Khó thi hành án dứt điểm tài sản là bất động sản trong các vụ án hình sự kinh tế, vì sao?
Việc xử lý tài sản là bất động sản trong thi hành án các vụ án hình sự về kinh tế thường gặp nhiều vướng mắc cả về pháp lý và thực tiễn, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên liên quan.
Sáng 14-5, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế".
Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu ý kiến về việc xử lý tài sản khi thi hành án phần dân sự trong các bản án hình sự; trong đó có việc việc xử lý tài sản là bất động sản, dự án bất động sản lớn. Theo chuyên gia, việc xử lý các loại tài sản này thường gặp nhiều vướng mắc cả về pháp lý và thực tiễn; ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản, quyền lợi các bên liên quan và tính minh bạch hệ thống pháp luật.
Thực tiễn thi hành án cho thấy những khối tài sản có giá trị lớn vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đang bị thế chấp, vướng tranh chấp hoặc chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính.

GS-TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM (bên phải) và nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM, cùng chủ trì, điều hành hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Vướng mắc khiến việc thi hành án bị kéo dài
Tại hội thảo, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã trình bày tham luận với chủ đề “Các vướng mắc thường gặp liên quan đến việc xử lý tài sản thi hành án là bất động sản trong các vụ án kinh tế nhìn từ thực tiễn”; nhằm chỉ ra một số vướng mắc điển hình và câu chuyện từ thực tiễn.
Thứ nhất, pháp lý tài sản chưa rõ ràng. Nhiều tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc đang có tranh chấp quyền sở hữu. Bất động sản bị thế chấp hoặc chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính gây khó khăn cho việc kê biên, định giá và đấu giá.
Với các tài sản lớn, thường bao gồm nhiều phần nhỏ hợp thành - nếu một phần nhỏ đang tranh chấp thì toàn bộ khối tài sản cũng khó xử lý. Ví dụ, nhiều tài sản thuộc sở hữu chung nhưng các bên không đồng thuận khi bị kê biên.

Các đại biểu trao đổi trước khi bước vào phần thảo luận của Hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Thứ hai, việc định giá tài sản chưa sát thực tế. Nguyên tắc là phải định giá theo thị trường. Nhưng thực tế, người có tài sản luôn mong giá cao, trong khi người mua thì muốn giá thấp. Việc định giá không sát dẫn đến đấu giá thất bại, phải giảm giá nhiều lần gây mất thời gian, hiệu quả thấp.
Thứ ba, thiếu cơ chế giám sát độc lập. Trong giai đoạn bán đấu giá, luật không quy định VKS phải giám sát. Vì không có cơ quan giám sát độc lập nên dễ dẫn đến tình trạng mua bán tùy nghi.
Bên cạnh đó, tâm lý e ngại của nhà đầu tư cũng là trở ngại trong thi hành án. Tài sản liên quan đến các vụ án lớn thường khiến nhà đầu tư lo ngại rủi ro pháp lý, từ đó ít người tham gia.
LS Hoan cũng cho rằng, nhiều bản án có nội dung mơ hồ, khiến quá trình thi hành án phải giải thích bổ sung, kéo theo sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau dẫn đến vụ việc trở nên phức tạp, làm chậm trễ quá trình thi hành án...

Luật sư Lê Văn Hoan đang trình bày tham luận. Ảnh: THUẬN VĂN
Vụ án Epco - Minh Phụng: Hơn 20 năm chưa thi hành xong
Nêu câu chuyện thực tiễn, Luật sư Hoan cho biết, hơn 20 năm qua, phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự Epco - Minh Phụng vẫn chưa thi hành xong, và tiếp tục phát sinh hệ lụy pháp lý.
Tài sản được giao cho ngân hàng tự định giá và bán mà không qua thủ tục kê biên, định giá từ cơ quan thi hành án. Điều này dẫn đến khiếu kiện vì người phải thi hành án cho rằng quyền lợi bị xâm phạm.
Theo Thông tư liên tịch số 02/2003 giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng có quyền lựa chọn hình thức xử lý tài sản (bán công khai, bán qua trung tâm đấu giá hoặc bán cho Công ty mua bán nợ nhà nước), đồng thời tự lập hội đồng định giá. Tuy nhiên, quy trình giám sát từ phía cơ quan thi hành án gần như không có.
Trong khi đó, theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự các năm 1993 và 2004, tài sản thi hành án phải được kê biên, định giá, thông báo đầy đủ cho người liên quan. Việc ngân hàng tự xử lý tài sản mà không có cơ chế giám sát đã làm mất quyền cơ bản của người phải thi hành án và dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Thậm chí, có những tài sản mua từ năm 2003 đến nay vẫn chưa thể sử dụng được vì vướng kiện tụng.
Một vấn đề khác là việc tòa án giao tài sản chưa hoàn thiện pháp lý cho doanh nghiệp để xử lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không còn tư cách pháp nhân vì không đăng ký lại hoạt động.
Câu hỏi đặt ra: Ai là người đại diện thực hiện việc thu hồi? Làm việc với cá nhân góp vốn được không? Nếu doanh nghiệp không hợp tác, không thể làm việc với một pháp nhân đã không tồn tại, thì việc thu hồi tài sản gần như rơi vào ngõ cụt.
Theo Luật sư Hoan, về nguyên tắc, tài sản của doanh nghiệp sẽ thuộc quyền sở hữu của các cổ đông khi công ty mất tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, việc thi hành án trong bối cảnh pháp lý như vậy rất khó khả thi.
Một số trường hợp doanh nghiệp đang đầu tư bất động sản, khi chưa hoàn tất thủ tục pháp lý thì bên mua “vướng vào vòng lao lý”. Tài sản được xác định có liên quan đến quá trình thi hành án dân sự. Khi đó, việc xác định tài sản đầu tư được xác định như thế nào: “thu hồi đúng số tiền đầu tư” hay “theo giá trị hiện tại”? Hiện còn nhiều cách hiểu về vấn đề này khiến nhiều rắc rối phát sinh...