Khó tìm nhà đầu tư, Bộ GTVT đề xuất tăng vốn 'mồi' với các dự án đường sắt
Bộ GTVT vừa đề nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đường sắt. Trong đó, Bộ này đề xuất cơ chế tăng tỉ lệ vốn góp của Nhà nước đối với các dự án đường sắt theo hình thức đối tác công - tư (PPP) từ 50 lên 80%.
Theo Bộ GTVT, các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn, tuy nhiên tổng mức đầu tư lớn, rủi ro nhiều, do vậy việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia theo hình thức PPP không khả thi. Thực tế thời gian qua chưa có dự án nào trong lĩnh vực đường sắt được thực hiện bằng hình thức này .
Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất quy định vào Luật Đường sắt theo hướng: Đối với dự án PPP trong lĩnh vực đường sắt vốn góp của Nhà nước tối đa không quá 80%, thay vì chỉ 50% như quy định hiện hành.
“Việc này góp phần thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng quốc gia”, Bộ GTVT lý giải.
Theo đại diện Bộ GTVT, quy định tăng tỉ lệ vốn góp của Nhà nước sẽ tạo sự chuyển biến mang tính đột phá cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao đang chuẩn bị đầu tư.
“Theo ước tính, nếu phần vốn góp của Nhà nước tăng lên 80% và huy động nguồn vốn tư nhân 20% chỉ tính riêng đường sắt quốc gia thì giai đoạn đến năm 2030 có thể huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước lên đến 48.000 tỉ đồng...”, Bộ GTVT dự báo.
Cơ quan soạn thảo cũng cho biết phạm vi áp dụng tỉ lệ trên là những dự án đầu tư mới toàn bộ từ kết cấu hạ tầng đến phương tiện giao thông đường sắt.
Góp ý với đề xuất này, Bộ KH&ĐT cho rằng trong trường hợp đầu tư theo phương thức PPP, không nhất thiết phải đầu tư toàn bộ dự án đường sắt theo phương thức này, mà có thể tách riêng cấu phần, hạng mục phù hợp để lập dự án độc lập hoặc dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP.
“Vì vậy, việc nâng vốn góp tối đa của Nhà nước lên 80% cần được rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chính sách...“, Bộ KH&ĐT cho biết.
Tương tự, Bộ Tư pháp cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ hoặc giới hạn trường hợp được tăng tỉ lệ vốn nhà nước. Trong đó, bộ có thể chỉ giới hạn các dự án đường sắt được nêu tại nội dung mục tiêu cụ thể của Kết luận số 49 của Bộ Chính trị (trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam).
Bên cạnh việc đề xuất nâng vốn đầu tư của Nhà nước lên 80%, Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung vào luật quy định đô thị loại I trở lên nếu có đường sắt quốc gia đi qua, ga hành khách phải đặt ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho hành khách đi lại, tránh phải trung chuyển.
Theo Bộ GTVT, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ga hành khách đường sắt quốc gia được đặt ở khu vực trung tâm của đô thị, nhờ đó hành khách có thể đi thẳng từ trung tâm ra vùng ngoại ô mà không phải chuyển tàu và không có hiện tượng tích tụ, dồn ứ một lượng lớn hành khách tại các ga trung chuyển giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Đây là giải pháp rất hiệu quả để giải quyết vấn đề giao thông đô thị hiện nay.
Bộ GTVT cho rằng việc sử dụng chung hạ tầng là hoàn toàn khả thi do tải trọng của đoàn tàu đường sắt đô thị và đoàn tàu khách đường sắt tốc độ cao là như nhau.
Khác biệt lớn nhất giữa hai loại hình đường sắt này là hệ thống cấp điện và tín hiệu đường sắt, chi phí tăng thêm để lắp đặt bộ phận chuyển đổi điện áp và tín hiệu cho đoàn tàu ước tính khoảng 1% của toàn bộ chi phí đầu tư phần phương tiện và tín hiệu đường sắt.
“Do đó, quy định cho phép đường sắt quốc gia chạy chung hạ tầng với đường sắt đô thị nhằm gom và giải tỏa hành khách tại các trung tâm đô thị, bảo đảm thuận tiện trong việc đi lại của người dân”, Bộ GTVT lý giải.