dì cháu đến lớp thầy Chín, là người giới thiệu cho cả nhà ở nhờ, xin học. Lớp có mười sáu trò mà đủ mọi trình độ. Thầy Chín vừa dạy vừa chạy đầu này đến đầu kia, lúc la hét, lúc dỗ dành tùy đứa học trò giỏi hay dở, ngoan hay quậy phá. Cứ mỗi lần anh Hai không hiểu bài, thầy đòi khẽ tay là bà mẹ vợ của thầy Chín lật đật chạy ra can.
Thỉnh thoảng ba về thăm, mua cho bịch đậu phộng rang hay phong bánh in, loại bánh không nhân thơm ngon. Có đêm hè đang ngủ say, hai dì cháu được bà ngoại đánh thức để ra cửa cùng bà con Lái Thiêu ngắm sao chổi trên trời với cái đuôi tua tủa. Ngắm xong lại cùng nhau tưởng tượng mọi điều kinh khủng, vì nghe bà con kháo nhau sao chổi xuất hiện là điềm xấu.
Thời gian ở Lái Thiêu, má tôi vẫn đi lại sang Thủ Dầu Một kiếm mấy thứ lặt vặt đem về bán. Rồi khi có vài thứ giấy tờ cần phải làm bên đó, má và bà ngoại phải lên đường làm cho xong. Trước khi đi, ngoại mua cho hai dì cháu một bịch khô sặc để ở nhà ăn cơm. Định bụng đi chỉ vài ngày, hay một tuần sẽ trở về.
Má và ngoại đi rồi, hai dì cháu mỗi buổi sáng dùng tiền lẻ bà ngoại để lại ra chợ mua cháo đậu ăn với dưa mắm. Đến bữa cơm thì lấy khô sặc ra nướng ăn với cơm. Ban đầu thật vui, dì Út thấy mình thành người lớn có thể lo được cho đứa cháu nhỏ. Khô nướng lên thơm phức, ăn với cơm thật ngon.
Mấy ngày sau, món khô ăn đi ăn lại bắt đầu thấy ngán. Dì Út nấu nước trà chan vào cơm, thêm chút nước mắm làm canh cho dễ ăn. Húp canh nước trà, cắn miếng khô. Bà ngoại và má không thấy tăm hơi. Dì Út vẫn lui cui nấu cơm mỗi ngày, nhóm lửa nướng khô và nấu nước trà. Hai dì cháu thui thủi sống với nhau trong căn nhà to vắng lặng thường vắng chủ nhà. Cả hai ăn khô sặc với cơm gần hai tuần.
Rồi cũng đến lúc bà ngoại và má trở về. Giấy tờ thời buổi chiến tranh làm mãi mới xong, đường về xảy ra các trận đánh nhau giữa Pháp và Việt Minh, má và bà ngoại kẹt lại vừa sốt ruột vừa lo lắng. Về tới nhà, nghe dì Út than thở, ngoại chạy ngay ra chợ mua thức ăn về nấu một bữa cơm thật đàng hoàng, chấm dứt chuỗi ngày ăn khô sặc kinh khủng.
Nhưng chỉ một hai ngày sau, hai chân dì Út yếu dần, bước đi bị sụm xuống. Đó là hậu quả của những ngày ăn uống thiếu rau xanh. Dì không đi được nữa, chỉ ngồi nằm một chỗ. Bà ngoại phải ẵm dì đi tìm thầy. Cuối cùng, một ông thầy người Hoa nhận chữa bệnh, bốc thuốc. Mấy tháng sau dì mới đi lại bình thường. May mà anh Hai lại không bị gì hết.
Từ đó, hai dì cháu đến cả đời không bao giờ ăn món khô sặc nữa.
Phạm Công Luận
(Trích sách “Những bức tranh phù thế” – công ty sách Phương Nam xuất bản)
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/kho-sac-nam-xua-33862.html