'Khó vạn lần dân liệu cũng xong...'
ĐBP - '…Khó vạn lần dân liệu cũng xong', hơn 1 thập kỷ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh; cùng với sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước; tỉnh ta đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, khơi gợi ý chí, tinh thần đoàn kết, tích cực vận động nhân dân hiến kế, hiến đất, hiến công chung tay hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Người dân bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) đi trên con đường bê tông khang trang, êm thuận.
Tại huyện biên giới Mường Nhé, ngay khi bắt tay vào thực hiện Chương trình NTM với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, huyện đã phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, đưa công tác tuyên truyền từng bước đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong nhân dân; lồng ghép nội dung xây dựng NTM vào các cuộc họp thôn, bản, sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể. Ông Vũ Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, luôn gần dân, sát dân, cố gắng kiên trì, vừa tuyên truyền, vận động, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Từ đó người dân đã tích cực, tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, cộng đồng dân cư trong huyện đã đóng góp 2,298 tỷ đồng; trong đó tiền mặt 57 triệu đồng, hiến trên 6.840m2 đất. Ngoài ra, người dân trong huyện cũng đóng góp trên 1.119 ngày công lao động, tương đương với 224 triệu đồng, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh ở cộng đồng dân cư.
Ruộng, nương là tài sản quý giá, tuy nhiên, để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hi sinh cái riêng, tự nguyện góp đất, góp công chung tay xây dựng NTM. Đặc biệt, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương sáng tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, tiêu biểu như: Anh Tòng Văn Hảnh, bản Cản, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) hiến 900m2 đất làm đường; ông Pờ Dần Xinh, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) hiến 300m2 xây trụ sở Ban chỉ huy Quân sự xã; anh Sùng A Làng, bản Hô Mức 2, xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) hiến 300m2 đất nương... Là gia đình hiến 800m2 đất nương làm đường, nên khi tuyến đường nối quốc lộ 6 với xã “ốc đảo” Pú Xi hoàn thành, đưa vào sử dụng, anh Sùng A Dính, bản Hua Mức 2, xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) rất vui mừng, phấn khởi. Anh Dính chia sẻ: “Có đường mới khang trang, êm thuận để đi, gia đình mình và người dân trong bản vui lắm! Con đường đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân buôn bán nông sản, giao thương hàng hóa; trẻ con vui vẻ đến trường, không vì đường xấu, hễ mùa mưa là sạt lở không thể đến trường...”.
Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, vì thế những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để người dân có nhận thức đúng đắn về chủ trương, nhiệm vụ xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, quyết tâm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đặc biệt, thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”, mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, gắn với xây dựng vườn mẫu, gia đình văn hóa; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Thắp sáng đường quê”... Các phong trào, công trình, phần việc có ý nghĩa thiết thực đã tạo sự lan tỏa, khí thế sôi nổi xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đơn cử như Hội Nông dân, năm 2021 đã vận động hội viên đóng góp trên 230 triệu đồng, hiến 2.000m2, trên 1.800 ngày công lao động, xây dựng và tu sửa các công trình phúc lợi, làm mới sửa chữa 150km đường giao thông nông thôn, dọn vệ sinh 210km kênh mương nội đồng, nạo vét 350km kênh mương, cống rãnh thoát nước...
Bằng những giải pháp thiết thực, phát huy hiệu quả vai trò “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân được hưởng thụ”, từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay người dân đã nhận thức việc xây dựng NTM là công việc chính của người dân. Nhờ đó, giai đoan 2016 - 2020, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp hơn 134 tỷ đồng (chủ yếu hiến đất, ngày công lao động...); phát huy đức tính tự lực, tự cường nhân dân cũng đã tích cực lao động, sản xuất, khởi tạo các mô hình phát triển kinh tế, giữ gìn môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp... Sau hơn một thập kỷ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, với sự đồng lòng, chung vai đấu cật của nhân dân, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn, toàn diện. Đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 28 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, diện mạo nông thôn mới các xã vùng cao, biên giới đã có nhiều khởi sắc rõ rệt, từng bước phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã và đang được cải thiện, nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.